Chặn sách lậu, sách giả
Mặc dù đã có nhiều phương án trong việc ngăn chặn tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, tuy nhiên vấn nạn này vẫn gia tăng với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi.
Sách giả, sách in lậu rao bán trên mạng.
Xử phạt hơn 1 tỷ đồng sách không rõ nguồn gốc
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2021, đoàn liên ngành và các đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương đã tiến hành 722 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy. Qua đó, đã xử phạt 32 vụ việc vi phạm với tổng số tiền phạt 782 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 145.033 xuất bản phẩm. Đến năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt trên 1 tỷ đồng.
Không chỉ trên các kệ sách, giờ đây sách giả, sách lậu còn xuất hiện tràn lan trên sàn thương mại điện tử. Các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện. Trong khi đó, giá sách lậu chỉ bằng hai phần ba, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép.
Theo đại diện công ty Alphabooks, trong số 1.000 đầu sách có tới 20-30% sách bị in lậu. Có những cuốn sách mới xuất bản khoảng 2-3 tuần, hiệu ứng truyền thông tốt, lập tức ấn phẩm đó sẽ bị làm lậu. Còn từ phía Công ty sách Thái Hà, số lượng sách bán chạy đã sụt giảm 40% so với thời điểm trước năm 2020, 60% sách đã bị in lậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của đơn vị làm sách.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức in truyền thống, điện tử, không gian mạng. Vấn nạn này tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm.
Theo TS Hoàng Mạnh Thắng (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Thư ký biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật), sách in hiện nay đang bị làm lậu dưới hình thức ebook và audiobook. Công nghệ hiện đại khiến cho việc lưu hành ebook thậm chí còn nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in lậu.
Độc giả hãy là người tiêu dùng thông thái.
Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ
Thực trạng sách giả, sách in lậu trôi nổi trên thị trường đã diễn ra từ lâu, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng không có dấu hiệu dừng mà còn tăng mạnh. Theo đánh giá những người làm xuất bản, nguyên nhân cũng một phần từ việc độc giả chưa phân biệt được sự khác nhau giữa sách giả - sách thật. Cùng với đó, việc công nghệ số phát triển đã thay đổi thói quen mua sách của nhiều người đó là sử dụng hình thức mua sách online qua page, sàn thương mại điện tử có giá rẻ… đây cũng là nguyên nhân tạo cho sách in lậu có cơ hội tồn tại và làm lung đoạn thị trường.
Đề xuất phương án ngăn chặn sách giả, sách in lậu, mới đây tại hội thảo về vấn đề này, đại diện Alpha Books đã đề xuất một số giải pháp “tự bảo vệ” như truyền thông rộng rãi về các đầu sách mới mua bản quyền để độc giả nắm được thông tin đơn vị sở hữu và phát hành hợp pháp. Thường xuyên khảo sát tình hình thị trường, phát hiện sách in lậu. Nỗ lực nâng cao chất lượng hình thức sản phẩm (bìa, giấy, mực in, quà tặng kèm…); cân đối chi phí sản xuất để hạ giá thành. Mở rộng kênh phân phối sách thật, phối hợp với cơ quan chức năng hoặc các đơn vị xuất bản khác trong những chiến dịch truy quét sách giả, sách lậu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực in ấn và phân phối xuất bản phẩm trái phép/không phép dựa trên những quy định pháp luật hiện hành; thành lập đường dây nóng xử lý sách lậu công bố trên mọi nền tảng để khi các cá nhân, đơn vị có thông tin về sách lậu có thể liên lạc thẳng với cơ quan có thẩm quyền.
Đại diện Alpha Books nhấn mạnh, ngoài sự hỗ trợ về pháp luật của cơ quan chức năng, nhân tố quyết định sự thành bại trong "trận chiến" cam go này chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách.
Còn theo đại diện nhà xuất bản Trẻ, các trang web bán sách lậu đang ngày càng thách thức pháp luật, bị phát hiện, bị chặn thì ngay lập tức họ tung ra trang web mới để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.
Nhà xuất bản trẻ cũng đề xuất xem xét thành lập cơ quan chuyên trách về phòng, chống in lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Nhà xuất bản này cũng mong muốn cần sớm nghiên cứu, sửa đổi pháp luật hiện hành liên quan theo hướng chế tài đủ mạnh để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, đảm bảo sự trong sạch, minh bạch trong môi trường kinh doanh xuất bản phẩm cũng như sản phẩm văn hóa.
Trong khi đó, theo TS Hoàng Mạnh Thắng nếu độc giả nghiêm khắc hơn với sách giả, chắc chắn những gian thương trong ngành sách không có cơ hội hoạt động ngang nhiên như hiện nay. Sách là biểu tượng của tri thức. Mua sách thật và tẩy chay sách giả chính là hành động thiết thực thể hiện sự tôn trọng tri thức.
Sách giả, sách in lậu không chỉ vi phạm Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và văn hóa đọc của độc giả vì chất lượng sách kém và nhiều sai sót. Do đó, độc giả cần phải lựa chọn kỹ càng khi mua hoặc đặt hàng trên mạng để tránh mua phải hàng giả hoặc kém chất lượng. Việc mua sách tại các nhà sách và đơn vị xuất bản uy tín là cách tiêu dùng thông minh, đóng góp vào sự phát triển của ngành xuất bản trong nước.
Nguồn: Đại Đoàn Kết