cart.general.title

Ngăn chặn tình trạng sách lậu "tràn lan" trên môi trường số

Việc xuất bản sách đang phải đối phó với nhiều hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng. Lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên quốc gia, các trang Web có tên miền ở nước ngoài, không ít đối tượng chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại, vi phạm Luật Xuất bản.

Ngăn chặn sách lậu trên không gian mạng

Sách giả xuất hiện dưới nhiều hình thức "tinh vi"

Trước đây, sách giả, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức in và bán lậu, song hiện nay, giới xuất bản còn phải đối phó với nhiều hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng. Cuộc chiến với sách giả, sách lậu trên không gian mạng gian nan và phức tạp hơn, nhưng các đơn vị, cơ quan liên quan quyết tâm hợp sức và có nhiều biện pháp góp phần đẩy lùi vấn nạn này.

Dành 1 vài phút tìm kiếm trên Internet, người dùng có thể dễ dàng mua được cuốn sách nổi tiếng với giá chỉ bằng 50%, thậm chí 20% so với giá bìa trên các sàn giao dịch trực tuyến, nền tảng mạng xã hội. Những trang có tên như Tổng kho sách, Sách nhà Tôm, Tủ sách Đầu tư, Sách hay mỗi ngày… chào bán, giới thiệu đến hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách “best seller” (bán chạy) với giá rất rẻ.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books), trong số 1.000 tựa sách của đơn vị này có tới 20-30% sách bị in lậu. Có những cuốn xuất bản khoảng 2-3 tuần, hiệu ứng truyền thông tốt, lập tức bị làm giả, bán công khai trên các nền tảng mạng. Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) cũng thông tin, có hơn 100 tựa sách đang bị in lậu, chiếm 60% số tựa sách bán chạy của đơn vị.

Sách giả, sách lậu khiến không chỉ khiến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản tuân thủ pháp luật chịu thiệt hại lớn, mà các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng sẽ không thu được phí tác quyền. Về phía độc giả, việc mua sách giả không chỉ thiệt hại về vật chất mà cả tinh thần. Chất lượng sách thấp, đặc biệt là ebook dạng hình ảnh, audiobook giọng đọc ngọng, không truyền cảm… khiến người đọc không thể cảm nhận được đầy đủ nội dung cuốn sách muốn truyền tải.

Áp dụng công nghệ vào công cuộc ngăn chặn sách giả, sách lậu trên không gian mạng

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sách giả, sách lậu trên không gian mạng, hiện nay, các đơn vị, nhà xuất bản đã và đang nỗ lực thực hiện và đề ra những giải pháp phù hợp.

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Khoa học và kỹ thuật Bùi Minh Cường cho biết, nhà xuất bản đã hợp tác để ứng dụng các thành tựu của công nghệ CheckVN vào phát triển nghiên cứu, xây dựng hệ thống chống giả điện tử cho các xuất bản phẩm; in ấn tem chống hàng giả điện tử cho xuất bản phẩm và văn hóa phẩm. 

Bên cạnh sử dụng tem chống hàng giả quét mã QR định danh thứ tự từng cuốn sách, nhà xuất bản còn đẩy mạnh công tác truyền thông trên các website chính thức và các trang mạng xã hội, cách phân biệt sách thật, sách giả… Đối với sách điện tử, các đơn vị xuất bản nên áp dụng giải pháp bảo vệ bản quyền đối với người chủ sở hữu nội dung kỹ thuật số và đặt nội dung kỹ thuật số đó dưới sự kiểm soát của một chương trình máy tính nhằm giảm thiểu rủi ro về vấn nạn ăn cắp bản quyền nội dung trên không gian mạng.

Đẩy mạnh ngăn chặn sách giả, sách lậu trên không gian mạng

Ngày 26/12, Cục xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) ban hành văn bản số 1329/ CXBIPH-QLIPH thông báo đường dây nóng ngăn chặn sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền.

Ngày 10/11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 2061/QĐ-BTTTT về Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống in lậu do Cục Xuất bản, In và Phát hành chủ trì quý IV năm 2022 và năm 2023, để triển khai quyết liệt công tác phòng, chống in lậu trong thời gian tới. Trong các giải pháp quyết liệt đó có cho phép thành lập một đường dây nóng để nhận các thông tin từ bạn đọc phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản, in và phát hành.

Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông thông báo số điện thoại Hotline 24/7: 0329.610717 đến các cơ sở in, cơ sở phát hành trên địa bàn tỉnh, thành phố để các tổ chức, cá nhân kịp thời, phản ánh nhanh chóng đến cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng về vấn nạn sách lậu, vi phạm bản quyền.

Trên cơ sở tiếp nhận thông tin phản ảnh, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, công bố công khai sai phạm (nếu có) và xây dựng/công bố bảng xếp hạng các đơn vị chấp hành tốt, các đơn vị chưa chấp hành/vi phạm cũng như các số liệu, chỉ số liên quan, để hỗ trợ công tác quản lý, đấu tranh, xử lý vi phạm.

Nguồn: thuonghieucongluan.com.vn