cart.general.title

Sách lậu - càng chống càng khó

Sách lậu ngang nhiên bày bán nhiều nơi. Người đọc đang bỏ tiền thật để mua sách giả. Các đơn vị xuất bản không những bị ảnh hưởng về uy tín và doanh thu, mà còn đứng trước nguy cơ bị đối tác nước ngoài tạm dừng giao dịch bản quyền.

Những "sạp" sách vỉa hè thường bày bán nhiều sách lậu có nguồn gốc không rõ ràng. Ảnh: ÐỨC ANH

Sách thật sợ sách giả?

245 trong số 300 đầu sách bán chạy (phần lớn đều được mua bản quyền từ nước ngoài) bị in lậu với số lượng lớn; thậm chí có những tác phẩm bị tám, chín nơi in lậu. Tỷ lệ sách in lậu do đơn vị giữ bản quyền xuất bản xuất hiện tại các tỉnh thành phía bắc lên đến 80%... Ðó là những khó khăn mà một công ty sách khá nổi tiếng ở Việt Nam đang đối mặt.

Tình trạng sách lậu đang hoành hành ngang nhiên, bất chấp những răn đe từ phía các cơ quan chức năng. Trong khi đó, những trường hợp bị phát hiện, chỉ dừng ở mức tiêu hủy, giải quyết hậu quả và xử phạt hành chính từ 15 đến 30 triệu đồng/vụ việc, như vậy so với lợi nhuận thu về từ việc làm sách lậu con số này chẳng thấm vào đâu. Thế nên, nạn sách lậu không những không thuyên giảm, mà ngày càng thách thức dư luận. Giới làm sách kể cho nhau nghe câu chuyện thật như đùa: ông chủ sách lậu khi bị phát giác đã ngang nhiên nói rằng, chẳng có gì sai khi góp phần truyền bá văn hóa phẩm, với giá cạnh tranh hơn hẳn các NXB! Có NXB thậm chí còn tổ chức gặp mặt các đầu mối làm sách lậu để xin họ "nương nhẹ" với sách do NXB mình in ấn!

Chưa kể, còn có tình trạng sách thật chưa ra thị trường thì sách lậu đã ra trước, lại còn đặt giá bán cao hơn cả sách thật. Như trường hợp cuốn Sống như Tiểu Cường có giá 69.000 đồng, nhưng sách lậu đẩy lên 85.000 đồng; cuốn Bí mật tư duy triệu phú có giá là 58.000 đồng nhưng sách lậu lên tới 68.000 đồng, thậm chí 75.000 đồng/ cuốn. Thực ra, đây là một chiêu thức tinh vi nhằm đánh lừa độc giả. Giá sách in ngoài bìa cao, nhưng được chiết khấu đến 50% (trong khi mức chiết khấu của sách thật thường chỉ 20% đến 30%) dễ khiến người mua có cảm giác được mua sách rẻ. Có đơn vị xuất bản, để giành thị trường đã hạ giá sách xuống bằng mức giá của sách lậu. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp nhất thời, vì việc hạ giá sách quá thấp trong khi phải gánh nhiều chi phí, khiến đơn vị gặp khó khăn về tài chính.

Nguy cơ bị đối tác nước ngoài tuyệt giao

Hiện nay việc xử phạt các hành vi tổ chức sản xuất sách lậu của cơ quan chức năng còn quá nhẹ là nguyên nhân khiến sách lậu không được ngăn chặn triệt để. Trường hợp xử lý cơ sở Huy Thi in lậu sách của Công ty sách First News vừa qua là một thí dụ. Dù bị bắt quả tang khi đang gia công và tàng trữ trên một vạn bản sách lậu, cơ sở này chỉ phải chịu xử phạt ở mức tiêu hủy số sách vi phạm. Ðồng thời với lý do số sách in lậu chưa phát hành ra thị trường, không gây thiệt hại cho First News nên đơn kiện của công ty đã bị bác. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, chủ thương hiệu sách Chibooks phát biểu: "Tôi thấy cay đắng cho First News nói riêng và cho giới xuất bản Việt Nam nói chung. Nếu gọi đây là vụ kiện đầu tiên về vi phạm bản quyền tại Việt Nam trong lĩnh vực xuất bản thì có thể được coi là kết quả tuyệt vọng của người làm xuất bản, khi họ nỗ lực bảo vệ sản phẩm do mình làm ra".

