cart.general.title

Kim Đồng Mang màu sắc mới, "Lĩnh Nam chích quái" không còn một cuốn sau 2 tuần phát hành

Sau thành công của cuốn sách “Cửa sổ” (2014), họa sĩ Tạ Huy Long (ảnh) dường như bế tắc. Anh không biết mình sẽ đi đến đâu nếu theo phong cách ấy. Đến “Lĩnh Nam chích quái”, nét vẽ Tạ Huy Long như được giải phóng, biểu đạt thoải mái, tự do hơn.

“Lĩnh Nam chích quái” - ấn bản kỷ niệm 60 năm NXB Kim Đồng tuy vừa ra mắt vào đầu tháng 5-2017, nhưng chỉ sau 2 tuần đã “cháy hàng”, nhiều bạn đọc ngày ngày hối thúc NXB Kim Đồng tái bản. Đây là ấn bản “Lĩnh Nam chích quái” đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đầy đủ nhất về tư liệu, khảo cứu; có tranh minh họa màu đẹp, độc đáo và lạ mắt; giữ lại gần nguyên vẹn nội dung tác phẩm của các tác giả qua bản dịch của học giả Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San; Vũ Quỳnh, Kiều Phú (nhuận chính).

Họa sĩ Tạ Huy Long

Thách thức trí tưởng tượng

Tạ Huy Long cho rằng bản thân “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp đã thu hút bạn đọc ngay từ ý nghĩa cái tên của nó: những chuyện kỳ quái nước Nam. Cuốn sách gồm 36 truyện mang sắc màu huyền sử, vừa có thần thoại, truyền thuyết, cổ tích Việt Nam, sự tích thời Bắc thuộc, lại có phong tục tập quán lâu đời, các yếu tố văn hóa, lịch sử…, thể hiện những tư tưởng, tình cảm rất phóng khoáng, là tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần dân gian. Đồng thời, tác phẩm thấm nhuần một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, thái độ của nhân dân: yêu điều thiện, bảo vệ chính nghĩa; ghét điều ác, đấu tranh với phi nghĩa, đề cao những mối quan hệ tốt đẹp thủy chung giữa người với người…

Khi NXB Kim Đồng có kế hoạch in, Tạ Huy Long tự hỏi tại sao không vẽ minh họa cuốn sách này để nó có một cuộc sống khác. Sức hấp dẫn của tác phẩm đã thôi thúc anh đề nghị thực hiện cuốn sách như một tác phẩm artbook - sách tranh khổ lớn. Dù hào hứng, phấn chấn, nhưng anh đã ngẫm ngợi hơn một tháng trời: Vẽ một cái gì đó không rõ nguồn gốc nhưng phải rất thân thuộc,  trong khi huyền sử Việt còn xa xăm, mờ ảo và tràn ngập yếu tố thần linh. Đó vừa là thử thách vừa là nguồn cảm hứng. 

Thời gian ấy, anh đọc thật kỹ bản thảo, gạn lọc những điều từng thấy để hình dung ra những không gian, chi tiết kỳ ảo trong “Lĩnh Nam chích quái”. Rồi trong đầu anh bắt đầu hiện lên cuốn sách sẽ ra sao, khuôn khổ, màu vẽ thế nào…

Suốt quá trình thực hiện sách, anh và các cộng sự đã có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Tạ Huy Long dàn trang, thực hiện trên bản giấy tỉ lệ 1:1 với sách in về sau, cụ thể từng tranh vị trí nào, rồi bắt tay ngay vào vẽ. Anh đánh giá cao cộng sự của mình, họa sĩ Tạ Quốc Kỳ Nam trong việc trình bày chuẩn xác, chọn phông chữ, làm trang gác, cùng anh trao đổi ra bìa sách hoàn chỉnh.

