cart.general.title

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Sách giả, sách lậu làm xấu hình ảnh đất nước"

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ quan điểm về nạn sách giả, sách lậu tại hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng" diễn ra chiều 15/9 tại Trung tâm Báo chí TPHCM.

Hội thảo này là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách.

Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ Hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA), do Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Cục Xuất bản - In - Phát hành Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức. 

Hội thảo tập trung vào những chủ đề như: Nhận diện những hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số; Đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số; Thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay; Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á…

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên tại hội thảo (Ảnh: Ban Tổ chức).

Theo số liệu nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD.

Có mặt tại hội thảo, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhấn mạnh, sách lậu, sách giả là tệ nạn, tác động rất xấu đến sự phát triển của văn hóa đọc, làm lu mờ giá trị và vẻ đẹp của sách trong đời sống tinh thần của xã hội.

Theo nhà văn, sách là kho tàng văn hóa, nơi khơi nguồn tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, truyền cảm hứng và dạy người ta về lẽ phải. "Thế nhưng, xuất thân "bất hảo" của sách giả, sách lậu đã bôi đen, phủi sạch những ý nghĩa tốt đẹp vốn có của sách", ông nói.

Nhà văn cho biết khi nhìn thấy độc giả buồn bã vì mua phải sách lậu, ông rất đau lòng. Dù vậy, ông khẳng định không bao giờ ký tên vào sách giả, vì điều đó chẳng khác nào ông công nhận tính hợp pháp của việc làm giả sách.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng nạn sách giả, sách lậu làm xấu hình ảnh của đất nước và văn hóa đọc sẽ khó phát triển nếu nạn sách giả, sách lậu còn bủa vây.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (trái) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Mộc Khải).

Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xây dựng hệ thống thiết chế quản lý và bảo hộ bản quyền cả ở Trung ương và địa phương. Dẫu vậy, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - cho biết việc vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật như: Văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh... 

"Vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số đã gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan", bà Hà bộc bạch.

Khi nói về giải pháp để bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - cho rằng một trong những điều cần chú trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ. 

Bên cạnh đó, bà Oanh cũng nhấn mạnh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục, cũng như chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa như: Đăng ký bản quyền; lưu trữ hồ sơ, chứng cứ chứng minh việc sáng tạo, chứng minh quyền sở hữu của mình...

Tại hội thảo, các đại biểu từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan cũng có những chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp của quốc gia mình trong việc đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền.

Nhìn chung, các đại biểu đều đồng ý cần có sự can thiệp về mặt chính sách, cơ chế và biện pháp công nghệ nhằm xử lý các trường hợp vi phạm. Song, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của công dân về vấn đề bảo vệ bản quyền.

"Chính phủ và các đơn vị trong ngành cần phối hợp với nhau nhằm nâng cao nhận thức về luật bản quyền và luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cũng cần đến các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn đối với người vi phạm", ông Sheikh Faisal Sheikh Mansor - Chủ tịch Hội xuất bản Malaysia - nêu quan điểm.

Nguồn: Dân Trí