cart.general.title

Trương Thiếu Huyền vừa trình làng một tập thơ độc đáo: "Phép màu"

Những người yêu thơ ở Quảng Ninh và cả nước rất biết Trương Thiếu Huyền. Anh là một nhà thơ có những bài thơ rất ấn tượng, hóm hỉnh trong cách nghĩ, độc đáo trong ngôn từ và sâu sắc trong ý tứ, đặc biệt những bài thơ viết cho trẻ em. “Phép màu” (32 bài), là tập thơ viết cho thiếu nhi thứ hai của anh, vừa được NXB Kim Đồng ấn hành, đầu năm 2024. Mười năm trước, Trương Thiếu Huyền cũng cho in tập “Tập đếm” (25 bài) cũng ở NXB này.

Thú thật, lâu lắm rồi tôi mới được đọc một tập thơ toàn bài mới, hay và in đẹp như tập thơ “Phép màu”, in trên giấy trắng bóng, khổ rộng 18,5x20,5 cm. Nhiều minh họa màu rất đẹp.

Bìa tập thơ Phép màu

Thơ nói chung và nhất là thơ cho thiếu nhi, viết cho hay đã khó, mà muốn được in ra còn khó bội phần. Và tôi nhận thức được tập thơ này của Trương Thiếu Huyền thật sự là “hàng hiếm”, đáng trân trọng, nâng niu.

Tôi đọc từng trang, từng bài, đọc rồi đọc lại, nhiều ý thơ, câu thơ, tình thơ, lời thơ toát lên cái hóm hỉnh, chan hòa và nhất là tính nhân văn, tính hướng thiện rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc. Từ những bài thơ như thế, bồi đắp thêm nhân cách trẻ, giúp trẻ yêu thương nhau hơn, yêu thương con người và thiên nhiên cây cỏ hơn...

Muốn trẻ cảm nhận được điều hay, lẽ phải, giá trị thẩm mỹ, cái khó nhất của người viết cho trẻ em phải không được để lộ ra trong thơ mình những lời dạy dỗ răn đe xơ cứng. Phải qua cảm xúc, qua những ý thơ, câu thơ làm rung cảm tâm hồn trong trắng non nớt của trẻ.

Đó là những điều Trương Thiếu Huyền làm được trong tập thơ này. Thơ thiếu nhi của Trương Thiếu Huyền thường là những mẩu chuyện nhỏ, những câu chuyện rất vui, dẫn trẻ em vào thế giới đời sống muôn màu, từ đó, cung cấp cho trẻ những kiến thức cuộc sống xung quanh.

Ví như ở bài thơ “Chọn chữ học trước”, thì tất cả các cô, cậu trò nhỏ bây giờ đều phải chọn chữ A, theo trật tự bảng chữ cái tiếng Việt. Nhưng ở lớp học này, học trò lại là các loài động vật nên thật rắc rối khó khăn:

Chào năm học mới

Trang vở tươi màu

Chữ nào học trước

Các bạn nói mau

 Chó liền gâu gâu

Chữ “G” học trước

Gà như chợt thức

Chữ “O” chữ “O”

 (Chọn chữ học trước)

Và mèo chọn chữ “M”, Lợn chọn chữ “U”, Vịt kêu cạc cạc, đòi chọn chữ “C”, còn bê lại chọn chữ “B”. Và như vậy chữ nào được nói nhiều nhất thì chọn học trước, vậy thôi. Vì chó hay sủa “Gâu, gâu” thì chọn chữ “G” học trước là đúng rồi, còn những con vật khác mỗi con đề nghị chữ học trước theo tiếng của loài mình. Trật tự của xã hội không bao giờ được tất cả mọi người tán thưởng. Bài thơ vừa vui, hóm hỉnh mà cũng nhiều ý nghĩa.

Cũng với cách quan sát và lập tứ như vậy, tác giả cho bạn đọc những ý tứ hồn nhiên, ngây thơ, hóm hỉnh của những sự việc diễn ra hằng ngày tưởng ai cũng thấy, cũng hiểu, nhưng với cái nhìn, cách nghĩ của trẻ thơ thì thật lung linh và cho trẻ em một chút suy ngẫm.

Ở bài thơ “Bé vẽ” thì ý tứ lại tươi vui và cái nhìn tinh tế:

Tàu ngầm con cá lặn

Máy bay như chim bay

Bé vẽ bên cửa sổ

Trăng nhìn vào mê say

 

Ngôi sao làm dấu chấm

Bé chấm lên bầu trời

Trăng mở thành trang vở

Bé vẽ trăng mỉm cười

               (Bé vẽ)

Trăng sao, máy bay, cá lặn, bé đều vẽ được cả thậm chí còn vẽ rất đẹp. Và đây, cơn gió đáng yêu thổi đến làm bé lúng túng không biết vẽ gió như thế nào?

Bé muốn vẽ cơn gió

Chưa biết làm thế nào?

                    (Bé vẽ)

Câu hỏi của bé cũng là câu hỏi của chúng ta. Có việc tưởng rất dễ, mà lại không hề dễ.

Bài thơ “Bức tranh” cũng thật độc đáo. Bức tranh đã hoàn thành, đẹp tuyệt. Người ngắm tranh khen hoài họa sĩ Bút Chì, người đã vẽ nên bức tranh tuyệt tác:

Bức tranh tuyệt đẹp

Từng nét mê li

Ai cũng ngưỡng mộ

Tác giả bút chì

Nhưng mấy ai biết bức tranh đẹp kia còn có công của cái tẩy, cái tẩy tí xíu đáng yêu cũng đáng ngưỡng mộ chứ?

Những nét vẽ hỏng

Đã được xóa đi

Tẩy cũng góp sức

Dù là tí ti

(Bức Tranh)

Độc đáo trong cái nhìn, ngộ nghĩnh trong cách nghĩ, dí dỏm trong thể hiện... của tác giả mà lại như không của tác giả, vì tác giả là một người lớn làm sao hiểu được trẻ thơ đến vậy. Nó phải là kiểu nghĩ, kiếu nhìn, kiểu thể hiện của một cậu bé. Cậu bé đó thật thông minh, ngộ nghĩnh, yêu thiên nhiên, cuộc sống và bạn bè... Trước nhất phải khẳng định Trương Thiếu Huyền rất yêu các cháu nhỏ, say mê làm thơ cho các cháu đọc. Có vậy tác giả mới làm nên những bài thơ cho trẻ đặc sắc như vậy.

Một nhà thơ viết cho trẻ em thành công được cũng chính là nhờ vào hiểu biết sâu sắc về tâm sinh lý trẻ em. Có nhiều khi ta thấy tác giả hòa mình vào với trẻ, như một cậu bé mà quan sát mà nghĩ suy:

Chuyện xưa tiên bụt

Ban cho phép màu

Giệt trừ gian ác

Cứu người khổ đau

 

Nhà tôi có bụt

Nhà tôi có tiên

Ông bà tôi đó

Khi cần hiện lên

(Phép màu)

Cùng cách nhìn, cách nghĩ, cách nói đó, tôi còn rất thích một số bài khác nữa như: “Tôi là Quang Hải”, “Hòa bình trái đất”, “Chuyện mình hồi bé”, “Từ từ biết hết”, “Như đồng dao”, “Mèo và Chó”, “Mầm, chồi, lá”...

Thêm “Phép màu”, Trương Thiếu Huyền đã khẳng định được mình, một nhà thơ đáng quý của trẻ thơ.

                                                                                                                                                        Hạ Long, 10/3/2024

Nguồn: baoquangninh.vn