cart.general.title

Ra mắt sách về những người Thầy trong sử Việt

“Không thầy đố mày làm nên”, câu ngạn ngữ đó vừa khẳng định một chân lí: muốn nên người thì phải có thầy, vừa cho thấy truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta. Nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Nhà xuất bản Kim Đồng trân trọng giới thiệu hai cuốn sách mới viết về những người thầy trong lịch sử Việt Nam: Những người thầy trong sử Việt và Thầy Thiên Đức.

Những người thầy trong sử Việt là tác phẩm mới nhất của nhóm biên soạn Nguyễn Quốc Tín – Nguyễn Huy Thắng – Nguyễn Như Mai, vốn đã rất quen thuộc với độc giả yêu thích sách phổ biến kiến thức khoa học.

 

Với lối tư duy tổng hợp, có chiều sâu, kết hợp thi pháp chân dung uyển chuyển, các tác giả đã dựng nên trước mắt người đọc hình ảnh những người thầy rất đặc biệt trong sử Việt. Đó là câu chuyện cuộc đời vinh quang và thăng trầm của Lê Văn Thịnh, trạng nguyên khai khoa đầu tiên, hầu học cho thái tử Càn Đức con vua Lí Thánh Tông; là người thầy chuẩn mực muôn đời – được nhân dân tôn là “vạn thế sư biểu” Chu Văn An; là học giả Trần Trọng Kim – nhà giáo dục tâm huyết - chính trị gia “bất đắc dĩ”; hay họa sĩ Tardieu, một người Pháp không có đầu óc thực dân, đã dành cả nửa cuối cuộc đời mình để xây dựng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đào tạo những thế hệ họa sĩ tài năng đầu tiên của nước ta.

Bộ sách chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Các tác giả có ý khai thác chân dung của những người thầy từ nhiều góc nhìn và điểm nhìn nghệ thuật. Mỗi nhân vật đều có số phận, cuộc đời và tính cách riêng, khi từ ngôi kể thứ ba với giọng khách quan, khi là ngôi thứ nhất nhân vật tự trải lòng, bộc bạch. Vì thế, cuốn sách không rơi vào một màu nhàm chán, trái lại, có cách cuốn hút rất riêng.

 

Đặc biệt, nhóm tác giả còn đề cập đến những câu chuyện thú vị và ý nghĩa trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Về chuyện nhà sử học Lê Văn Hưu, tác giả bộ chính sử đầu tiên của nước ta - bộ Đại Việt sử kí cũng là thầy dạy của thái tử Trần Hoảng - sau lên ngôi là vua Trần Thánh Tông, và hoàng tử Trần Quang Khải - sau trở thành vị đại thần có công rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Rằng thầy Lập Trai Phạm Quý Thích cũng là người đầu tiên “thẩm định” tác phẩm Truyện Kiều của ông bạn Nguyễn Du và đã cho khắc in thành sách để phổ biến rộng rãi.

 

Rất nhiều ví dụ được liệt kê và khẳng định: sự nghiệp giáo dục của nước ta, được những người thầy tiếp nối từ thời phong kiến, qua thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Họ đã đào tạo nên những hiền tài gánh vác công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, và cũng chính họ đã thắp sáng truyền thống văn minh Việt từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Mỗi chân dung người thầy đáng kính đều có những nét thú vị, đằng sau nó là biết bao suy tư trầm lắng về lịch sử, về thời đại và luân lí giáo dục

Bộ sách được chia thành nhiều tập, mỗi tập đều có những người thầy thuộc nhiều thế hệ khác nhau để bạn đọc dễ tiếp cận, không cứng nhắc gò theo bất cứ tiêu chí nào. Mỗi chân dung người thầy đáng kính đều có những nét thú vị, đằng sau nó là biết bao suy tư trầm lắng về lịch sử, về thời đại và luân lí giáo dục. Các tác giả còn có riêng một bài “Chuyện học hành thi cử ngày xưa” để bạn đọc hiểu hơn quá trình hình thành, hoạt động và đóng góp của tầng lớp “sĩ dân” trong xã hội, tựa như cái nền của bức tranh trên đó xuất hiện những người thầy tiêu biểu trong sử Việt.

 

Cuốn sách Thầy Thiên Đức của tác giả Trần Việt Trung kể về vị thầy là nguyên mẫu có thật, làm sống lại một thế hệ trí thức của nền văn hóa xưa – nền văn hóa dựa trên nền tảng Nho học với những giá trị riêng. Ở đó Nho - Y - Lí - Số là bốn bộ môn gắn bó rất chặt chẽ với đời sống cộng đồng, đáp ứng được khá đầy đủ những nhu cầu thường gặp trong cuộc sống của mỗi con người cũng như của toàn xã hội. Và thật thú vị, thầy Thiên Đức là một người, có thể nói, đã thâu tóm được cả bốn bộ môn ấy trong hành trang cuộc đời mình. Vì vậy, tìm hiểu về thầy Thiên Đức không chỉ để biết về một con người cụ thể, mà còn là dịp để, qua đó, chúng ta biết thêm nhiều khía cạnh trong đời sống tinh thần của các bậc tiền nhân, mang đậm dấu ấn Việt, tâm thức Việt, bản sắc Việt.

Cuốn sách kể về vị thầy là nguyên mẫu có thật, làm sống lại một thế hệ trí thức của nền văn hóa xưa

Đọc cuốn sách, độc giả cũng sẽ tìm thấy cho riêng mình những bài học làm người sâu sắc “cái tâm của mình phải chính, không được huyễn hoặc người khác hay tự huyễn hoặc mình, suy ngẫm kĩ lưỡng, phát ngôn thận trọng, không khoa trương, ganh đua hơn kém”. Cuốn sách cũng khiến ta thấm thía “trong đời, có hai nghề cao quý mà ai cũng trọng là thầy giáo và thầy thuốc”, một người thầy chữa cho ta thân bệnh và một người thầy khiến ta được mở mang trí tuệ, đến với chân trời tri thức.

 

Tác giả Trần Việt Trung chia sẻ: “Hơn 50 năm qua, tôi đã được gặp gỡ và học hỏi kiến thức từ nhiều người thầy. Nhưng nhìn lại, có hai người thầy mà tôi gắn bó nhất, đó là thầy dạy võ và thầy dạy thuốc Đông y.”

 

Tác giả Trần Việt Trung nguyên là “con nhà võ” – học trò của thầy Ngô Sỹ Quý, một võ sư nổi tiếng của môn phái Vĩnh Xuân Quyền. Ở tuổi ngoài ba mươi, ông đã được lương y Thiên Đức “chọn mặt gửi vàng”, truyền đạt cho vốn kiến thức về Y học và Nho học mà thầy đã tích lũy suốt cả cuộc đời, những mong để có được một truyền nhân xứng đáng. Và người truyền nhân ấy không chỉ biết nhận mà đã có một nghĩa cử thật cao đẹp: trải lòng mình qua những trang sách về người thầy đáng kính, như một bông hoa dâng lên thầy mình mà cũng để tri ân những bậc tôn sư vào đúng dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầy ý nghĩa này.

 

Ngoài ra, độc giả có thể tìm đọc thêm cuốn "Những chuyện kể về thầy trò thời xưa" tuyển tập những câu chuyện dân gian thú vị, cảm động về thầy trò do Giáo sư Kiều Thu Hoạch tuyển chọn và "Sao Khuê lấp lánh" - câu chuyện cảm động về cuộc đời Nguyễn Trãi - vị Thầy "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo". 

   

Hà Linh