cart.general.title

Trần Đăng Khoa đi tìm tri âm

“Hoàng Hiếu Nhân là một thiên tài về thơ. Cả đời Nhân chỉ viết có 33 bài thơ nhưng bài nào cũng xuất sắc. Mặc dù chưa một lần gặp mặt, nhưng trên văn đàn của trẻ con thời ấy, mình luôn khâm phục và xem Nhân như “tri âm”. Nhưng rất tiếc, cơm - áo - gạo - tiền đã buộc Nhân phải chia tay với thơ và mất nơi đất khách quê người” – nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về một bạn thơ.

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Một buổi chiều cuối Xuân Giáp Thìn năm 2024, trước ngõ ngôi nhà nhỏ nằm sát mép con hói thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hoà, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) của ông giáo già Hoàng Hiếu Nghĩa bỗng dưng huyên náo. Một nhóm người lạ bước xuống từ ô tô, trong đó có một người đàn ông chừng tuổi đã ngoài 60, dáng thấp đậm chạy ùa vào ôm chầm lấy ông giáo già tóc bạc phơ, đang ngồi trên chiếc ghế đặt ở góc sân: “Cháu Khoa đây, Trần Đăng Khoa bạn thơ của Hoàng Hiếu Nhân đây!”.

Nhà giáo Hoàng Hiếu Nghĩa tặng nhà thơ Trần Đăng Khoa tuyển tập thơ văn do ông sáng tác và nghiên cứu.

Ông giáo già như bừng tỉnh, rưng rưng ghì chặt lấy người đàn ông thấp đậm ấy, nghẹn ngào trong hai hàng nước mắt. Người nhà nói, ông năm nay đã hơn 90 tuổi, nhớ nhớ, quên quên, nhưng khi nhắc đến người con trai cả Hoàng Hiếu Nhân đã qua đời thì ông lại như một con người khác, tỉnh táo và minh mẫn, nhớ đến từng chi tiết.

Ông giáo kể: Hoàng Hiếu Nhân sinh năm 1960. Không hiểu do thiên phú hay là gì khác mà Hoàng Hiếu Nhân biết làm thơ từ khi mới bập bẹ nói. Về kiến thức và chất liệu trong thơ của Hoàng Hiếu Nhân có lẽ đến từ “núi” sách mà cậu bé Nhân đọc được trong thư viện của trường cấp 2, cấp 3, mỗi khi “bám càng” mẹ, ba đến trường. “Lên 6 tuổi, Nhân đã có những bài thơ rất vững rồi, được đăng trên các báo, nhiều nhất là báo Thiếu niên Tiền Phong” - ông Hoàng Hiếu Nghĩa kể.

Tập thơ “Quả địa cầu” do nhà thơ Trần Đăng Khoa chủ trì xuất bản sau khi nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân qua đời.

Theo ông giáo già thì người con trai cả rất đa tài, không chỉ giỏi làm thơ, Hoàng Hiếu Nhân còn vẽ và đàn rất giỏi. Một điều khá đặc biệt ở Hoàng Hiếu Nhân là học giỏi cả xã hội và tự nhiên. Chính vì thế mà Hoàng Hiếu Nhân chọn thi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Cơ khí chế tạo máy và tốt nghiệp loại xuất sắc. “Ra trường, Nhân được phân về phụ trách kỹ thuật tại nhà máy Dệt Thùy Dương ở Thừa Thiên - Huế. Lúc này Nhân đã lấy vợ và sinh con. Lương công nhân ba cọc, ba đồng đè nặng đôi vai Nhân. Gặp lúc nhà máy có chính sách đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô, Nhân xin đi. Và rồi cuộc sống nơi đất khách cứ kéo tuột Nhân trượt dài cho đến khi qua đời” - ông Hoàng Hiếu Nghĩa nghẹn ngào kể.

Tiếp câu chuyện của ông giáo già, nhà thơ Trần Đăng Khoa rưng rưng nói: “Trong đám trẻ con làm thơ thời đó, theo cháu người tài hoa nhất là Hoàng Hiếu Nhân. Nhân là trường hợp đau xót và làm cháu tiếc nuối nhất. Dù chưa một lần gặp nhưng cháu luôn xem nhân như một tri âm. Nhân thua cháu 3 tuổi, làm thơ ít, chỉ chừng 33 bài nhưng rất xuất sắc. Chỉ đọc thơ Nhân trên báo nhưng rất may bài nào cháu cũng thuộc. Chính vì thế, khi nghe tin Nhân qua đời, cháu đã nhớ và tập hợp lại, viết lời giới thiệu, mang sang Nhà Xuất bản Kim Đồng xuất bản để lưu lại những bài thơ của một con người tài hoa nhưng yểu mệnh cho thế hệ mai sau, và cũng là cách cháu tưởng nhớ một tri âm.

Điều nuối tiếc nhất

Hoàng Hiếu Nhân trong đám cưới của con trai ở Nga.

