cart.general.title

Chống sách lậu: Bài toán nan giải

Trong ngành xuất bản ở nước ta bấy lâu, vấn nạn sách lậu đã xuất hiện ở tất cả loại hình: sách in, sách điện tử (ebook)...

gây thiệt hại về doanh thu, làm xấu đi hình ảnh các đơn vị làm sách chân chính cũng như ngành xuất bản. Vì thế,  công chúng luôn mong chờ cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản tìm ra đáp án cho bài toán khó sách lậu càng sớm càng tốt.

Mọi loại sách đều bị làm lậu

Có thể nói, tình trạng sách lậu đang diễn ra trà lan ở nước ta. Theo các đơn vị xuất bản, hiện nay, sách lậu diễn ra chủ yếu ở lĩnh vực sách in. Sách giả, sách lậu thường là những xuất bản phẩm văn học nổi tiếng của các tác giả trong và ngoài nước, các tác giả đang được bạn đọc “săn đuổi”, sách kinh điển, sách giáo khoa, sách tham khảo... Những cơ sở in lậu sách thường tìm đến ấn phẩm có bản quyền, sau đó tự sao chụp rồi in lại, nội dung và cách trình bày giống sách thật. Tuy nhiên, sách lậu chỉ giống về bề ngoài vì hình ảnh sao chụp mờ khiến chữ nhòe, đứt nét, màu sắc không đồng đều, sử dụng giấy in chất lượng thấp và không sử dụng các công nghệ in đặc biệt (dập nổi, ép nhũ, cán mờ, bóng điểm…) hoặc cắt giảm chi phí (chỉ làm bìa mềm, không làm tay gấp cho bìa, không làm áo ôm/đai sách…). Thậm chí, do làm cẩu thả, sách lậu còn có những lỗi sai nghiêm trọng về kiến thức, ảnh hưởng đến thẩm mĩ người đọc, không có tính giáo dục hoặc không phù hợp với thuần phong mĩ tục người Việt.

Nếu không có biển thông báo “Sách thật” (bên trái) thì cuốn sách in lậu ngay bên cạnh có thể đã qua mặt được nhiều khách hàng.

Trong khi đó, dòng sách điện tử (ebook) thường được mua - bán trên các website của nhà xuất bản (hoặc của hàng ủy quyền) lại phải đối đầu với việc người dân thiếu ý thức khi chia sẻ sách điện tử lên các trang mạng xã hội, diễn đàn. Sách điện tử cũng được nhiều cá nhân, tổ chức tự làm dựa trên sách bản quyền rồi đăng tải, chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội khiến thị phần bạn đọc sách điện tử của các nhà xuất bản bị giảm sút nghiêm trọng. Chính vì thực trạng sách điện tử bị xâm phạm bản quyền, làm lậu tràn lan nên có thời điểm Nhà xuất bản Trẻ đã hạ giá hàng loạt ấn phẩm được bạn đọc quan tâm, giá chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng/sách điện tử, chấp nhận bù lỗ vì không còn cách nào khác nếu không muốn... lỗ nặng.

Đại diện Công ty sách First News (TP. Hồ Chí Minh) mới đây cho giới truyền thông biết, có 400 đầu sách ăn khách của First News như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi, Hạt giống tâm hồn, Quà tặng diệu kỳ... đều bị làm lậu cả sách điện tử và sách nói trên nhiều trang web lẫn mạng xã hội. Tương tự, đại diện Công ty Huy Hoàng Bookstore cũng cho biết, bộ sách ăn khách của công ty Lời nguyền Lỗ Ban gồm 6 tập đã bị làm sách nói lậu trên một số trang mạng và đang tìm hướng xử lý.

Giải pháp nào?

Gần đây, tại Hội nghị “Tổng kết công tác phòng, chống in lậu năm 2016 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2017”, đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương cho biết, 5 tháng đầu năm 2017, đoàn liên ngành đã kiểm tra đột xuất 3 cơ sở in và gia công sau in, xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 203 triệu. Bên cạnh đó, đội liên ngành và Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông địa phương cũng đã tiến hành 1.583 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành. Kết quả: 153 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng, thu giữ và xử lý trên 53.000 xuất bản vi phạm.

Rõ ràng, các cơ quan chức năng liên quan ở nước ta đã, đang và có những biện pháp mạnh để xử lý vấn nạn sách lậu, sách vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, giải pháp xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, bởi số tiền phạt chỉ bằng một phần lợi nhuận rất lớn mà các cơ sở, cá nhân in lậu sách thu được. Vì vậy, nhiều người cho rằng chúng ta cần có biện pháp ngăn chặn từ gốc. Có thể là tăng nặng xử phạt hành chính, cấm hoạt động, đình chỉ hoạt động... nếu cơ sở, cá nhân in lậu bị phát hiện.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) vừa có công văn gửi các đơn vị, ban, ngành liên quan về việc xây dựng Thông tư “Dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm”. Theo đề xuất này, mỗi nhà xuất bản phải dán tem “chống sách lậu” lên sách. Trên mỗi tem có 4 thông tin như: mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN); số xác nhận đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản; số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản; số thứ tự theo số lượng bản xuất bản phẩm được in.

Trong khi đó, việc ngăn chặn dòng sách điện tử vi phạm bản quyền, làm lậu; giới chuyên môn cho rằng rất khó vì sách điện tử tồn tại trên nền tảng công nghệ, môi trường internet. Một người đưa lên mạng, người khác tải về và tiếp tục chia sẻ, cứ thế sẽ không có điểm dừng nên việc kiểm soát, tìm ra thủ phạm chính rất khó khăn. Tuy nhiên, dịch giả Lệ Chi từng chia sẻ, chỉ cần các cơ quan chức năng nhà nước, công an văn hóa và đặc biệt là an ninh mạng vào cuộc sẽ lần ra được những kẻ chủ mưu đăng ký mua các tên miền đăng tải, mua bán sách điện tử lậu để rồi đưa thủ phạm ra ánh sáng. Nhưng ở lĩnh vực này, nhiều ý kiến nhận định ý thức về bản quyền của không ít người còn hạn chế nên mới chia sẻ sách điện tử lên mạng. Ngược lại, sách điện tử chỉ có người mua sử dụng, không phát tán lên mạng thì sách lậu, vi phạm bản quyền lấy đâu ra “đất” để tồn tại.

Nguồn: Sức Khỏe Đời Sống