Vấn nạn in lậu tràn lan do chế tài Việt Nam chưa đủ mạnh
Sáng 28/9, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh.
Được biết, các đại biểu tham dự hội nghị đến từ các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động in, đơn vị phòng, chống in lậu trong cả nước đã được phổ biến kết quả hoạt động trong công tác phòng, chống in lậu, các văn bản pháp luật, nghị định mới của Chính phủ quy định hoạt động in; văn bản quản lý, điều hành hoạt động in; thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm trong công tác phòng chống in lậu, các giải pháp nâng cao công tác quản lý in, phòng chống in lậu trong thời gian tới….
Theo báo cáo, năm 2022, đoàn liên ngành và các đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 1.833 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy. So với năm 2021 là 722 cuộc, tăng 154%.
Các đoàn, đội ban hành 76 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 1,2 tỉ đồng (tăng 53% so với năm 2021). Trên 130.000 ấn phẩm và bán thành phẩm không rõ nguồn gốc bị thu hồi, tiêu hủy. Các vụ vi phạm tập trung nhiều ở các địa phương: TP Hà Nội, Hưng Yên, Cần Thơ, Long An…
Tiêu biểu là Hà Nội khi tiến hành 493 cuộc, xử phạt vi phạm hành chính 12 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt là 341,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.425 xuất bản phẩm, 7.270kg bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại Bắc Kạn, vào năm 2022, đội liên ngành tiến hành kiểm tra tại 25 cơ sở in, cơ sở photocopy trên địa bàn tỉnh; đã ban hành ba quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ba cơ sở in/photocopy.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dòng - chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, cho biết mình đã làm trong nghề được 50 năm và bức xúc về vấn nạn in lậu.
Ông nhấn mạnh: "Bây giờ cái gì cũng giả. Sách giả, tem giả, nhãn hàng cũng giả…
Tôi cho rằng biện pháp chế tài của Việt Nam chưa đủ mạnh. Nếu chế tài theo kiểu xử lý hành chính chỉ phạt vài ba chục triệu đồng không giải quyết được vấn đề gì.
Chúng ta phải làm sao đưa vấn đề này vào Luật Sở hữu trí tuệ để có biện pháp chế tài mạnh, như ở một số nước".
Cũng tại hội nghị, các đại biểu nêu lên nhiều tham luận, ý kiến nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành in ở các cấp, đơn vị in, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong xử lý đơn vị vi phạm, tiêu hủy ấn phẩm in lậu, vi phạm quy định pháp luật, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến về quy định pháp luật, quản lý nhà nước đối với hoạt động in ở cơ sở, tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở in…
Nguồn: Sở Hữu Trí Tuệ