cart.general.title

Bài 1: Đã có những “ông trùm” về sách lậu, sách giả

Sách giả, sách lậu là sách được sản xuất trái pháp luật, vi phạm các quy định về xuất bản và in ấn. Sách giả, sách lậu được sản xuất với quy mô lớn, giá rẻ nhưng mang lại nguồn thu khổng lồ do số tiền chênh lệch giữa giá sản xuất và bán ra trên đầu sách.

Ảnh minh hoạ.

Hiện nay, quy trình cơ bản để sản xuất một cuốn sách gồm: Tổ chức bản thảo (bản thảo từ tác giả; vấn đề bản quyền, vấn đề biên tập nội dung); tổ chức bản in (dàn trang, thiết kế đồ họa...); xin giấy phép xuất bản; sản xuất, in ấn (tại nhà xuất bản); phân phối bán hàng. Trên thực tế, các giai đoạn trong quy trình trên có thể rút ngắn, kết hợp hoặc đảo vị trí tùy từng trường hợp cụ thể, nhưng khâu bản quyền và xin giấy phép xuất bản từ nhà quản lý là không thể thay đổi. 

Khi sách ra thị trường, một số đối tượng làm giả sách đó bán kiếm lời, in sách không có các thủ tục cần thiết như trên, hành vi đó có thể coi là sản xuất và buôn bán hàng giả. Sách đó gọi là sách giả. 

Cũng có một số cơ quan chức năng xem xét hành vi này trên góc độ vi phạm các quy định về xuất bản - in ấn và xử lý các hành vi trên theo các quy định về quản lý xuất bản - in ấn. Với hành vi này, người ta thường hay gọi là hành vi in lậu hoặc sách lậu. 

Sách giả, sách lậu thường có chất lượng kém do công nghệ thấp về in ấn, sao chép của cơ sở sản xuất thường là thủ công, nguyên liệu giấy xấu. Tuy nhiên, giá thành của sản phẩm lại rẻ hơn so với sách thật. 

Trong bối cảnh kinh tế còn hạn chế, giá thành của sách giả, sách lậu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng muốn sử dụng sách và chấp nhận chất lượng kém của sản phẩm. Tất nhiên, lợi dụng điều này, những “trùm in lậu” đã tổ chức sản xuất với số lượng lớn, thu nguồn lợi nhuận khổng lồ trong thời gian cực ngắn.

Giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ngành xuất bản còn yếu và thiếu cả về đội ngũ và tiềm lực tài chính, dẫn đến việc giá bán ra của sản phẩm (chủ yếu là sách) còn cao. Trong khi đó, người tiêu dùng (nhất là giới học sinh, sinh viên) chưa đủ điều kiện kinh tế để mua thường xuyên. Như vậy, người tiêu dùng đương nhiên chấp nhận “sách giả, giá rẻ, chất lượng thấp” thay vì “sách thật, giá cao, chất lượng tốt”.  

Thời gian trước đã xuất hiện một số “ông trùm” in lậu có tiếng ở ngay giữa thủ đô Hà Nội như Nguyễn Hữu Chiến và Đỗ Đức Thọ.

Nguyễn Hữu Chiến, còn gọi là Chiến “vẩu” – trùm in lậu ngang nhiên tổ chức in lậu SGK ngay đường Bắc Sơn. Chiến bị bắt quả tang với hàng tấn sách giả, bị xử lý hành chính, nhưng vẫn tiếp tục đi in lậu. Năm 1998, Chiến thuê in tại Công ty in Hà Nam, chuyển về Hà Nội đóng xén. Sau đó, Chiến bị bắt, ngồi tù 1 năm. Ra tù, vẫn ngựa quen đường cũ, Chiến chuyển địa bàn in lậu các loại sách vào TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Chiến tiếp tục bị bắt. Sau khi hết án, Chiến ra Thái Nguyên tiếp tục hoạt động in lậu.

Nguyễn Hữu Chiến mặc áo sọc đứng giữa, bên phải là vợ của Chiến và bên trái là Giám đốc Công ty in Hà Nam.

Đỗ Đức Thọ cũng là một trùm in lậu có tiếng ở Hà Nội với nhà sách Tiến Thọ. Đỗ Đức Thọ là giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội đã thành lập nên Công ty cổ phần phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam. Từ nhà sách Tiến Thọ, sách được chuyển đi bán tại khắp các địa phương với chiết suất khá cao. Có điều, số lượng sách ra thị trường đều bị trộn giữa sách thật (mua tại các nhà xuất bản) và sách giả (tại cơ sở in lậu của Thọ). Chỉ đến năm 2008, khi Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và phạt hành chính Công ty cổ phần phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam trong việc tiêu thụ sách Let’s go không rõ nguồn gốc, việc “in lậu” của Đỗ Đức Thọ mới dần được phát giác.

Theo cáo trạng số 04/CT-VKSNDTC-V2 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC), đầu năm 2009, Công ty Cổ phần Phát hành sách và Thiết bị trường học Việt Nam (số 12, ngách 1, ngõ 814, đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) thuê Nguyễn Duy Long (SN 1973, trú Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) làm giám đốc. Long được thuê với lý do là để sử dụng bằng trung cấp in của Long mở đăng ký kinh doanh thêm ngành in và các dịch vụ liên quan đến in ấn xuất bản ấn phẩm.

Sau đó, Thọ đã tổ chức in, mua, phát hành các loại sách trái quy định của Nhà nước về xuất bản, phát hành sách. Thọ đã triển khai in lậu hàng loạt sách của Nhà xuất bản Giáo dục và Công ty Fahasa bằng hình thức sử dụng máy scan nhập nội dung sách vào máy tính, căn chỉnh như sách mẫu để in ra bản scan, bản phim, đổ bình bản và làm ra bản kẽm để thực hiện việc in trái phép bằng máy in màu. Cuối cùng, Thọ thuê gia công đóng thành sách và dán tem giả để bán cho các đại lý sách.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Đỗ Đức Thọ bị xử phạt 6 tháng 25 ngày tù, phạt tiền 20 triệu đồng. Thọ bị cấm đảm nhiệm các công việc liên quan đến việc xuất bản và phát hành sách trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.

Đây mới chỉ là hai trong số nhiều “trùm in lậu” đã bị cơ quan chức năng phát giác và xử phạt. Điểm chung giữa các vụ việc nêu trên là sau khi bị xử phạt, bị pháp luật xử lý… các đối tượng vẫn tiếp tục “hành nghề”, bởi các hình thức trừng phạt của pháp luật đối với chuyện sách giả, sách lậu không đủ sức răn đe đối với những hành vi phạm pháp này (?). 

Bài 2: Những đại án sách giả, sách lậu

Nguồn: kythuatchonghanggia.vn