cart.general.title

Chống sách giả, sách lậu - cần sự chung tay của độc giả

Sách giả, sách lậu là một vấn nạn của ngành xuất bản Việt Nam, nhất là thương mại điện tử càng phát triển thì sách lậu, sách giả càng có cơ hội lừa dối người tiêu dùng. Sách lậu, sách giả mang lại nhiều hệ lụy, chính vì vậy, ngoài việc siết chặt quản lý từ các cơ quan chức năng, địa phương, cần có sự góp sức và chung tay của toàn xã hội trong việc đẩy lùi vấn nạn này.

Để giúp người tiêu dùng trang bị những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện đúng sách và đồ chơi an toàn cho trẻ em, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương mở cửa phòng trưng bày với chủ đề “Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em” tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hơn 1.000 sản phẩm là đồ chơi trẻ em, sách giáo dục, sách bài tập, sách bổ trợ của một số đơn vị đã được trưng bày. Mỗi sản phẩm trưng bày đều có đối chứng thật-giả để giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, nhận diện nhằm trang bị thêm kiến thức cho bản thân khi mua sắm, tránh mua phải những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường giúp người tiêu dùng nhận diện sách giả, sách lậu.

Nói về sự phức tạp của thị trường sách lậu, sách giả, đại diện các nhà xuất bản, các đơn vị chuyên phát hành và liên kết xuất bản cho rằng, sở dĩ tình trạng in sách giả, sách lậu phát triển phức tạp là do lợi nhuận của nó mang lại rất lớn. Trong khi để tạo ra một sản phẩm sách, nhà xuất bản phải chi trả tiền thuế, tiền bản quyền, tiền cho dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày... thì với sách giả, các đối tượng chỉ việc scan, in ra bán, sản phẩm đúng nghĩa “một vốn bốn lời”. Đáng lo ngại, hiện nay, hàng lậu, hàng giả đang chuyển dần từ cửa hàng truyền thống lên các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử... với lượng đầu sách bị làm giả, làm lậu rất đa dạng. Thêm vào đó, nhiều cửa hàng mặc dù trưng bày là sách thật nhưng nếu khách có nhu cầu về sách giả, sách lậu giá rẻ cũng sẽ được cung cấp ngay lập tức.

Như vậy, việc in ấn, phát hành sách giả, sách lậu không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách mà nó còn làm méo mó thị trường, khiến người làm sách, viết sách mất đi động lực sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, do không có sự kiểm soát chất lượng, việc tiếp cận phải sách giả, sách lậu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh. Thực tế cho thấy, sách giả, sách lậu thường sai sót về kiến thức; chất lượng giấy in thấp, không bảo đảm quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng xấu đến thị lực. Để ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, nhà xuất bản và các đơn vị liên quan thì ý thức tiêu dùng của độc giả là giải pháp căn cơ. 

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, hệ quả của sách lậu, sách giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Do đó, việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương, các nhà xuất bản mà cần có sự góp sức và chung tay của toàn xã hội. "Khi độc giả ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, là bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì nạn sách lậu, sách giả mới được giải quyết triệt để", ông Trần Hữu Linh bày tỏ.

Nguồn: QĐND