Thủy Nguyệt Đọc lại những trang văn thấm đẫm chất đời của Nguyễn Quang Sáng
Nguyễn Quang Sáng đã dùng sự quan sát tỉ mỉ, tấm lòng thân thương, trìu mến lưu lại những câu chuyện bé mọn, giúp hình ảnh những đứa trẻ nghèo thuở ấy được nhắc nhớ đến hôm nay.
Tập truyện ngắn “Con mèo của Foujita” của Nguyễn Quang Sáng là tác phẩm nằm trong Tủ sách Vàng – Tác phẩm Văn học Chọn lọc của nhà xuất bản Kim Đồng.
Cuốn sách tập hợp những truyện ngắn hay nhất, gắn liền với tên tuổi nhà văn Nguyễn Quang Sáng như Chiếc lược ngà, Quán rượu người câm, Con chim vàng, Con khướu sổ lồng... Đây là những tác phẩm được bao thế hệ độc giả Việt yêu mến bởi chất đời thấm đẫm trên từng trang viết.
Tập truyện ngắn “Con mèo của Foujita” do NXB Kim Đồng ấn hành.
Ngẫm nghĩ về đời người
Truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng lấy điều chân thật làm trung tâm; từ sự chân thực ấy mà dựng nên cốt truyện, ngôn ngữ vừa dung dị, vừa gần gũi, dễ chạm vào tâm tư của người đọc. Ai cũng có thể thấy mình trong câu chuyện ấy. Cái sai, cái đúng, sự đau khổ, niềm hạnh phúc, nỗi khao khát, mong mỏi... đều hiện diện trên trang văn đẫm mùi vị đời sống.
Trong truyện ngắn Thua trận, chuyện hai đứa trẻ trong một trận thi đấu bóng bàn đã để lại biết bao suy ngẫm cho những người lớn tuổi.
Ai cũng nghĩ tại sao Sơn giỏi hơn Tuấn rất nhiều, nhưng lại chịu để thua Tuấn vào giây phút cuối. Không ai hiểu tâm tình của Sơn, cho đến khi cậu nói rằng: “Không phải con thua mà con buồn. Con buồn vì nó có khiếu, có tài mà nó đi”.
Trong cuộc thi đấu, điều Sơn nhìn nhận ra không phải thắng thua, mà là sự trân trọng một tài năng. Sơn buồn bởi mình không còn cơ hội thi đấu với Tuấn; cũng bởi, nơi Sơn ở sẽ mất đi một tài năng.
Ẩn chứa sau nỗi buồn thơ trẻ ấy, là một triết lý sâu sắc phản ánh không khí của thời đại bấy giờ, khi bao người lần lượt di cư đến các miền đất khác bởi cái nghèo, cái khổ.
Phía trước cậu bé Sơn là hành trình dài của sự trưởng thành, có lẽ em sẽ còn chứng kiến, gặp gỡ nhiều những cuộc chia ly như thế. Dẫu buồn, nhưng nó là trải nghiệm cần có trong đời người.
Nhân vật trẻ thơ trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng có lẽ vì sinh ra trong thời đại lịch sử đặc biệt của dân tộc nên đều có những suy nghĩ trưởng thành trước tuổi.
Nỗi buồn của Sơn cũng như những giọt nước mắt của Quang trong truyện ngắn Thằng bé bị đi xa, khi Jane bị đưa lên máy bay đến một đất nước khác, gợi nhắc lại biết bao cảm xúc và không khí của một thời xa vắng. Những câu chuyện đem lại nhiều hoài niệm và lưu luyến cho độc giả.
Trìu mến những phận người bất hạnh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đem hết những từng trải của mình, để tái dựng những hình ảnh đời sống, sinh động, chân thành, sâu sắc trên mỗi trang viết.
Đọc truyện Con chim vàng, chứng kiến phận người, phận chim trong ấy mà bao độc giả đã rưng rưng nước mắt.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thời trẻ (giữa) và hai con trai.
