Thụy Oanh ‘Nhà văn mà không chăm đọc là ếch ngồi đáy giếng’
Theo Văn Thành Lê, dấn thân vào nghiệp văn chương đồng nghĩa với cả đời làm bạn với con chữ. Thế nên, việc đọc sách đối một nhà văn chính là cách tốt nhất để tái tạo năng lượng.
Thể loại phong phú, giọng văn đa dạng và tự nhiên, Văn Thành Lê là một cây bút đa năng thuộc thế hệ 8x. Với anh văn chương không chỉ đơn thuần là viết lách và sáng tạo. Bên cạnh đó, việc đọc sách sẽ đem đến cho nhà văn nhiều trải nghiệm thú vị. Hãy cùng nghe anh chia sẻ về chuyện: “Một nhà văn sẽ làm gì khi đóng vai người đọc?”.
Để dựng nên chân dung các nhà văn trong Như cánh chim trong mắt của chân trời, Văn Thành Lê đã đọc rất nhiều tác phẩm của các nhà văn ấy. Viết, đọc, đi như cái kiềng ba chân của nhà văn.
- “Như cánh chim trong mắt của chân trời” được viết ra phần nhiều từ những “trải nghiệm đọc” của anh. Ngoài việc viết văn, Văn Thành Lê còn là một “con mọt sách”?
- Tôi nghĩ chuyện đọc sách với người viết văn là điều hết sức bình thường. Người viết mà ít đọc mới là… bất thường. Tôi không dám nhận là “con mọt sách”. Bởi tôi biết, có nhiều người đọc “khủng” hơn tôi. Tôi chỉ chắc rằng, phần nào đó mình cân đối được giữa viết, đọc và đi, được xem như là cái kiềng ba chân của người viết.
Không đọc thì không biết trước mình người ta đã viết gì, và bây giờ người ta đang viết gì. Không tiệm cận được hơi thở của đời sống văn chương dễ thành ếch ngồi đáy giếng, dễ thấy chỉ có mình là nhất, rồi tự… phong thánh cho mình thì quả là nguy hiểm. Trong tất cả những kiểu chết, chết vì ảo tưởng là cái chết vừa buồn cười vừa lãng xẹt lại vừa đau đớn nhất.
Có thực tế là không phải người viết nào cũng có thói quen đi nhà sách hoặc thói quen mua sách. Họ chỉ đọc sách khi được… tặng, kiểu “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Mà sách tặng thì không phải cuốn nào cũng là hàn thử biểu để đo được “nhiệt” của đời sống văn chương.
- Đã là một nhà văn, dường như việc đọc sách không chỉ mang tính giải trí?
- Không hẳn vậy. Có lúc tôi cũng cần những trang sách để nhẹ đầu hơn, thì đọc đơn thuần là giải trí. Tất nhiên, với nhiều người viết, luôn thường trực ý thức đọc là đồng nghĩa với học, tự học. Đọc là quá trình tiếp nạp, từ sách công cụ đến văn chương thuần túy.
Đọc sách và trải nghiệm sống đối với người viết nôm na giống như trâu thì ăn cỏ, xe cộ thì ăn xăng. Tất nhiên, mỗi người mỗi khác. Mỗi người có cách đọc, cách lọc, cách thẩm thấu riêng.
Là người viết tay ngang, tôi cảm thấy mình may mắn khi được một số nhà văn đi trước chỉ cho cách tiếp cận văn bản văn chương để nhận ra những tầng ý nghĩa chìm dưới lớp bề mặt chữ trong các tác phẩm. Điều này giúp tôi ý thức hơn trong việc tự học bằng cách đọc.
- Nhưng anh có sợ việc đọc sẽ làm cho giọng văn của mình bị ảnh hưởng bởi các tác giả mà anh yêu thích và từ đó khó xác định được cá tính riêng?
- Người viết nào, nhất là những người đến với văn chương từ khi còn trẻ, ban đầu ít nhiều đều có “dấu vết”, ảnh hưởng của ai đó, hoặc phảng phất người này một chút người kia một chút, lúc "nghiêng sườn Đông" khi "nghiêng sườn Tây" là chuyện bình thường. Bởi đấy là giai đoạn “nhập môn”, dễ bị kéo đi theo quán tính của người khác.
Nhưng rồi anh ta phải tự vượt thoát, lột xác, bật lên, phải lộ giọng chính mình may ra mới bước tiếp được. Khi đã lộ giọng, tức đã tạo được cá tính riêng thì cứ vậy bước tới, đủ tỉnh táo để anh không là… người khác. Mỗi người sẽ tự biết cách để “tiêu hóa” sao cho mình vẫn là mình, như cách tằm ăn lá dâu để nhả tơ chứ không phải ăn lá dâu lại nhả ra lá dâu.
