Người lính phi công kể chuyện
24,500₫
35,000₫
(Bạn đã tiết kiệm được 10,500₫)
Mã Kim Đồng:
6241410060009
- ISBN: 978-604-2-37317-3
- Tác giả: Nguyễn Công Huy
- Đối tượng: Thiếu niên (11 – 15)
Tuổi mới lớn (15 – 18)
Tuổi trưởng thành (trên 18 tuổi)
Phụ huynh - Khuôn Khổ: 14,5x20,5 cm
- Số trang: 132
- Định dạng: bìa mềm
- Trọng lượng: 160 gram
- Bộ sách: Tủ sách gương thanh thiếu niên anh hùng
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc, lập nên chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, buộc đế quốc Mỹ phải kí Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Góp phần trong chiến thắng vang dội này, có sự đóng góp không nhỏ của Lực lượng Không quân Tiêm kích của Quân chủng Phòng không – Không quân. Cựu phi công máy bay tiêm kích Nguyễn Công Huy là một nhân chứng sống, đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên bầu trời Thủ đô vào những ngày tháng ác liệt nhất ấy. Tác giả đã kể lại hành trình của một người lính phi công, từ khi chập chững bước chân vào đời lính, đến những ngày đầu tiên bỡ ngỡ với bầu trời, cho đến những trận không chiến nảy lửa năm 1972.
Dõi theo hành trình ấy, độc giả sẽ được hiểu hơn về cuộc sống của những người lính bay, đặc thù của những cuộc chiến trên không, để thêm khâm phục trước trí tuệ, bản lĩnh của người lính, xúc động trước những hi sinh và sự khốc liệt của chiến tranh. Dù kể về chiến tranh, nhưng trong cuốn sách vẫn hiện lên đâu đó những hào sảng, nụ cười người lính phi công giữa hiện thực khắc nghiệt của thời chiến.
Cuốn sách bắt đầu từ thời điểm người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Công Huy rời làng quê và mái trường phổ thông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để nhập ngũ. Anh là một trong số các chiến sĩ được cử đi Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống học tập nơi xa xứ, các học viên bay trẻ tuổi đều một lòng quyết tâm sớm làm chủ máy bay và bầu trời, tôi luyện ý chí để trở về quê nhà chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Phần sau của cuốn sách là không khí chiến đấu sục sôi của các phi công tiêm kích Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Qua lời kể của tác giả Nguyễn Công Huy, người đọc sẽ phần nào hình dung ra sự ác liệt trên bầu trời miền Bắc, khi lực lượng không quân tiêm kích non trẻ của ta đối đầu với không quân Mỹ hùng hậu, thiện chiến. Từng khoảnh khắc chiến đấu của các phi công Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều… sẽ khiến ta thêm khâm phục và xúc động trước bản lĩnh và ý chí của các bậc cha anh.
Cuộc chiến đã qua đi, những người lính người còn, người mất, người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Được nghe và đọc những hồi ức từ thế hệ cha anh là điều quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay. Với ý nghĩa ấy, nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (1972-2022), Nhà xuất bản Kim Đồng trân trọng gửi tới độc giả cuốn sách này. Hi vọng bạn đọc hôm nay sẽ thêm tự hào về cha anh đi trước và tiếp nối xứng đáng những bước chân anh hùng.
“Chiến trường trên không không có chiến hào, máy bay chỉ bay tiến, không biết dừng, không biết lùi. Bầu trời mênh mông không có nơi ẩn nấp. Dầu liệu có hạn, không thể bay từ sáng tới chiều, từ ngày này sang ngày khác được. Pháo ở mặt đất, các loại súng phòng không, các loại tên lửa phòng không bắn lên nhằng nhịt như những bức tường lửa. Hòn tên, mũi đạn bấy giờ đâu phân biệt được địch, ta. Đồng đội chỉ một vài người, có khi không có ai. Vào trận rồi, nháo nhào không sao liên lạc với nhau qua đối không được vì nhiễu…” - Nguyễn Công Huy -
“Những cuộc chiến tranh, những trận chiến ở mọi nơi đã kịp tôi luyện, hun đúc cho tôi đủ cứng cáp, nuôi dưỡng cho tôi đủ ý chí để đương đầu với mọi khó khăn; cho tôi những bài học, những kinh nghiệm để tôi có thể lăn lộn trong cuộc sống, đứng vững được và cơ bản nhất, đó là dạy cho tôi biết làm người!” - Nguyễn Công Huy -
“Trực chiến!... Báo động chuyển cấp!... Xuất kích chiến đấu!... Những việc ấy xảy ra lặp đi lặp lại liên tục trong suốt thời gian cuối tháng 12 năm 1972. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi xen kẽ giữa các lần báo động, các phi công vẫn ghi nhật kí, vẫn viết thư về cho gia đình, cho người thân. Mà không phải lần viết nào cũng kết thúc trọn vẹn. Rất nhiều dòng nhật kí phải bỏ dở, nhiều bức thư phải ngắt quãng giữa chừng vì có lệnh báo động, vì phải xuất kích chiến đấu.” - Nguyễn Công Huy -