'Dấu lửa trong mơ': Hành trình hàn gắn nỗi đau
"Dấu lửa trong mơ" là câu chuyện cảm động về hành trình chia lìa, thấu cảm và hàn gắn của những con người trong gia đình sau nhiều biến cố của đời sống.
Cậu bé Michael có một người ông ngoại mang khuôn mặt kì dị, do chiến tranh gây nên. Ông ngoại thỉnh thoảng đến thăm gia đình Michael, nhưng dường như bố mẹ không ai cảm thấy thoải mái vì những chuyến viếng thăm của ông. Michael luôn bị mẹ cấm nhìn thẳng vào ông, bởi cô sợ sẽ làm tổn thương đến ông, cô sợ sẽ khiến ông khó chịu.
Nhưng sự tò mò của một đứa trẻ đã khiến Michael không thể nào cưỡng lại yêu cầu đó. Cậu luôn tìm cách len lén nhìn ông ngoại. Và cậu nhận ra rằng, ông không hề khó chịu như lời mẹ nói. Ông chỉ lặng yên.
Bìa cuốn sách Dấu lửa trong mơ.
Khi lớn hơn một chút Michael đã tự mình đến quần đảo Scilly thăm ông vào kỳ nghỉ hè. Khoảng thời gian ấy chính là cơ hội để cậu được gần gũi với ông ngoại. Hàng ngày chứng kiến cuộc sống của ông, cậu đã biết ông không hề đáng sợ như vẻ ngoài kia, ông thường im lặng, đọc sách, và ngồi trầm ngâm hàng giờ trước biển.
Michael bằng tình yêu ngây thơ của mình, đã dần khiến ông ngoại cởi mở tâm tư, kể cho cậu nghe câu chuyện khủng khiếp đã xảy ra trong đời ông, khiến ông trở thành kẻ dị dạng, khiến người vợ yêu dấu cũng bỏ ông ra đi.
Sau chiến tranh, khi người bạn thân thiết, Jim, đã nằm lại nơi biển khơi để ông được sống, nhưng ông mất tất cả, ngay cả tư cách được làm người bình thường. Ông mang trong mình nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh, về cái chết suốt cả cuộc đời mình.
Những ám ảnh ấy, ông đã ngồi bên bờ biển kể lại cho Michael. Ấy là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, ông tìm lại được đôi chút cảm giác thanh thản.
Giây phút hai ông cháu ngồi bên bờ biển, khi rất nhiều những con chim ó biển bay trên bầu trời, là giây phút Michael cảm thấy được sự ấm áp, và cũng chính là giây phút cởi bỏ đi những cơn ác mộng về một trận hỏa hoạn trên biển mà cậu đã mơ thấy suốt tuổi thơ.
Giữa những người thân thương luôn hiện hữu một mối dây liên hệ vô hình nhưng bền vững. Cũng giống như Michael và ông ngoại, khi câu chuyện của cuộc đời ông, chính là dấu lửa trong mơ suốt tuổi nhỏ của cậu. Lúc ông cởi bỏi được tâm tư với cậu cũng là khi những cơn ác mộng về chiến tranh không còn xuất hiện trong giấc ngủ của cậu.
Bằng khả năng kể chuyện của mình, Michael Morpurgo đã thành công trong việc đi sâu vào những góc khuất sâu kín của tâm hồn mỗi con người, để khắc họa những nỗi lòng riêng tư, để họ có thể bước ra khỏi bóng tối ám ảnh, và gặp gỡ được những an ủi ấm áp từ những người thân yêu bên cạnh.
Dấu lửa trong mơ được viết bằng văn phong kể chuyện cô đọng, súc tích, chất chứa nhiều tầng nghĩa sâu sắc về con người và cuộc đời.
Phần minh họa đơn giản của cuốn sách.
Ở đoạn kết của câu chuyện, ông ngoại Michael mất và theo đúng di nguyện của ông, Michael cùng mẹ và bà mang thi hài ông thả ra biển, để ông được trở về biển cùng với những người bạn thân thiết nhất của ông. Nỗi buồn tràn lên từ những đợt sóng biển, từ mênh mông gió và nước.
Dấu lửa trong mơ đã vượt thoát khỏi câu chuyện riêng tư để trở thành một dấu hỏi lớn về cuộc sống của thế hệ những người cựu chiến binh rời khỏi cuộc chiến tranh, khi thân hình bị chiến tranh tàn phá. Họ bị gia đình, xã hội sợ hãi, xa lánh. Họ chỉ có thể sống cô đơn trong nỗi ám ảnh của riêng mình.
Phần minh họa của Demma O’callaghan dùng những màu xanh, trắng, xám làm chủ đạo, phần nào làm giảm đi bản chất dữ dội của câu chuyện, để người đọc có thể cảm nhận những tầng sâu một cách thật lắng đọng, lặng lẽ.
Không chỉ hấp dẫn độc giả trẻ thơ, Dấu lửa trong mơ là cuốn sách cần đọc, cần chiêm nghiệm, suy ngẫm của những người đã trưởng thành, đi qua nhiều vết thương và sự đau đớn.
Michael Morpurgo là nhà văn, nhà thơ Anh. Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, được dịch ra 25 thứ tiếng và đoạt nhiều giải thưởng uy tín. Trong số đó có tiểu thuyết Chiến mã được Hollywood dựng thành phim. Ông và vợ cũng đã sáng lập Hội từ thiện Farms of City Children dành cho trẻ em.
Theo: Zing