Chỉ vì Quyên bị xổng mất con chim vàng, mà má của Quyên đánh mắng Bào, bắt Bào phải tìm cách bắt bằng được con chim. Bào và Quyên cùng là hai đứa trẻ, chúng có thể trở thành bạn của nhau, chơi cùng nhau, nhưng một người là con nhà chủ, một người lại là đầy tớ.
Trên trang viết của Nguyễn Quang Sáng, hình ảnh hai đứa trẻ hiện ra với hai dáng vẻ khác nhau, nhưng ông chú ý đến những chi tiết nhỏ, làm cảm động độc giả bằng những rung động chân thực ấy.
Khi nhìn thấy bàn tay má thằng Quyên, Bào cứ ngỡ rằng, bàn tay ấy đang nắm lấy tay nó, có thể kéo nó đứng dậy, nhưng kết quả em nhận về lại là sự buồn tủi, bẽ bàng. Tâm hồn trẻ thơ của em, dù là phận đầy tớ, vẫn cảm nhận được một nỗi buồn tủi sâu sắc.
Bào cũng như biết bao đứa trẻ thời kỳ đất nước nghèo khó ấy, chúng phải đánh mất tuổi thơ vui chơi của mình, để làm mọi việc phụ giúp ba mẹ, nuôi sống bản thân.
Những đứa trẻ nghèo, với số phận nhỏ bé có thể trôi đi, biến mất cùng với màn sương mù dày đặc của quá khứ. Nhưng Nguyễn Quang Sáng đã dùng sự quan sát tỉ mỉ, tấm lòng thân thương, trìu mến lưu lại những câu chuyện bé mọn này, giúp hình ảnh những đứa trẻ nghèo thuở ấy, được nhắc nhớ đến hôm nay.
Cúi xuống những thân phận nghèo khổ cũng là một điều thật đáng được trân trọng ở tâm hồn một người viết. Viết chân thật, viết bao dung, cũng là điều mà Nguyễn Quang Sáng luôn tâm niệm trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Quan điểm ấy của ông đã được thể hiện phần nào qua truyện ngắn Bài học tuổi thơ: “Với tôi, người viết văn, đó là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về Nguyễn Quang Sáng: “Đọc Nguyễn Quang Sáng, không hiểu sao, tôi cứ hình dung nhà văn có nét gì đó của một người nông dân Nam Bộ ngang tàng, coi như chuyện nguy hiểm chết người cũng bông phèn như trò chơi con trẻ, có thể chống xuồng lao giữa bom đạn đang vây bủa mịt mù, cũng có thể ngồi thì lì trong một quán rượu tạm bợ, dựng tồng tềnh bên vệ cỏ, ngoảnh ra phía sông nước mà nhậu lai rai, nhậu tối ngày.
Con người ấy vừa đơn giản vừa phức tạp đến bí hiểm. Hình như đó là một phần của thiên nhiên Nam Bộ, do thiên nhiên chắt ra, bởi thế có lúc hồn nhiên như cỏ dại, có lúc ương ngạnh như vách đá”.
(Nguồn: Zing.vn)
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, bút danh Nguyễn Sáng. Ông quê ở xã Mỹ Luông (nay là thị trấn), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Một số tác phẩm văn học để lại dấu ấn của ông: Chiếc lược ngà (1966), Con chim vàng (1978), Đất lửa (1963), Mùa gió chướng (1975), Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (1990)...
Ông cũng là tác giả các kịch bản phim: Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981), Cho đến bao giờ (1982), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Thời thơ ấu (1995), GilZa dòng (1995), Như một huyền thoại (1995)...
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nhận giải thưởng của Hội đồng văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn) với tác phẩm Dòng sông thơ ấu (1985), Con mèo của Joujita (1994), cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (tác phẩm Tư Quắn), cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959, tác phẩm Ông Năm Hạng)... Ông cũng từng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2000.