Nhà văn Văn Thành Lê.
- Sau truyện ngắn, truyện dài cho tuổi mới lớn và người lớn, rồi tới sáng tác dành cho thiếu nhi, duyên cớ gì khiến anh thử sức mình với thể loại mới là chân dung văn học?
- Cảm ơn bạn đã gọi Như cánh chim trong mắt của chân trời là chân dung văn học. Trong “Lời vào sách” tôi có nói, đây là chân dung văn học theo cách… tạm gọi, vì chưa nghĩ ra tên thể loại khả dĩ hơn.
Bởi tôi tự biết mình không phải người làm công việc phê bình chuyên nghiệp. Nhưng tôi cũng nghĩ, gọi là gì không quan trọng bằng cuốn sách ấy truyền tải nội dung gì và được viết như thế nào.
Chuyện bắt đầu từ việc, một ngày có tờ báo đặt bài tôi “dựng” chân dung về nhà thơ Khúc hát sông quê - Lê Huy Mậu. Từ chân dung đầu tiên, được sự gật đầu cổ vũ của thư kí tòa soạn ở… tờ báo khác, các chân dung nhà văn/nhà thơ mà tôi từng đọc, từng tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp lần lượt ra đời theo cách cảm/nghĩ của tôi. Rồi một cách tự nhiên, các nhân vật bước từ trang báo vào trang sách, có thêm đời sống mới.
Tuy là viết về các nhà văn,nhà thơ nhưng người đọc có thể thấy hình ảnh của chính tôi ẩn hiện ở đâu đó trong các bài viết. Bởi tôi quan niệm, viết về người cũng là cơ hội để tôi có thể bày tỏ suy nghĩ về công việc viết văn, về đời sống văn chương, đồng thời nội soi lại chính những trang viết của mình.
Các nhà văn 7X đã tạo được lớp giá trị văn chương mới
- Trong tập chân dung văn học của mình, anh đã dành nhiều “đất” để nói về những nhà văn đương đại thuộc thế hệ 7X. Điều gì ở họ đã hấp dẫn anh?
- Thế hệ nhà văn 7X gần với thế hệ của tôi nhất. Tôi đang thở cùng bầu khí quyển văn chương với họ. Đồng thời, đây cũng là thế hệ đã xác lập được vị thế rõ ràng trên văn đàn. Tôi nghĩ mình dễ “hình dung” về “con - người - chữ” của thế hệ 7X, cũng như soi vào họ, tôi nhận ra mình rõ hơn.
Các em học sinh với cuốn Trên đồi mở mắt và mơ của Văn Thành Lê.
- Quay lại với vai trò của một người đọc đồng thời cũng là người viết, anh sẽ nói gì về văn chương đương đại dưới ngòi bút của các nhà văn 7X?
- Không thể phủ nhận thế hệ 7X đã chiếm lĩnh khắp các mặt trận văn chương trong những năm gần đây, từ thị trường sách đến trang sáng tác ở các mặt báo/tạp chí. Đa thanh và nhiều sắc. Truyền thống có mà phá cách thể nghiệm tìm hướng đi mới cũng có. Nhiều người xuất hiện ấn tượng rồi bỏ cuộc chơi, nhiều người vẫn đắm đuối với chữ, như trước nay vẫn thế.
Tôi nghĩ, các nhà văn 7X đã tạo được lớp giá trị văn chương mới, của chính họ. Tất nhiên, cụ thể hơn nữa thì phải cần độ lùi của thời gian để minh định, xem cái gì còn đứng được và cái gì bị cuốn trôi.
- Sau “Những cánh chim trong mắt của chân trời” anh có dự định nào dài hơi hơn để song hành cùng các tác giả trẻ, các bạn văn cùng thời?
- Tôi vẫn “dõi theo” các bạn viết cùng thời. Và nhận thấy có bạn đã định hình, xác lập được tiếng nói của mình, đồng thời xác quyết đường đi của mình với văn chương. Nhưng đa số vẫn cần thời gian để tự làm đầy mình hơn, không chỉ ở số lượng tác phẩm mà còn ở độ chín về chất.
Như đã nói từ đầu, viết về người khác cũng là cách để nhìn lại mình, nên một lúc nào đó cảm thấy đến độ có thể tôi sẽ viết. Hiện tại tôi chỉ có thể nói vậy, bởi tôi chỉ quen nói về những thứ đã… giấy trắng mực đen, chứ không thích nói về những thứ còn ở trong đầu.
Theo: Zing.vn