cart.general.title

Tuyên chiến với sách giả, sách lậu

Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang là công cụ để sách tiếp cận bạn đọc một cách nhanh chóng. Thế nhưng việc phát triển trên không gian “ảo” đã tạo ra nhiều kẽ hở để sách giả, sách lậu thâm nhập vào thị trường.

Một số fanpage bán sách giả

 

Hồi chuông báo động

Mới đây, công ty First News - Trí Việt đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân Quận 1 TP Hồ Chí Minh kiện Lazada đã có hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Theo First News -Trí Việt, từ đầu năm 2019, công ty này đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề sách kém chất lượng, in sai sót được mua trên Lazada với mức giá giảm từ 42-55% (cá biệt có trường hợp lên đến 72%) so với giá bìa.

Trong đó, có rất nhiều đầu sách được phát hiện là sách giả, không được in ấn, phát hành hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng bản quyền, quyền tác giả mà First News -Trí Việt đang sở hữu. Là nguyên đơn trong vụ kiện, ông Nguyễn Văn Phước- Nhà sáng lập và CEO công ty Văn hóa Sáng tạo First News -Trí Việt chia sẻ, đơn vị đã chờ nhiều năm để mong có sự chuyển đổi nhưng không thấy, và trước đây đơn vị cũng đã từng kiện một cơ sở sản xuất sách giả với đầy đủ bằng chứng, nhưng bị xử thua kiện, cho nên First News -Trí Việt quyết khởi kiện Lazada. Chúng tôi biết Lazada là tập đoàn vốn lớn, rất mạnh, nhưng vẫn kiện đến cùng.

Trước đó, NXB Kim Đồng đã có bức thư “kêu cứu” với nhan đề “SOS - vấn nạn sách giả tràn lan trên mạng xã hội”. Trong thư NXB Kim Đồng cho biết, một trong những chiêu trò mà những đối tượng làm sách giả sử dụng để đánh vào sự chú ý của người tiêu dùng là quảng cáo thật nhiều, với tần suất dày đặc và bán với giá thật rẻ so với giá bìa. Rất nhiều page (trang mạng xã hội trực tuyến) được mở ra với cái tên rất chỉn chu và hấp dẫn, như Tủ sách Tinh hoa, Tổng kho sách giá rẻ, Sách xả kho... bán sách của NXB Kim Đồng nhưng thực ra sách bán ở đây đều là giả.

Đơn cử như bộ Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được rao bán trên mạng thời gian qua có kích thước không đều, bìa và giấy được cắt xén ẩu, nham nhở, bong tróc, gáy sách nhăn nhúm, hình ảnh nhòe vỡ, keo dán lồi lõm, bong tróc... khiến đơn vị này bị ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu.

Hay các đơn vị phát hành sách bản quyền như Alpha Books, NXB Trẻ cũng phát hiện hơn 40 page bán sách giả, thậm chí nhiều page có lượt theo dõi rất lớn như Family Books, Tủ sách gia đình, Khu vườn mọt sách, Tủ sách tinh hoa... Hầu hết các cuốn sách của các đơn vị kể trên bị làm giả và bán trên các trang mạng, sàn trực tuyến là những ấn phẩm ăn khách.

Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các địa chỉ tiêu thụ sách giả, sách lậu đều sử dụng các tài khoản ảo, tài khoản giả trên mạng, người mua bị lừa không thể khiếu nại được. Đơn cử như Đông A Books, đơn vị duy nhất có bản quyền các tác phẩm của nhà văn Mario Puzo tại Việt Nam. Nhưng trên thị trường sách lại xuất hiện một số ấn bản các tác phẩm của Mario Puzo không do Đông A phát hành. Chưa kể những cuốn sách này tăng giá bìa, sau đó giảm giá bán để thu hút người mua. Đặc biệt các sản phẩm giả này không có boxset (hộp đựng cả bộ sách), không bọc màng co, mỏng hơn rất nhiều so với sách thật vì in trên giấy chất lượng thấp, màu sắc nhòe, mờ, in lệch dòng, xô chữ, căn lề không thẳng, gáy sách dễ bung...

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay nhiều fanpage rao bán sách giả, sách lậu thường tung ra các “mánh khóe” cam kết với khách rằng sách được in chuẩn, được giảm giá là do hàng xuất dư, in nối bản. Thậm chí để đánh lừa bạn đọc, nhiều trang bán hàng còn lấy những cái tên mập mờ, khó phân biệt thật giả như “Nhà sách Tuổi Trẻ books”, “NXB Nhã Nam -Trang chuyên xả hàng tồn kho”, “Xưởng in NXB Trẻ”... Thế nhưng theo kiểm chứng từ NXB Trẻ hay Nhã Nam Books đều khẳng định những trang này là giả mạo.

Cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh giả được mua trên trang Lazada.

Cần có biện pháp mạnh

Có thể nói, sau hàng loạt các đơn kêu cứu trong vô vọng của đơn vị xuất bản, động thái của First News -Trí Việt là “phát súng” tuyên chiến mạnh mẽ với vấn nạn sách giả, sách lậu. Bởi thực tế, nếu như trước kia sách lậu, sách giả chỉ “len lỏi” xuất hiện tại các nhà sách, các điểm bán cố định thì giờ trên không gian mạng các thủ đoạn đã tinh vi hơn rất nhiều lần. Đặc biệt, không phải người dùng nào cũng nhận biết được mình đang sử dụng sách giả.

Vẫn biết tác hại không nhỏ của sách lậu, sách giả nhưng thực tế để giải quyết triệt để vấn nạn này đang là một bài toán khó cho các cơ quan quản lý. Đơn cử như các quy định xử phạt hiện nay vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe.

Theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xuất bản, hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả hoặc in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên chỉ bị phạt tối đa là 30 triệu đồng cho mỗi hành vi. Thêm vào đó, đơn vị có hành vi trên bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp đã thu được. Nếu so với lợi nhuận từ việc kinh doanh sách lậu, số tiền phạt trên là hoàn toàn không cân xứng.

Trước vấn nạn sách giả, sách lậu bán trên các trang mạng xã hội, sàn trực tuyến làm ảnh hưởng đến ngành xuất bản, mới đây Cục Xuất bản In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn đề nghị Sở TTTT 63 tỉnh thành phối hợp, chủ động nắm bắt thông tin và sớm xử lý các vụ vi phạm.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành, đơn vị này sẽ phối hợp với cơ quan quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các cơ quan an ninh liên quan để xem xét các trang mạng xã hội chạy quảng cáo bán sách lậu, sách giả. Các trang thông tin này cơ bản là mạng xã hội, hoặc trang web đặt máy chủ ở nước ngoài nên quá trình đấu tranh cần kiên trì, có thể bằng hình thức gỡ bỏ hoặc dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn.

Nguồn: daidoanket.vn