cart.general.title

NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG RA MẮT SÁCH ẢNH SONG NGỮ VỀ TRƯỜNG SA

Từ cách đây hơn nửa thế kỉ, Nhà xuất bản Kim Đồng đã chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục về biển đảo thông qua việc xuất bản nhiều cuốn sách giúp các em thiếu nhi Việt Nam thêm hiểu, thêm yêu và nhận thức trách nhiệm góp phần bảo vệ những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.  

Năm 2018, Tủ sách Biển đảo Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng có thêm một ấn phẩm mới đặc biệt, đó là cuốn sách ảnh song ngữ Trường Sa – Nơi ta đến của nữ nhà báo – tác giả Nguyễn Mỹ Trà.

Trường Sa, đó không chỉ là nơi đón ánh nắng bình minh đầu tiên trên đất Việt, mà còn là Tổ quốc nơi đầu sóng, là một cột mốc yêu thương mà biết bao thế hệ cha ông chúng ta đã đổ mồ hôi và máu xương để gìn giữ. Trường Sa từ lâu đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ, và gần đây là nguồn cảm hứng bất tận cho vô số tác phẩm nhiếp ảnh.

Để có những khuôn hình đẹp và giàu cảm xúc về Trường Sa, bạn không chỉ cần đặt chân đến đó, mà bạn cần rất nhiều tình yêu dành cho mảnh đất ấy. Trường Sa - Nơi ta đến chính là tấm chân tình mà tác giả Mỹ Trà gửi gắm qua những tấm ảnh dành cho quần đảo thân yêu.

Cuốn sách tập hợp khoảng 150 bức ảnh nghệ thuật, tái hiện vẻ đẹp trong trẻo, tráng lệ của Trường Sa qua nhiều thời khắc: một cơn giông, một cầu vồng, một khung trời qua ô cửa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, một cơn mưa chập chờn phía xa khơi... Nhưng bên cạnh đó là cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính đảo, là cảm xúc nhớ đất liền và nhớ về những người đã ngã xuống.

Cuộc sống của trẻ em Trường Sa được tác giả đặc biệt chú ý. Các em học thế nào? Chơi ra sao? Sinh hoạt đời thường của các em có gì khác với trẻ em trong đất liền? Các em có cảm thấy hạnh phúc? Qua những khuôn hình dung dị và ánh mắt trẻ thơ, bạn có thể tìm ngay được câu trả lời.

Những bức ảnh lắng đọng cảm xúc và chiều sâu nghệ thuật của Nguyễn Mỹ Trà, chất chứa bên trong là niềm tự hào mãnh liệt về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Người đọc không chỉ thấy chân dung nữ nhà báo đầy bản lĩnh vượt qua thử thách để có những bức hình đẹp, mà còn là một tâm hồn đầy nhiệt thành với Trường Sa thân yêu:

 “Làm nghề báo, đã đi nhiều nơi, nhưng với chuyến “vượt sóng” ra Trường Sa, tôi biết mình đang bắt đầu một chuyến đi đáng nhớ nhất, ý nghĩa nhất trong đời”

Trường Sa – Nơi ta đến là một bộ sách ảnh giàu nữ tính, mang tới cho chúng ta những thông điệp dịu dàng về tình yêu Tổ quốc.

Cuốn sách cũng khiến bất cứ ai trong chúng ta, những người đã từng đặt chân đến Trường Sa hoặc chỉ biết Trường Sa trong những câu chuyện kể, đều rung lên những xúc cảm đẹp lạ thường.

Trường Sa - Nơi ta đến thể hiện ở dạng song ngữ Anh - Việt của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà, phóng viên VOV, phần dịch do các BTV CT Tiếng Anh 24/7 VOV5 đảm nhận.

-----------------------

 

Thông tin chương trình

Vào 14h00 ngày 12 tháng 03 năm 2018, tại Hội trường Tầng 2 của Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hà Nội), Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức Lễ ra mắt sách Trường Sa – Nơi ta đến của tác giả - nhà báo Nguyễn Mỹ Trà.

Khách mời chương trình có Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà phê bình lý luận nhiếp ảnh Vũ Huyến, Trung úy – Chiến sĩ Trường Sa Tống Văn Tùng, Nhà báo Đỗ Thu Lan (VOV), Tác giả - Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà.

Những kỉ niệm về Trường Sa, những câu chuyện chân thật về cuộc sống trên đảo, những ấn tượng mãi mãi đi vào lịch sử… của các khách mời sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cuốn sách ảnh và càng trân trọng hơn giá trị lao động – nghệ thuật của tác giả Nguyễn Mỹ Trà.


