cart.general.title

Tiểu thuyết tranh - Cơ hội còn để ngỏ

Graphic novel (tạm dịch: tiểu thuyết tranh) không còn xa lạ với thế giới, nhưng đang là thể loại có phần mới lạ tại Việt Nam. Nhiều tác giả và đơn vị xuất bản trong nước bắt đầu chú ý đến thể loại này và bước đầu có những thành công nhất định.

Cách thể hiện mới lạ

Vào năm 2018, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng xuất bản tiểu thuyết tranh Lựa chọn giống như một thể nghiệm đối với thể loại này. Lựa chọn vốn dĩ là đề tài tốt nghiệp lớp thạc sĩ chuyên ngành Illustrations and Book Arts của tác giả Hoàng Giang tại Đại học Anglia Ruskin (Cambridge, Anh). Tác phẩm chọn chủ đề đang được xã hội quan tâm là xâm hại tình dục, kể câu chuyện một nhân vật chính tạo ra người bạn tưởng tượng, để thay mình gánh vác nỗi đau đớn tột cùng mà bản thân không thể đối diện.

Chương trình ra mắt tiểu thuyết tranh Sống của hai tác giả Hải Anh và Pauline Guitton được đông đảo bạn đọc quan tâm

Sau 6 năm, đến nay, NXB Kim Đồng lần lượt giới thiệu nhiều ấn phẩm thuộc thể loại này như: Hành trình Đông A (Trần Tuyết Hàn), Dế mèn phiêu lưu ký (Tạ Huy Long, dựa trên nguyên tác của nhà văn Tô Hoài), Sống (Hải Anh và Pauline Guitton)… Dành sự quan tâm và ưu tiên cho truyện tranh Việt, Công ty Du Bút đã giới thiệu đến bạn đọc các tiểu thuyết tranh Gửi em (Lê Thư), Mùa hè bất tận (Lâm Hoàng Trúc).

Vào năm 2022, cùng với 11 họa sĩ trẻ khác, họa sĩ LinhRab (tác giả bộ truyện Cuộc phiêu lưu của Dế Út vừa đoạt giải Khát vọng Dế Mèn 2024) tham gia dự án tiểu thuyết tranh do Viện Pháp và Viện Goethe tại Hà Nội tổ chức. Kết thúc dự án, 12 họa sĩ đã cùng nhau ra mắt ấn phẩm Cuốc xe tuổi trẻ, tập hợp 12 tiểu thuyết tranh.

Theo họa sĩ LinhRab, trong tương lai, tiểu thuyết tranh sẽ là thể loại rất phát triển, bởi hình thức này phù hợp với bối cảnh sáng tác của nghệ sĩ Việt Nam. Anh lý giải: “Thông thường, tiểu thuyết tranh gói gọn trong một tập nên rất phù hợp với nguồn lực hiện tại của từng cá nhân họa sĩ trong nước. Ngoài ra, thể loại này có cách thể hiện mới lạ rất phù hợp với khả năng sáng tạo của các họa sĩ trẻ hiện nay”.

Phù hợp xu thế

Khác với truyện tranh, tiểu thuyết tranh có cách kể dài và phức tạp hơn. Tuy nhiên, giống như tiểu thuyết, tiểu thuyết tranh có thể có một hoặc nhiều tập với dung lượng khoảng 200 trang, có mở đầu và kết thúc theo cách kể của tiểu thuyết. Và khác với truyện tranh ở Việt Nam hay bị đánh đồng là sản phẩm dành cho thiếu nhi thì tiểu thuyết tranh lại dễ được mở rộng, các tác giả có thể khai thác những chủ đề gai góc hơn.

Theo đại diện của một số đơn vị xuất bản, tiểu thuyết tranh là thể loại phù hợp với xu hướng đọc nhiều hình ít chữ hiện nay của bạn đọc. Độc giả Ngô Vinh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, lợi thế của tiểu thuyết tranh nằm ở chỗ tiếp cận được 2 phân khúc độc giả là độc giả của tiểu thuyết chữ và truyện tranh. Câu chuyện, sự kiện hay nhân vật được minh họa sống động và phần nào tiếp cận được trí tưởng tượng, bày ra sự so sánh cho độc giả vốn quen với hình thức tiểu thuyết thông thường. “Nếu Hàn Quốc đang nở rộ các Webtoon, thì thể loại tiểu thuyết tranh trong thời gian tới có thể sẽ rất phổ biến, đặc biệt cho lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam”, độc giả Ngô Vinh nói thêm.

Hiện tại, thị trường trong nước cũng đang xuất hiện nhiều sân chơi dành cho họa sĩ, tác giả đam mê tiểu thuyết tranh nói riêng và truyện tranh nói chung, như: cuộc thi sáng tác truyện tranh Comink, được tổ chức định kỳ hàng năm, bắt đầu từ năm 2022; cuộc thi vẽ truyện tranh “WoW Yourself” do Punkga Me tổ chức. Hay mới đây, Viện Pháp tại Hà Nội và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác truyện tranh dành cho các tác giả, họa sĩ chuyên và không chuyên (từ 18 tuổi trở lên) với chủ đề sáng tác tự do, dành cho đối tượng độc giả từ 13 tuổi trở lên. Chính điều này cũng góp phần tạo nên không khí sôi nổi để các họa sĩ làm nghề.

Họa sĩ LinhRab nói thêm, về nhân lực phát triển truyện tranh, tiểu thuyết tranh đang có một tín hiệu đáng mừng khi có sự trở lại của nhiều họa sĩ thế hệ 9X. Ngoài ra, không ít các em thiếu nhi (cấp 2 và 3) đang tham gia vẽ truyện tranh trên mạng khá sôi nổi.

“Các em có phong cách đa dạng, được học hành bài bản hơn thế hệ trước. Tôi nghĩ rằng, tầm 10 năm nữa, nếu các bạn vẫn còn theo đuổi với truyện tranh chắc chắn sẽ tạo ra thành tựu của riêng mình. Hiện tại, cộng đồng truyện tranh đang có những tín hiệu tốt cho sự phát triển truyện tranh, tiểu thuyết tranh ở Việt Nam”, họa sĩ LinhRab cho biết.

Dù đi sau, nhưng một số tiểu thuyết tranh của Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định. Lựa chọn của Hoàng Giang được bán hết trong 2 tháng đầu tiên và nhận phản hồi tích cực của độc giả. Tác phẩm này còn xuất hiện tại Hội sách nghệ thuật Bangkok (Thái Lan) và đã bán hết trong ngày đầu tiên của hội sách. Trong khi đó, Mùa hè bất tận của Lâm Hoàng Trúc đã bán bản quyền cho NXB Toshokan (Italy) và đã phát hành tại Italy năm 2023.

Nguồn: sggp.org.vn