Phùng Hà Mối duyên với thơ Tagore của dịch giả Bùi Xuân
Thơ Tagore đã được độc giả Việt Nam biết đến qua bản dịch của nhiều dịch giả, nhưng lần đầu tiên, độc giả Việt Nam được đọc trọn vẹn đầy đủ các bài thơ của Tagore trong ba tập thơ “Bầy chim lạc”, “Mùa hái quả”, “Người thoáng hiện” qua bản dịch của Bùi Xuân.
Dịch giả Bùi Xuân đã chia sẻ mối duyên và tình yêu với thơ Tagore trong chương trình giao lưu trực tuyến “Gurudev Tagore qua điểm nhìn của dịch giả Việt Nam” trong khuôn khổ chương trình kỉ niệm 159 năm ngày sinh Tagore, ngày 8.5.2020 vừa qua. Chương trình do Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Văn hoá Swami Vivekananda tổ chức.
Ba tập thơ của đại thi hào Tagore do Bùi Xuân chuyển ngữ.
Mối duyên với Thơ Tagore
Mối duyên của dịch giả Bùi Xuân với thơ Tagore bắt đầu khi ông tình cờ đọc được bản dịch “Lời dâng” do Đỗ Khánh Hoan dịch (NXB An Tiêm) lúc ông mới từ quê ra thành phố học. Suốt những năm ở Đại học Tổng hợp Huế cũng như thời gian sau này, Bùi Xuân đã tìm đọc nhiều tác phẩm khác của Tagore.
Qua tìm hiểu, dịch giả Bùi Xuân thấy các nhà thơ lớn của Việt Nam như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi đều yêu thơ Tagore. Đọc những bản dịch thơ tuyệt tác của các dịch giả gạo cội Cao Huy Đỉnh, La Côn, Đào Xuân Quý, Lưu Đức Trung, Bùi Xuân cũng ao ước có một ngày được dịch thơ Tagore.
Vào thời điểm của 15, 20 năm về trước, khó khăn của Bùi Xuân là không biết tìm các tác phẩm của Tagore ở đâu. “Đường đi ở miệng”, không biết thì hỏi, và một người bạn của ông đã chỉ cho ông cách tìm thơ Tagore trên Internet.
Ngoài tình yêu mãnh liệt với thơ Tagore, khi ấy Bùi Xuân cảm thấy mình có đôi chút lợi thế khi ông làm công tác nghiên cứu lịch sử, có nghiên cứu về lịch sử văn hóa Ấn Độ; có đôi chút ngoại ngữ; và đặc biệt, ông có những người thầy, người bạn giúp đỡ, động viên.
Thành quả là tập thơ “Bầy chim lạc” ra mắt độc giả năm 2012 do NXB Đà Nẵng ấn hành. Sau đó, ông tự tin dịch tiếp “Mùa hái quả” và “Người thoáng hiện”.
Để có những “trái ngọt” kết tinh từ tình yêu thơ Tagore, dịch giả Bùi Xuân không quên công ơn của nhà thơ Hải Nguyên – người thầy của ông, nhạc sĩ Tôn Thất Lan, Võ Văn Thắng, nhà văn Nhật Chiêu, họa sĩ Dư Dư, Phan Ngọc Minh, Trương Công Báo, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm, Mai Hữu Phước.
Trong đó có hai người mà dịch giả Bùi Xuân bày tỏ sự tri ân đặc biệt là Tiến sĩ Lâm Vinh – người bạn vong niên mà ông chia sẻ rất nhiều trong quá trình dịch, người viết lời giới thiệu, lời bạt cho mỗi dịch phẩm Tagore của ông; và Phó Giáo sư Lưu Đức Trung – người chỉ dẫn cho ông rất nhiều điều bổ ích.
Thơ Tagore đã được độc giả Việt Nam biết đến qua bản dịch của nhiều dịch giả, nhưng lần đầu tiên, độc giả Việt Nam được đọc trọn vẹn đầy đủ các bài thơ của Tagore trong ba tập thơ “Bầy chim lạc”, “Mùa hái quả”, “Người thoáng hiện” qua bản dịch của Bùi Xuân. Ba tập thơ này được NXB Đà Nẵng ấn hành dạng song ngữ Anh – Việt và được NXB Kim Đồng in lại 2 lần bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
Ngoài ba tập thơ của Tagore, sắp tới Bùi Xuân sẽ ra mắt độc giả tập thơ “Những khúc hát của Kabir” của thi hào Ấn Độ Kabir (thế kỉ 15) – người có ảnh hưởng sâu sắc tới Tagore.
