“Quốc văn giáo khoa thư” Không chỉ là Quốc văn và Quốc ngữ
Cách đây tròn 100 năm (1919 - 2019), nền giáo dục và khoa cử kiểu cũ chính thức suy tàn cùng với kì thi Hương cuối cùng được tổ chức. Chữ Hán (và ở một mức độ nào đó là chữ Nôm) đã chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của mình, về cơ bản nhường chỗ cho một thứ văn tự có hình dáng ngoại lai nhưng ngay từ những ngày đầu phổ cập đã được đông đảo trí thức đương thời gọi bằng một cái tên thân thuộc: Chữ Quốc ngữ. Đi cùng với đó, trong tâm thái xã hội, những hi vọng nhen nhóm về một nền Quốc văn có bản sắc, thâu thái Á Âu, viết bằng Quốc ngữ cũng ra đời. Sự xuất hiện của “Quốc văn giáo khoa thư” những năm 20 đầu thế kỉ XX là một minh chứng rõ nét cho việc hiện thực hóa những khát khao và hi vọng ấy.
“Quốc văn giáo khoa thư”, ở một góc độ nào đó, được coi là bộ sách giáo khoa dạy Tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, là sản phẩm tập thể của các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận, những người đã từng tốt nghiệp trường Thông ngôn, có chuyên môn về “ngôn ngữ” theo lối Tây học đương thời. Khi soạn công trình này, tập thể tác giả tự nhận rằng sách của mình “là sách dạy gồm cả các mục chủ về việc quốc văn giáo khoa” đồng thời cũng rào đón rằng “Những nguyên âm và phụ âm xếp theo thứ tự i, u, ư,... b, l, t,... là theo trật tự đọc hay viết từ dễ đến khó, từ đơn đến kép. Những phụ âm không gọi như cũ, b là bê, l là en lờ, x là ích xì,... (...) mà gọi b là bơ, l là lơ, x là xơ”, “Nếu trẻ bắt đầu học quốc ngữ theo lối mới quen nếp rồi, thì không bao lâu i, u, ư... bơ, lơ, tơ rồi nghe cũng thuận tai chẳng khác gì a, b, c, d, đ bây giờ”... chứng tỏ có một thời tiếng Việt, chữ quốc ngữ được học và đọc theo thứ tự a, b, c... cùng lối đánh vần “cũ” theo tên chữ chứ không phải đánh vần theo âm chữ. Việc đánh vần theo lối “mới” này có tính “quốc tế” bởi theo nhóm soạn giả “cách gọi mới này không phải riêng cho một quốc ngữ ta; cả chữ Pháp cũng gọi theo như thế”.
Suốt thời gian qua, công trình này đã từng được tái bản nhiều lần, và bởi cách dạy tiếng Việt có nhiều biến chuyển theo thời gian nên trong nhiều lần tái bản, phần dạy nguyên âm, phụ âm, ghép vần, đặt câu hay bị lược bỏ. Trong lần tái bản này (2019), Nhà xuất bản Kim Đồng đã chủ động in lại phần nội dung hay bị lược bỏ đó kèm chú thích “Dành cho lứa tuổi 6 +”. Việc in lại đầy đủ nội dung ban đầu của sách (trừ một số bài nội dung không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay) không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với đứa con tinh thần của các tác giả mà còn gián tiếp ghi nhận giá trị tham khảo của sách trong việc dạy và học chữ quốc ngữ đối với học sinh Tiểu học bởi ngay ở phần đầu sách, nhóm soạn giả đã ý thức rất rõ “Bài học tiếng cốt để cho trẻ học biết thêm tiếng. Bài đặt câu cốt để cho trẻ chọn những tiếng đã dạy ở trên mà điền vào những nơi bỏ trống cho ăn nghĩa. Bài trả lời câu hỏi cốt để khiến cho học trò phải nghĩ mà học đặt câu”. Một công trình ra đời cách nay gần một thế kỉ như “Quốc văn giáo khoa thư” vẫn có giá trị tham khảo cho học sinh Tiểu học ngày nay chính là vì thế.