Vì đã suy nghĩ rất kỹ, nên anh vẽ trôi chảy. Hơn 200 bức tranh minh họa trong “Lĩnh Nam chích quái” được vẽ tay thủ công, mang phong cách giống tranh khắc gỗ: 1 bản nét đen, 1-2 bản màu; tạo cảm giác mộc mạc, thân thuộc mà hoài cảm, tác động mạnh tới thị giác người xem. Tuy gần gũi với cách làm tranh truyền thống của người Việt, song rất phù hợp với xu thế hiện đại - cách làm đồ họa mạch lạc, dứt khoát và kiệm màu. Khác với kinh nghiệm vẽ màu nước anh thường dùng trước đây, anh chọn màu acrylic vẽ trên giấy, màu ổn định, phẳng, bền sắc, gần giống với phẩm màu. Đặc biệt anh sử dụng màu vàng nhũ, một vàng ánh kim hào hoa và quyến luyến.

Lạc Long Quân chém Ngư tinh

Văn hóa bồi tích từ đời sống

Các nhân vật trong sách mang tính biểu tượng, có những bản sắc, cá tính riêng. Dưới nét vẽ Tạ Huy Long, các nhân vật được cường điệu. Để lột tả được các nhân vật anh tận dùng từng chi tiết, câu chữ miêu tả trong bản thảo. Ví như nhân vật Hồ Tinh trong truyện chỉ tả là một con cáo 9 đuôi, anh biến nó thành dáng hình người phụ nữ rất bí hiểm, quyền lực nhưng đầy vẻ quyến rũ, chiếc quạt giấu hình ảnh cái miệng để nổi bật đôi mắt, bàn tay; hay nhân vật Lý Ông Trọng dữ dằn, hung bạo, có sức khỏe không ai địch nổi, họa sĩ đã cường điệu tỉ lệ, tạo hình mạnh với vai đẩy rộng, hình ảnh lúc tuẫn tiết trong mênh mang trời đất làm người xem xúc động.

Bận rộn với công việc ở NXB, nhưng Tạ Huy Long vẫn làm việc  đầy hào hứng. Những bức đại cảnh có không gian rộng, anh vừa phải biết tổ chức sắp xếp bố cục, màu sắc tương phản, vừa vẽ trong trí tưởng tượng thăng hoa. Anh mong mọi người khi cầm sách trên tay sẽ đắm chìm vào cảm xúc suy tư… chính bối cảnh sẽ tác động lại nhân vật khiến nhân vật có đời sống, sắc thái, tình cảm. Đọc “Lĩnh Nam chích quái”, tâm thức người đọc như được chạm vào những vùng đất đầy màu sắc cổ tích, thấm đẫm không khí tâm linh để thấy được không gian sống của người Việt xưa.

“Vẽ nhiều rồi tích tụ dần - không còn phải quan tâm đến phong cách nữa” - Tạ Huy Long chia sẻ. Như bồi tích của dòng sông, quá trình anh học, làm việc, sống trong đời sống tạo nên chất Việt cho bức tranh. Tưởng chừng những điều có trong sách xa lắm nhưng vẫn có mối dây liên kết với hiện tại. “Lĩnh Nam chích quái trở thành một tác phẩm được yêu mến, và có lẽ họ sẽ yêu mến tâm tưởng của họa sĩ. Có lẽ tác phẩm không chỉ dành cho giới học giả hay lớp người đứng tuổi mà còn khiến cả giới trẻ quan tâm, thích thú. Anh đã thành công trong việc tạo một thế giới khác qua tranh, mang tinh thần khác, hiện đại hơn dám phá bỏ những cấu trúc trước đây anh đã xây dựng lên.

Hơn 200 bức tranh minh họa trong “Lĩnh Nam chích quái” được vẽ tay thủ công, mang phong cách giống tranh khắc gỗ: 1 bản nét đen, 1-2 bản màu; tạo cảm giác mộc mạc, thân thuộc mà hoài cảm, tác động mạnh tới thị giác người xem