Nạn sách lậu đang dẫn đến nguy cơ, các đơn vị xuất bản trong nước sẽ bị đối tác nước ngoài cắt hợp đồng do không bảo vệ được bản quyền tác phẩm bị sao chép trái phép. Rõ ràng, trước tình trạng sách lậu in tràn lan, thiếu chế tài và biện pháp răn đe thật sự nghiêm khắc, các đối tác nước ngoài khó có thể coi Việt Nam là đối tác tin cậy, hiệu quả.

Tự cứu mình

Một số NXB đã tổ chức người đi tìm hiểu, phát hiện kịp thời những cơ sở làm sách lậu để báo cơ quan chức năng xử lý, đồng thời đưa ra lời cảnh báo sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh tính những cơ sở in và tiêu thụ sách lậu để độc giả nhận biết và không tiếp tục mua sách ở những cơ sở này. Tuy nhiên, công việc này tốn quá nhiều thời gian và công sức, nên không phải NXB nào cũng làm được; chưa kể họ còn vấp phải vô số những khó khăn trong việc xử lý, triệt phá các cơ sở in và tiêu thụ sách lậu.

Biện pháp thường được áp dụng hiện nay của nhiều đơn vị xuất bản là áp dụng các phương pháp chống làm giả như: làm bìa cứng, bìa nổi; dán tem chống hàng giả, in tem chìm ngoài bìa bốn. Song biện pháp này tiếp tục thất bại do các cơ sở làm sách lậu đã nhanh chóng "nhái" được mẫu mã.

Trước tình trạng này, ngoài việc dùng tem chống hàng giả, các đơn vị xuất bản từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách chọn giấy in loại tốt từ nước ngoài. Loại giấy được ưa chuộng hiện nay là Book Paper, có đặc điểm chống lóa, chống mỏi mắt khi đọc, và rất nhẹ.

Ðại diện NXB Kim Ðồng chia sẻ, họ đang cố gắng bằng mọi cách để nâng cao chất lượng in ấn, hạ giá thành sản phẩm đến mức tối đa để người tiêu dùng vừa có sách tốt mà giá cũng tốt. Mới đây NXB Trẻ tiếp tục cho ra mắt "tem thông minh" trên các ấn phẩm để sách giả khó bắt chước. Với chiếc tem này, mỗi cuốn sách sẽ có mã riêng, độc giả mua sách xong, cào mã, nhắn tin về tổng đài hoặc đăng nhập vào trang web của NXB để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, nếu chỉ coi đây là cuộc chiến "đơn thương độc mã" của các đơn vị xuất bản thì sẽ khó đẩy lùi nạn sách lậu. Nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong "trận chiến" cam go này chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi người đọc ý thức việc phải mua và đọc sách thật như là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, thì nạn sách lậu mới bị dẹp triệt để.

Sách lậu ở Pháp, loại in trên giấy, bị xóa sổ hoàn toàn, vì mỗi ấn bản đều phải có đăng ký cấp quốc gia và mang mã số riêng. Pháp đã có truyền thống bảo vệ quyền tác giả khoảng 300 năm nay. Hiện nay, khi nói đến sách lậu, người Pháp nghĩ ngay đến sách in trên mạng.
Luật pháp Pháp có hai biện pháp chính để giảm bớt sách lậu: để cho công chúng ý thức rằng hành động đọc sách lậu đồng nghĩa với "ăn cắp"; phạt nặng những kẻ phát hành sách lậu (lên tới 300.000 ơ-rô và ba năm tù). Theo thống kê, một nửa số sách in trên mạng bị đọc lậu, trong đó 59% là truyện tranh, 23% là sách khoa học viễn tưởng, 14% là tiểu thuyết. Vấn đề sách in lậu là vấn nạn ở nhiều nước: Trung Quốc, Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các nước châu Phi.
PGS, TS ÐOÀN CẦM THI (Pháp)

Nguồn: Nhân Dân