Cho tới nay, điều làm nên sức sống của “Quốc văn giáo khoa thư” không chỉ ở chỗ đây là một bộ sách giáo khoa dạy chữ quốc ngữ, dạy viết văn theo lối mới, một cách hình dung về hành văn, làm văn khác hẳn với quan niệm văn chương của nhà nho, của nền giáo dục khoa cử Nho học trước đó, mà còn ở chỗ đây là một công trình mà tập thể tác giả đã lồng được biết bao câu chuyện, bài học về phép vệ sinh, đạo đức, luân lí, lịch sử, địa lí,... vào trong đó. Người học, người đọc có thể thấy ở đây lời khuyên về cách đọc, cách viết, ngủ sớm dậy sớm, mấy điều cần cho sức khỏe, không để móng tay, chớ nhổ bậy bạ, chớ tắm rửa nước bẩn,... đến những bài học về giúp đỡ cha mẹ, lễ phép khi ăn uống, gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình, chọn bạn mà chơi, lễ phép với người tàn tật, kính trọng người già, chớ vội khoe mình, mật ngọt chết ruồi, không nên hành hạ loài vật, không nên báo thù, không nên khinh những nghề lao lực,... Người học, người đọc cũng có thể thấy ở đây những tấm gương sáng cổ kim, Đông Tây như chuyện về Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn, Chu Văn An, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Văn Hiếu,... rồi Khổng Tử, Tử Lộ, Mạnh Tử, Mẫn Tử Khiên, Trình Hiệu, Thôi Lượng, Lưu Khoan,... và Carnot, Alexandre de Rhodes, Pasteur... đồng thời cũng tìm được trong sách những tri thức ban đầu về mây, mưa, gió, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, đường xe lửa,... hay cả những cảnh, những vật gần gũi, giản dị, đời thường như mùa xuân, mùa mưa, rau muống, bắp ngô, gừng, riềng,... hoặc những cảnh, những vật đặc trưng của làng quê Việt Nam như cây tre, chăn trâu, chùa làng, mưa dầm gió bấc,... Hệ thống bài học đó khiến công trình không chỉ là một “giáo khoa thư” mà còn như một “bách khoa thư” thu nhỏ dành cho lứa tuổi học trò những năm đầu Tiểu học.
Trải qua gần một thế kỉ, rất nhiều bộ sách giáo khoa dạy tiếng Việt, văn Việt đã được biên soạn nhưng “Quốc văn giáo khoa thư” vẫn có một vị trí nhất định trong đời sống học thuật nước nhà và trong tâm cảm của nhiều thế hệ người có chữ. Điều đó không chỉ do điểm xuất phát của công trình này (được lịch sử đặt vào vị trí thuộc về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”) mà còn do giá trị khoa học, giá trị sư phạm của công trình mang lại. Biết bao thế hệ học trò vẫn còn mang trong hành trang tri thức của mình ấn tượng về những bài học thân thuộc như “Cái cò, cái vạc, cái nông”, “Người ta đi cấy lấy công”, “Công cha như núi Thái Sơn”, “Con cò mà đi ăn đêm”, “Trâu ơi ta bảo trâu này”, “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, “Câu chuyện bó đũa”, “Trí khôn của ta đây”... mà không hề hay biết rằng những bài học đó đã được đưa vào “Quốc văn giáo khoa thư” từ đầu thế kỉ XX. Thậm chí, có những câu chuyện đến đầu thế kỉ XXI chúng ta còn bàn cãi như “vì sao phải học chữ Nho” thì cách nay gần một trăm năm “Quốc văn giáo khoa thư” đã góp phần đưa ra lời giải đáp; hay một câu thơ nổi tiếng của Giang Nam trong bài thơ “Quê hương” (“Ai bảo chăn trâu là khổ?”) thực ra lại có xuất xứ từ cuốn giáo khoa thư giản dị và gần gũi ấy.
Khoảng thời gian gần một trăm năm, đủ dài cho vô số biến thiên, kể cả trong lĩnh vực giáo dục. Biết bao thế hệ sách giáo khoa đã ra đời và biết bao thế hệ học trò đã lớn lên cùng những bộ sách ấy, nhưng dẫu sao mặc lòng, “Quốc văn giáo khoa thư” vẫn là một kí ức đẹp của một, thậm chí là vài thế hệ, trong đó có những người thuộc thế hệ đã góp phần hiện đại hóa văn học Việt Nam, những người mà cuộc đời họ nằm trọn vẹn trong những tháng ngày gian khó, cần nhiều hi sinh, nghị lực nhất của đất nước. Việc đặt những viên gạch đầu tiên về Quốc ngữ và Quốc văn, về những tri thức địa lí, lịch sử, và hơn thế, là về luân lí, đạo đức làm người... khiến “Quốc văn giáo khoa thư” có sức sống lâu bền cho tới tận ngày nay, bất chấp những biến thiên dẫu những biến thiên đó mang dáng dấp của thương hải tang điền.