Thông tin chi tiết:
Tên sách: Trường Sa – Nơi ta đến Here we come
Tác giả: Nguyễn Mỹ Trà
Người dịch: Nhóm BTV CT Tiếng Anh 24/7 VOV5
Khuôn khổ: 23x23
Số trang: 152
Giá bìa: 180.000đ/cuốn

 

Phụ lục 1

ĐÔI LỜI VỀ CUỐN SÁCH

1. Nhà xuất bản Kim Đồng

“Chúng tôi thực sự trân trọng những tâm huyết cùng sự đầu tư nghiêm túc của tác giả dành cho cuốn sách. Ngay khi đồng ý với ý tưởng làm sách và những đề xuất từ Nhà xuất bản, tác giả đã quyết tâm quay lại Trường Sa để chụp thêm tư liệu cho cuốn sách. Độc giả sẽ tìm thấy nhiều cung bậc cảm xúc trong những trang sách, từ sự choáng ngợp trước thiên nhiên hung vĩ của Trường Sa đến những cảm xúc nhẹ nhàng của một cuộc sống thanh bình trên đảo. Với hình thức sách song ngữ, cuốn sách không chỉ giúp bạn đọc trong nước mà cả bạn đọc quốc tế thêm hiểu và thêm yêu Trường Sa.” – Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng.

2. Tác giả

“Tình cảm trong sáng và sự quan tâm sâu sắc đến biển đảo quê hương của các bạn học sinh, sinh viên đã thôi thúc tôi thực hiện cuốn sách với Nhà xuất bản Kim Đồng. Sau hai năm thực hiện với biết bao sự giúp đỡ từ hải quân, đồng nghiệp, bạn bè và các anh chị nhà NXB, cuốn sách đã ra đời. Tôi rất vui vì đã được kể lại hành trình những chuyến đi đáng nhớ trong đời đến Trường Sa và cảm xúc của chính mình tới độc giả. Tôi, một người con đất liền, sau bao năm mong chờ cuối cùng cũng được chạm tới mảnh đất tuyệt đẹp của Tổ quốc nơi cực đông. Gần 150 tấm ảnh và nội dung khá “nhiều chữ” không chỉ chứa đựng cảm xúc của tôi trước vẻ đẹp của biển đảo quê hương mà còn là tấm lòng cảm phục sự kiên cường của con người trong điều kiện sống khắc nghiệt nơi đây và biết ơn sự hi sinh của người lính. Đây vừa là món quà tôi gửi tặng các bạn trẻ, vừa là ước mong cuốn sách sẽ trở thành “nhịp cầu” nối liền tình cảm học sinh, sinh viên và người dân đất liền với các em nhỏ, người dân và chiến sĩ Trường Sa.” – Nguyễn Mỹ Trà.

 

Phụ lục 2

CÁC Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ VỀ CUỐN SÁCH ẢNH “TRƯỜNG SA - NƠI TA ĐẾN”

1. PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ

Ủy viên Trung ương Đảng. Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Những năm gần đây, điều kiện để đất liền ra với Trường Sa dễ dàng hơn. Nhưng việc một phóng viên mảnh mai như Mỹ Trà vượt một chặng đường dài như thế, đi hết đảo này đến đảo khác mà không say sóng đến nằm lăn ra, vẫn còn cầm máy để chụp được những khoảnh khắc đáng nhớ thì là một điều đáng khen.

Bằng góc nhìn của mình, Mỹ Trà ghi lại một Trường Sa bình yên, thân thương như đất liền, nhưng thiêng liêng ở chỗ nó là một phần máu thịt của Tổ quốc giữa biển cả mênh mông.

Có sự rung cảm của một người phóng viên, người nghệ sĩ trước cảnh sắc ấy thì mới chụp được cảnh bình minh, một chú chó ngồi ngóng ra biển, chụp từ phía sau nhưng vẫn đọc được hồn vía của bức ảnh, hay là cầu vồng hiện ra sau mưa, nối đảo với con tàu trên biển, rồi cặp mắt của những đứa trẻ trên trang vở… Đặc biệt là gương mặt những người lính, những người chỉ huy được đặc tả cho ta thấy dường như phía sau màu áo hải quân, họ là người thợ cày ở quê rắn rỏi, hiền lành, nhân hậu. Nhưng họ đã được Tổ quốc, nhân dân cử ra để bảo vệ phần đất thiêng liêng của quê hương mình.

Cảnh sinh hoạt trên đảo, cảnh bộ đội chăm sóc luống rau, rồi mái chùa trên đảo không chỉ là một ngôi chùa, nó là hồn cốt của dân tộc, là sự cắm rễ đời sống của dân tộc này trên đảo từ lâu đời. Sự khẳng định chủ quyền bằng văn hóa, tín ngưỡng như vậy là một điều đáng quý.

