Thủy Nguyệt 'Chuyện cô gái Julie': Vẻ đẹp của con người giữa thiên nhiên hoang dã
"Chuyện cô gái Julie" là khúc ca đẹp đẽ về sự hòa hợp, gắn kết của con người và thiên nhiên nơi Bắc cực lạnh giá.
Chuyện cô gái Julie viết năm 1994 là tập thứ 2 trong bộ truyện Julie của tác giả Jean Craighead George. Các tập tiếp theo của bộ sách gồm: Julie’s Wolf Pack (tạm dịch: Đàn sói của Julie) 1997; Nutik, the Wolf Pup (tạm dịch: Nutik, sói con) 2001; Nutik and Amaroq play ball (tạm dịch: Nutik và Amaroq chơi bóng), 2001.
Sách Chuyện cô gái Julie. (Ảnh: Thủy Nguyệt)
Trải qua những ngày tháng khắc nghiệt khi bị lạc ở Alaska, Julie đã sống sót trên lãnh nguyên Alaska nhiều ngày nhờ hòa hợp với một đàn sói coi cô như một thành viên trong đàn của chúng.
Cô đã sống trong thiên nhiên hoang dã ấy, cho đến khi cô tìm lại được người cha tưởng rằng đã mất bao nhiêu năm của mình.
Sau khi tìm thấy cha, cô đã quyết định quay về với thế giới hiện đại và sống cùng với cha của mình, Kapugen và vợ của ông, Ellen. Ban đầu cô cảm thấy mọi việc rất khó khăn, khi phát hiện rằng cha mình đã từ bỏ rất nhiều tập quán Eskimo. Nhưng quá trình sống cùng cha và mẹ kế mới, Julie đã dần lấy lại niềm tin vào cha, và mở lòng với mẹ Ellen.
Điều quan trọng, dần thấu hiểu cha, cô đã sẵn sàng để tha thứ cho ông vì đã giết Amaroq, thủ lĩnh của đàn sói đã giúp đỡ cô. Julie hiểu rằng, ông buộc phải làm như vậy vì dân làng.
Julie ở Chuyện cô gái Julie thật sự đã lớn khi cô biết quan sát cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo, và hơn hết, cô có một tình yêu bao la với vùng đất lạnh giá Alaska, với thiên nhiên hoang dã - điều đó đã khiến những người xung quanh cô có những “thay đổi tích cực”, để thấu hiểu thiên nhiên.
Đây là phần tiếp theo hoàn hảo của bộ truyện. Độc giả sẽ cảm thấy yêu thích cách mà Jean Craighead George tiếp tục phát triển chủ đề bắt đầu trong cuốn sách Julie của bầy sói.
Sự sâu sắc của bộ truyện chính là việc khám phá sự khác biệt giữa lối sống truyền thống của người Eskimo trong sự “xâm chiếm” văn hóa của người da trắng. Sự khác biệt đó tạo nên rất nhiều kịch tính nhưng Jean Craighead George và nhân vật mạnh mẽ của cô, Julie đều có thể tìm được cách cân bằng, hòa hợp một cách đáng ngưỡng mộ.
Mạch truyện trong cuốn sách Chuyện cô gái Julie vừa có sự căng thẳng của sinh tồn, lại vừa có sự thơ mộng của thiên nhiên hoang dã, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc khi theo chân cuộc hành trình “trở thành người lớn” của nhân vật Julie.
Sự sâu sắc của bộ truyện chính là việc khám phá sự khác biệt giữa lối sống truyền thống của người Eskimo trong sự “xâm chiếm” văn hóa của người da trắng. (Ảnh: Vtimes)
Bức tranh phong cảnh ngôi làng nơi Julie và gia đình của cô sinh sống chắc hẳn sẽ để lại nhiều ấn tượng cho độc giả. Jean Craighead George đã phát triển bối cảnh của câu chuyện kỹ lưỡng hơn nhiều trong phần tiếp theo này so với trong cuốn sách đầu tiên của cô ấy là Julie con của bầy sói.
Phong cảnh trong Chuyện cô gái Julie được tạo dựng nên bởi các mùa của Bắc cực với những khắc họa sắc nét. Từ những trận bão tuyết mùa đông đến những lớp băng tan của mùa hè Bắc cực đều được miêu tả chi tiết, khiến độc giả kinh ngạc và thán phục.
Bước vào câu chuyện của Chuyện cô gái Julie bạn sẽ vừa được trải nghiệm những cuộc phiêu lưu ở nơi Bắc cực khắc nghiệt, đồng thời cũng cảm nhận được những nét đẹp của thiên nhiên, của tự do, của sinh tồn. Cuốn sách là khúc ca đẹp đẽ về sự hòa hợp, gắn kết của con người và thiên nhiên.
Tác giả Jean Carolyn Craighead Geogre là nhà văn người Mỹ với hơn 100 tác phẩm dành cho trẻ em và thanh niên, tập trung vào chủ đề môi trường và thế giới tự nhiên.
Sinh ra trong gia đình có nhiều người nghiên cứu về tự nhiên, bà tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh và khoa học tại Đại học Bang Pennsylvania năm 1940. Bà từng là phóng viên cho tờ The Washington Post, biên tập viên cho nhà xuất bản Readers Digest.
(Nguồn: Zing.vn)