cart.general.title

Bài 2: “Tuyên chiến” với sách giả, sách lậu: Sự minh mẫn của người đọc

Giờ đây, việc nhà xuất bản phải “sống chung” với nạn sách lậu, sách giả được xem là chuyện cơm bữa. Để cuộc chiến với sách giả, sách lậu hiệu quả, ngoài chế tài của cơ quan chức năng, đã đến lúc cả người đọc cũng không thể đứng ngoài.

Đọc sách giả là “giết” sách thật

Chị Mai Thị Bình ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tôi mua cho con sách tiếng Anh lớp 6 theo chương trình của Bộ GD&ĐT ở một cửa hàng sách gần nhà. Tuy nhiên trong sách này bị in nhầm bài, nhầm trang rất nhiều. Khi so sánh với cuốn sách khác tôi mới biết mình đã mua phải sách giả. Vì là sách giả nên không có mã số để con có thể đăng nhập sách online và học những bài nghe hiểu theo giáo trình”.

Chỉ sử dụng giấy, mực in loại rẻ; Không tốn kém chi cho khoản phí bản quyền, dịch thuật, biên tập; mức lợi nhuận thu về cao… là những lý do đầu nậu bất chấp để buôn bán sách giả, sách nhái.

Bản mềm của nhiều đầu sách ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội

Để trốn tránh cơ quan chức năng, đầu nậu còn tinh vi trong việc di chuyển kho hàng ra các tỉnh lân cận Hà Nội. Nếu có bị phát hiện, công tác xử lý khi đó sẽ khó khăn và phức tạp hơn bởi phải có sự phối hợp điều tra giữa các địa phương.

Cùng với đó, một bộ phận độc giả vẫn giữ tâm lý ham rẻ, khó khăn trong phân biệt sách thật và sách giả… Vì vậy, họ vẫn tìm đến những hàng sách ở vỉa hè hay những “hiệu sách online” để có mức giá mềm nhất.

Nguy hiểm là khi sách giả, sách lậu ngày càng tràn lan thì sự sống còn của các đơn vị xuất bản càng mong manh hơn. Trong khi các nhà xuất bản phải đầu tư cả về tài chính, thời gian và công sức với những công đoạn như đăng ký xuất bản, in ấn, nộp lưu chiểu, phát hành trước khi phát hành sách thì các đầu nậu chỉ việc “bê nguyên” và tung ra thị trường.

Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Do đó, nhiều cơ sở vi phạm nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.

Chuyên nghiệp và tinh vi hơn, các “trùm” sách lậu còn thực hiện photocopy bằng giấy can hoặc cho sắp chữ lại và đổi kiểu chữ rồi in thành một sản phẩm mới. Các cuốn sách ngoại ngữ lại được photocopy toàn bộ phần ruột rồi đổi tựa sách, thiết kế lại bìa mới.

Điều đó không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến các nhà xuất bản. Một cuộc cạnh tranh không lành mạnh bùng nổ, ảnh hưởng đến việc phát triển của nền xuất bản Việt Nam nói chung cũng như văn hóa đọc của người Việt nói riêng.

Lời quảng cáo đồng giá 19k tất cả đầu sách

Bất bình trước tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan, tác giả Đại Lợi, chủ nhân của nhiều cuốn sách tiếng Anh được được nhiều người yêu thích cho biết: “Tôi và nhiều người viết sách khác cũng thường xuyên phải đau đầu vì sách của mình vừa ra mắt đã bị rao bán đầy trên các trang mạng xã hội. Khi học sinh của mình có nguy cơ mua phải sách kém chất lượng mà người thầy như mình lại không thể làm gì được, tôi rất buồn lòng. Nếu trong quá trình họ sao chép, làm giả mà nội dung bị sai, thiếu chính xác thì rất có hại với học sinh - thế hệ tương lai của đất nước”.

Khi sách giả, sách lậu không được kiểm soát, nội dung trong đó có nguy cơ sẽ sai lệch. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sách cũng như tổn hại đến quyền của tác giả cũng như cách tiếp nhận của độc giả.

Cần sớm “phong sát” sách giả, sách lậu

Ở vị trí tác giả, việc viết và cho xuất bản một cuốn sách tốn rất nhiều công sức. Đồng thời, mỗi đầu sách đó độc giả bỏ ra một số tiền phải xứng đáng với những gì họ nhận được.

Vì thế, vấn nạn sách giả, sách lậu đang ảnh hưởng trực tiếp từ nhà xuất bản, tác giả đến độc giả. Để ngăn chặn việc vi phạm bản quyền, chống in lậu, trong tương lai cần những giải pháp đồng bộ để giải quyết triệt để.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Thủ đô, ông Trần Minh Thành, Giám đốc Nhà sách Minh Thắng cho hay, trong “cuộc chiến” với sách giả, sách lậu ngoài vai trò của nhà xuất bản thì cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhà nước vào cuộc và người đọc sách là vô cùng quan trọng.

Trong nhiều năm nay, các nhà xuất bản đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng sách lậu, sách giả nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Về việc giải quyết vấn nạn sách giả, sách lậu, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cho biết hiện nay gần như các nhà xuất bản chưa tìm được biện pháp hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ như QR code, tem chống hàng giả cũng không thực sự mang lại hiệu quả.

Theo Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ, để có phương pháp hiệu quả nhất thì cần phải có sự chung tay, phối hợp của nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Trong đó chủ đạo là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Đội Quản lý thị trường... và một số cơ quan chức năng khác.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng rất quan trọng. Ngoài việc tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần có các biện pháp hỗ trợ sâu về các nghiệp vụ khác trong phòng, chống in lậu. Các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi địa bàn, qua đó sớm phát hiện các cơ sở hoạt động bất hợp pháp và từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh những giải pháp đến từ nhà xuất bản hay nhà quản lý thì nhân tố quan trọng nhất để loại bỏ sách giả, sách lậu chính từ phía độc giả. Thông qua việc nâng cao ý thức, kiên quyết không dùng sách giả, sách in lậu, độc giả đã góp phần bảo vệ quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản và cũng chính là quyền lợi của mình trong việc tiếp cận văn hóa đọc.

Nguồn: Tuổi Trẻ Thủ Đô