cart.general.title

Tăng cường nguồn lực cho các Đội liên ngành, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống in lậu

Ngày 28/9, tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn Liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc cho các cơ quan, đơn vị liên quan của cả nước. Đồng thời, tổng kết, đánh giá hoạt động của Đoàn, Đội liên ngành trung ương, địa phương năm 2022, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. 

Theo đó, năm 2022, Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 1.833 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy (tăng 154% so với năm 2021 - 722 cuộc); ban hành 76 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 1,2 tỷ đồng (tăng 53%); thu hồi, tiêu hủy trên 130.000 ấn phẩm và 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc.

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như: TP Hà Nội tiến hành 493 cuộc (tăng 470%), xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức, cá nhân (giảm 20%) với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 341 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.425 xuất bản phẩm, 7.270 kg bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; TP Hồ Chí Minh tiến hành 12 cuộc, xử phạt trên 46 triệu đồng; An Giang tiến hành 52 cuộc, Cần Thơ tiến hành 55 cuộc, Hưng Yên tiến hành 78 cuộc, Hòa Bình tiến hành 54 cuộc, Long An tiến hành 59 cuộc, Ninh Bình tiến hành 56 cuộc.

Trước tình trạng ngày càng nhiều các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên quốc gia, các trang web có tên miền ở nước ngoài thực hiện chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho phép thành lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin từ bạn đọc phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản, in và phát hành qua số hotline 24/7.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu cho biết, tại một số địa phương, gặp khó khăn trong việc kiểm tra, thanh tra các cơ sở in hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực đất an ninh, quốc phòng vẫn chưa được cải thiện, mặc dù đã có nhiều phản ánh đến các cơ quan chủ quản của cơ sở in nằm trên địa bàn này.

Các tập thể, cá nhân một số đơn vị Công an nhận Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông, vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống in lậu.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật hiện nay chưa rõ ràng trong việc xác định “xuất bản điện tử” và “xuất bản phẩm điện tử”, gây khó khăn trong việc cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; khung chế tài xử lý hành vi phạm trên môi trường mạng chưa đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã biểu dương các đơn vị chức năng trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống in lậu. Đồng thời, đề nghị tập trung thực hiện những nhiệm vụ trong thời gian tới: Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương rà soát, hoàn thiện quy chế hoạt động theo hướng kết hợp nhiều cơ quan, nhiều đơn vị để phát huy sức mạnh tổng thể; cần tăng cường nguồn lực, vật lực cho các Đội liên ngành tại địa phương, đáp ứng yêu cầu của đấu tranh chống in lậu hiện nay.

Thường xuyên có sự trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các lực lượng thanh tra thông tin và truyền thông, Công an, Quản lý thị trường… trong tỉnh, thành phố và giữa các tỉnh, thành phố với nhau trong việc phát hiện các vụ việc vi phạm, nhất là các vụ việc phức tạp có liên quan đến chức năng quản lý của nhiều ngành hoặc có đối tượng vi phạm hoạt động tại nhiều địa điểm, nhiều địa phương, hoạt động trên mạng xã hội,… để có phương án xử lý tối ưu, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: Công An Nhân Dân