“Nếu như lần đi tìm đó cháu gặp được Nhân thì chắc chắn cuộc đời Nhân sẽ khác. Trước khi đi, cháu đã chuẩn bị rất kỹ cho việc đưa Nhân về Mát-xcơ-va làm ở Đại sứ quán Việt Nam và vào học trường mà cháu đang theo học. Nhưng chuyến đi đó cháu đã không gặp Nhân và mãi mãi không được gặp Nhân” - Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể về hành trình đi tìm tri âm trên đất khách.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: Sau khi rời quân ngũ ông vào học ở Trường Viết văn Nguyễn Du và được cử sang học tại Viện Văn học Thế giới M. Gorki ở Mát-xcơ-va năm 1986. Trong một lần giao lưu với công nhân người Việt Nam lao động tại Liên Xô ngày ấy, ông tình cờ biết được Hoàng Hiếu Nhân cũng xuất khẩu lao động sang Liên Xô và đang làm việc trong một nhà máy chế tạo ô tô đóng tại U-crai-na. “Cháu nghe kể nơi làm việc của Nhân là một nơi cực kỳ khắc nghiệt về thời tiết và bị nhiễm phóng xạ vì gần nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Vừa thương, vừa tiếc cho một tài năng thơ, cháu quyết định đi tìm Nhân” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhớ lại.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tìm gặp ông Nguyễn Mạnh Cầm là Đại sứ của Việt Nam tại Liên Xô và ông Đào Khải Hoàn là người phụ trách lao động Việt Nam tại Liên Xô của Đại sứ quán nói rằng: Hoàng Hiếu Nhân không chỉ là thiên tài về thơ mà là một người học xuất sắc ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cả hai ông đồng ý để Hoàng Hiếu Nhân về làm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Trần Đăng Khoa cũng đã gặp ông Viện trưởng Viện Văn học Thế giới M. Gorki giới thiệu về tài năng thơ Hoàng Hiếu Nhân và ông Viện trưởng đồng ý để Hoàng Hiếu Nhân về học ở trường này. “Mọi việc cháu đã chuẩn bị rất kỹ và chỉ cần gặp được thì cuộc đời Nhân chắc chắn sẽ khác” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói trong nuối tiếc.

Mặc dù cùng trong khối Liên Xô nhưng từ Nga sang U-crai-na ngày đó cũng không hề dễ dàng với một lưu học sinh như nhà thơ Trần Đăng Khoa. Và rồi một ngày cuối đông, trên chuyến tàu rét mướt và phải mất 1 ngày, 1 đêm nhà thơ Trần Đăng Khoa mới tìm tới nhà máy mà Hoàng Hiếu Nhân đang lao động. Tìm về phòng ở của Hoàng Hiếu Nhân thì cửa đóng then cài. Ngoài cửa, bọn đòi nợ thuê dùng sơn đỏ vẽ 1 trái tim và 1 con dao đâm vào đấy, kèm theo là những lời đe doạ chết người nếu không trả nợ. “Lúc cháu đến Nhân đã bỏ trốn. Nguyên nhân nợ nần của Nhân thì cháu không biết, nhưng nghe mọi người nói lại là Nhân sống thật thà, hào sảng, hay giúp người, nên bỏ vốn làm ăn toàn bị người ta lừa lấy hết. Cháu có để lại một bức thư, nói rõ ý định tìm Nhân và quay trở về Mát-xcơ-va” - nhà thơ Trần Đăng Khoa kể.

Trong lời giới thiệu Tập thơ “Quả địa cầu” nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Các em yêu quý! Khi các em đang có trên tay một cuốn sách khá đặc biệt – tập thơ “Quả địa cầu” này, thì tác giả của nó, nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân đã không còn nữa. Anh mất cách đây vừa tròn một năm vì căn bệnh đường ruột tại nước Nga. Đó là một tổn thất không gì bù đắp được…”

“Chú cho em quả địa cầu/ Em nhìn bốn biển năm châu rành rành/ Trục này em vặn quay nhanh/ Em đi mấy lượt vòng quanh địa cầu/ Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc châu/ Đất nào đẹp, nước nào giàu tìm xem/ Chẳng đâu bằng đất nước em/ Đã giàu đẹp lại vang tên anh hùng/.” – bài thơ “Quả địa cầu” Hoàng Hiếu Nhân làm khi 7 tuổi.

Sau này người quen kể lại với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân có đến Mát-xcơ-va và nói lại với người này rằng: “Trần Đăng Khoa nó có đến tìm tôi và viết thư để lại, dặn lúc nào lên Mát-xcơ-va thì gặp nhau. Nhưng giờ tôi như thế này, gặp nhau biết nói gì đây, chẳng lẽ lại đọc thơ cho nhau nghe à”.

Theo lời kể của gia đình, sau khi xuất khẩu lao động sang Liên Xô, với bản tính nghệ sỹ. Nhân lang bạt khắp nơi trên đất khách, may được một người phụ nữ Nga cưu mang về ở với nhau như vợ chồng và sinh được một người con trai. Còn người vợ ở quê có một người con gái nay sống ở TPHCM. Hoàng Hiếu Nhân mất năm 2013 trên đất Nga với chứng suy thận.

Nguồn:  tienphong.vn