cart.general.title

Buôn bán sách giả, sách lậu trên mạng: Có chế tài vẫn khó kiểm soát

Sách giả, sách lậu vẫn luôn là vấn đề nhức nhối và trở thành vấn nạn tác động trực tiếp tới sự phát triển, tồn vong của ngành xuất bản. Trong thời đại công nghệ số, trước sự tinh vi trong sản xuất và bán hàng, cuộc chiến với vấn nạn này ngày càng căng thẳng hơn.

Bài 1: Sách giả, sách lậu ngang nhiên tràn lan trên mạng xã hội

Nếu như những năm trước, sách giả, sách lậu chỉ xuất hiện ở các vỉa hè hay len lỏi vào các cửa hàng sách, thì đến nay, khi sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội phát triển lại tạo ra “mảnh đất mới” cho những loạt sách này thâm nhập vào thị trường.

Công khai chào bán

55.760 đồng, 59.000 đồng, 66.600 đồng, 81.700 đồng… Ở mức giá nào, độc giả cũng có thể dễ dàng mua được cuốn sách “Đắc nhân tâm” trên các nền tảng trực tuyến. Trường hợp của cuốn sách này chỉ là 1 trong rất nhiều đầu sách bị làm giả, làm nhái.

Thời gian trở lại đây, sách giả, sách lậu của một số nhà xuất bản còn được rao bán công khai trên mạng Internet. Những đầu sách như “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, “Đắc nhân tâm”, “Nghệ thuật bán hàng bậc cao”, “7 thói quen để thành đạt”, “Hạt giống tâm hồn”… của các Nhà xuất bản: Tổng hợp TP HCM, Trẻ, Hội Nhà văn, Văn hóa Thông tin, Dân trí, Hồng Đức… gặp tình trạng sách giả, sách nhái khá nhiều.

Sách theo combo được quảng cáo tràn lan trên mạng Internet

Thêm vào đó, không chỉ xuất hiện dưới hình thức bày bán tràn lan tại lòng đường, vỉa hè mà những đầu sách lậu, sách giả còn len lỏi vào cả các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Lướt mạng xã hội, không khó để bắt gặp các bài quảng cáo, cùng những livestream bán sách. Với mức giá “mềm”, lời quảng cáo “có cánh”, những cuốn sách như thế từ khi nào đã “che mắt” độc giả không hay.

Năm 2022, toàn ngành xuất bản đã thực hiện 1.632 cuộc thanh kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt trên 1 tỷ đồng.

Từng mua phải cuốn “Nhà giả kim” bản lậu, Nguyễn Minh Anh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cảm thấy vô cùng thất vọng: “Mình có mua cuốn sách qua mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên khi so sánh với cuốn sách thật của một người bạn, mình thấy đó là bản in đầy đủ hơn, bìa phụ giới thiệu tác giả, hơn nữa sách thật được in chi tiết, sắc nét, gọn gàng, chuẩn và cân đối, trong khi sách giả thiếu bìa, thiếu thông tin, in cẩu thả, màu sắc lem nhem, mờ nhạt, giấy mòng, có những trang còn bị nhòe chữ”.

Do khó kiểm soát trên các nền tảng mạng xã hội, việc đăng tải các bài viết, tổ chức các livestream đã và đang tràn lan. Điều này dẫn đến việc sách giả, sách lậu càng dễ đến gần hơn với độc giả.

Ghi nhận tại nhà sách Minh Thắng (quận Đống Đa), cơ sở này đã bị các “trùm lậu” làm giả hơn 200 đầu sách; 40 trang fanpage rao bán công khai sách giả trên mạng xã hội các đầu sách của nhà sách Minh Thắng cùng nhiều nhà xuất bản khác.

Trên mạng xã hội TikTok, sngười bán công khai rao bán sách với giá rẻ bằng một nửa so với thị trường

 

Là một người đã có thời gian dài gắn bó với nghề làm sách, đại diện Nhà sách Minh Thắng, ông Trần Đức Thành nêu quan điểm: “Việc buôn bán sách giả trên mạng đang cực kỳ khó kiểm soát. Các đối tượng bán sách lậu dùng nhiều chiêu trò để bán sách. Ví dụ như, khi rao bán trên mạng thì đăng ảnh sách thật với lời quảng cáo hấp dẫn, giảm giá 50 - 70% so với sách thật để thu hút độc giả. Tuy nhiên khi “ship” đến khách hàng thì là những cuốn sách in lậu, sách giả”.

Lao đao trước thị trường thật giả lẫn lộn

Trên một số nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những livestream bán sách với vô vàn lời quảng cáo “có cánh” như “Hàng chất lượng”, “miễn phí vận chuyển”, “săn 5 tặng 1”…

19h đến 22h là khoảng thời gian các tài khoản thực hiện các buổi phát trực tiếp bán hàng. Khi đó, các “tiệm sách online” thường “tung” ra những ưu đãi được cho là chỉ có trong khung giờ “vàng” này.

Ranh giới sách giả - sách thật vô cùng mong manh

Nắm được tâm lý khách hàng, người bán bên cạnh bán lẻ theo cuốn còn bán combo sách trong 1 lần. Khi thấy lời hơn, người mua dễ dàng bị thu hút. Các cuốn sách lẻ hoặc combo thường xuyên được ghim trên livestream để độc giả dễ tiếp cận, chỉ cần ấn mua và hoàn thành giao dịch.

Từng rơi vào “bẫy” này, bạn Trần Thùy Trang, sinh viên trường Đại học Công nghiệp, kể lại: “Mình mua combo “Đắc nhân tâm và Quẳng gánh lo đi và vui sống” với giá 150.000. Lúc ấy cứ nghĩ là mua được giá rẻ nhưng về chất lượng thì quá kém. Giấy bị ngả vàng, màu mực không đồng nhất trong toàn cuốn, bìa sách khi nhận về bị in lệch, gáy không chắc chắn”.

Trước một loạt chiêu trò tinh vi, sách giả, sách lậu sẽ còn gây ảnh hưởng đến các công ty sách, nhà xuất bản cũng như tác động xấu đến thói quen mua sắm của độc giả.

Theo thống kê của ngành xuất bản Việt Nam, năm 2022 Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số (chỉ sau Indonesia và Philippines). Nhưng tính theo đầu người thì Việt Nam lại đứng số 1 với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp.

(Còn nữa)

Nguồn: Tuổi Trẻ Thủ Đô