Sau những cuộc triển lãm, Mỹ Trà đã quyết định in thành một cuốn sách do NXB Kim Đồng phát hành. Tôi cho rằng đây là cách giúp lan tỏa được trong xã hội nhiều hơn. Đặc biệt là với lứa tuổi học sinh, sinh viên thì rất cần những cuốn sách như thế để mọi người biết Trường Sa của chúng ta là như thế nào, từ đó thêm yêu Trường Sa, Hoàng Sa, từ đó xác định trách nhiệm đối với đất nước dù còn nhỏ tuổi, vì họ chính là chủ nhân tương lai của đất nước.

 

2. Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm chính trị, Hải quân Nhân dân Việt Nam

Bộ ảnh Trường Sa – Nơi ta đến của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà không chỉ là những khuôn hình đẹp về cảnh vật, thiên nhiên giàu có, phong phú của biển đảo Việt Nam, mà còn khắc họa chân thực cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác của quân dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1. Đặc biệt, tác giả đã ghi lại được nhiều hình ảnh tươi mới, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ nét sức sống trường tồn, tinh thần lạc quan, khát vọng, ý chí quyết tâm của bộ đội hải quân cùng nhân dân và các lực lượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

3. Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến

Nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh

Đây là cuốn sách ảnh Trường Sa đầu tiên mà tác giả là nữ. Cuốn sách được tổ chức biên soạn theo phong cách rất mới, rất hiện đại. Những hình ảnh mà bên dưới có ghi những cảm xúc, những câu chuyện đi kèm làm cho người xem cảm thấy bức ảnh có nhiều ý tứ hơn, chạm đến người xem hơn.

Tôi đánh giá đây là cuốn sách rất chân thực. Ở Trường Sa, vùng đất này càng chân thực bao nhiêu càng có giá trị bấy nhiêu bởi vì bản thân cuộc sống nơi đó đã có sức hút với tất cả chúng ta rồi. Trên đất nước chúng ta, chưa có mảnh đất nào cho đến bây giờ với một diện tích bé nhỏ mà lại hút người xem đến như vậy. Người ta càng háo hức với Trường Sa, càng muốn gửi tình cảm đến Trường Sa bao nhiêu thì người ta càng thích thú khi đón nhận cuốn sách này.

Các bạn sẽ thấy trong sách có những bức ảnh để tạo ra được nó rất khó. Tôi từng đi Trường Sa và biết rằng việc chụp ảnh không hề dễ bởi vì sóng đánh, rồi không khí sôi động và ngồi trên xuồng trên thuyền tác nghiệp rất khó khăn. Phải nói là Mỹ Trà chụp rất tốt.

 

4. Nhạc sĩ Vũ Thiết

Tác giả của nhiều ca khúc đoạt giải về đề tài biển đảo quê hương

Tôi đã thực sự xúc động khi ngắm những bức ảnh trong sách ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến”. Những bức ảnh đã gợi lại trong tôi chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa cách đây đã bốn năm, ấy là năm 2014 trên chuyến tầu HQ 996. Từng trang, từng trang ảnh đưa tôi đi hết cảm xúc này sang cảm xúc khác. Tác giả đã lột tả chân thực những khó khăn vất vả nhưng tâm hồn vẫn tràn đầy lạc quan của những người lính và người dân nơi đầu sóng ngọn gió. Khi cuốn “Trường Sa - Nơi ta đến” được xếp lại, trong tôi vẫn bồi hồi xúc động về một miền thiêng liêng và tự hào của Tổ quốc, đó là TRƯỜNG SA của chúng ta. Cảm ơn tác giả, cảm ơn Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra tập sách ảnh này.

 

5. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo

Tư duy của tác giả là tư duy của một nhà báo đích thực. Tác giả đã ghi lại chân thực nhất đời sống trên đảo, có khi chỉ là hình ảnh của những chú chó bảo vệ đảo cùng những người lính. Người ta có thể nhìn thấy ở đây hình ảnh “khuyển mã chí tình”, không còn là con vật nữa mà đã là những người bạn của lính. Một đề tài chính trị nhưng tính xã hội lại rất cao. Tôi đã từng xem nhiều ảnh đơn lẻ về Trường Sa, thông thường tác giả hay bị bệnh dàn dựng, còn ảnh của Trà thuyết phục người xem nhờ sự chân thực, tiêu chí hàng đầu của nhiếp ảnh báo chí. Báo chí phải thông qua một sự thật để phản ánh cuộc sống, ở đây tác giả đã làm được điều đó. Tôi tin cuốn sách này sẽ thành công.

 

6. Chiến sĩ Trường Sa Tống Văn Tùng

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp, Lữ đoàn 146

Chị Mỹ Trà là người đi biển không nhiều lắm, mỗi chuyến công tác chỉ vẻn vẹn 10 ngày nhưng chị đã chụp được những khoảnh khắc rất đời thường, rất bình dị, phản ánh được đời sống của quân dân và cán bộ trên đảo.