Dịch giả Bùi Xuân
Sức hấp dẫn của thơ Tagore
Với Bùi Xuân, sức hấp dẫn của thơ Tagore đến từ tình yêu rộng lớn - yêu thương con người bao trùm trong các tác phẩm của đại thi hào. Thơ Tagore là sự hòa điệu của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên, con người trong mối quan vệ với vũ trụ. Là một thành phần trong vũ trụ bao la, con người cần hiểu được giá trị của mình trong mối tương quan ấy.
Tagore cho rằng, cuộc sống không chỉ có hạnh phúc mà còn có khổ đau. Con người cần chấp nhận cả niềm vui và nỗi buồn, sự sống và cái chết, đó là những cặp phạm trù đối lập nhưng bổ sung hoàn thiện cho nhau.
Thơ Tagore còn cuốn hút người đọc ở giọng điệu thơ phong phú, nồng nàn, nhiều màu sắc. Đó là giọng điệu sùng kính với Đấng Thiêng liêng, tình yêu tha thiết, triết lý cao xa, sâu sắc.
Đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore
Bùi Xuân phát hiện ra nhiều từ ngữ mang tính biểu tượng trong thơ Tagore. Chẳng hạn như Chúa, Thần, Thánh, Ánh Sáng, Bầu Trời… gắn với Đấng Thiêng liêng, “bình đất nung” gắn với hình ảnh người tình, hay “cánh chim” gắn với sự tự do…
Triết lý đa tầng đa nghĩa, ngôn ngữ đầy nhịp điệu và nhiều ẩn dụ trong thơ Tagore là thách thức với bất cứ dịch giả nào.
Với Bùi Xuân, khi dịch thơ Tagore, ông luôn tìm các văn bản sách giấy khả tín, hoặc bản scan sách giấy. Tiếp cận với văn bản, ông cố gắng đọc hiểu nhiều lần để nắm bắt nội dung, kết cấu; cảm nhận nhịp điệu, giọng điệu thơ. Tiếp đó, là tìm từ ngữ để chuyển tải được đúng và hay. Quan điểm của Bùi Xuân là dịch sát nghĩa, và cố gắng để không làm mất đi vẻ đẹp trong ngôn ngữ ngữ thơ Tagore.
Nhà văn Nhật Chiêu từng chia sẻ: “Trong những người mê thơ Tagore hiện giờ có nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân. Bạn đọc sẽ cảm nhận được điều đó qua các bản dịch đầy đam mê và nỗ lực của anh. Và bạn đọc cũng là người thưởng thức, nhìn nhận một lần nữa bóng dáng Rabindranath Tagore trong một cuộc gặp gỡ mới. Đó sẽ là niềm vui của người dịch, niềm vui thoáng hiện với đời.”
(Nguồn: Zing.vn)
Dịch giả Bùi Xuân, sinh năm 1959, tại Đại Lộc, Quảng Nam. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Các tác phẩm đã xuất bản: Thơ đề trên chiếc lá rụng (thơ), Nxb Đà Nẵng, 1997; Ẩn dụ mưa (thơ), Nxb Hội Nhà văn, 2007. Dịch phẩm: Bầy chim lạc (Thơ R. Tagore) (Nxb Đà Nẵng, 2012; Nxb Kim Đồng, 2017); Mùa hái quả (Thơ R. Tagore), (Nxb Đà Nẵng, 2013; Nxb Kim Đồng, 2017); Người thoáng hiện (Thơ R. Tagore), Nxb Đà Nẵng, 2015; Nxb Kim Đồng, 2017); Những khúc hát của Kabir (sắp in)…
Gurudev Rabindranath Tagore (1861 – 1941) là tác giả châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học (năm 1913) với tập Thơ Dâng, là “người phát ngôn có khả năng đưa Ấn Độ hiện đại đến với thế giới nhất” (phát biểu của Trung tâm Văn hóa Ấn Độ - Swami Vivekananda). Ông là tác giả của 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút kí, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức truyền thống của Ấn Độ, du học Anh từ năm 17 tuổi, từng sinh sống và đi thăm nhiều nước trên thế giới (đến thăm Việt Nam năm 1929), Tagore được xem là biểu tượng kết tinh của tinh hoa văn chương triết học phương Đông và phương Tây.