Phiên tòa án quân sự đặc biệt xử Lê Quang Vịnh và 11 thanh niên, trí thức yêu nước khác của chính quyền Sài Gòn diễn ra vào ngày 23/5/1962. Mười hai thanh niên, trí thức yêu nước Sài Gòn - Gia Định bị Tòa án quân sự ngụy quyền Sài Gòn tuyên án hà khắc: Tử hình 4, chung thân 4 và 4 người cuối cùng với mức án từ 5 đến 15 năm tù. Trong số họ, giáo sư 26 tuổi Lê Quang Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động miền Nam, Việt Nam khu Sài Gòn – Gia Định, Trưởng ban cán sự Sinh viên, [xiii] người đứng đầu phong trào tri thức đương thời chống Mỹ - ngụy bị kết án tử hình. [xiv]
Câu nói nổi tiếng của tử tù Lê Quang Vịnh tại “phiên tòa lịch sử” này: “Tôi chỉ ân hận là đã chết quá sớm, chưa tiêu diệt hết bọn Mỹ xâm lược và Ngụy tay sai”, đã nhanh chóng truyền vang khắp cả nước, vang ra nước ngoài, trở thành động lực, thành niềm tin cho cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh hai miền Nam - Bắc nói riêng và cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc nói chung. Hàng trăm bài báo trong và ngoài nước đã viết về phiên tòa này, có cả phong trào đấu tranh đòi xóa bỏ bản án. [xv]
Gần một tháng sau ngày xử, đại tá ủy viên chính quyền Sài Gòn Lê Văn Khoa đến tận ngục tử hình ở khám Chí Hòa gọi là thăm, và đưa cho ông một cây bút, một tờ giấy trắng bảo làm đơn xin Tổng thống Ngô Đình Diệm ân xá. “Tôi đã dùng cây bút ấy viết lên tờ giấy ấy bài thơ Tiếng hát tử tù, rồi lén gửi ra bên ngoài theo một đường dây bí mật mà tôi tiếp cận được. Thật không ngờ bài thơ ấy đã ra tận Hà Nội chỉ trong vòng mấy tuần sau đó, và Đài Tiếng nói Việt Nam đã quảng bá bài thơ ra khắp đất nước”, ông kể. Bao lớp thanh niên yêu nước thời ấy thuộc nằm lòng bài thơ của ông bởi những câu chân tình mà rực lửa, như:
“Đi cho trọn con đường đi quá nửa.
Vững niềm tin sắt đá đời đời
Quân thù dù giết được một mình tôi
Đâu giết được cả loài người đang đứng dậy?
Trao đồng chí tâm tình tôi đấy
Trước khi lên máy chém của quân thù.” [xvi]
Nhưng đến tháng 8/1962, ông lại bị đưa ra Côn Đảo. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Lê Quang Vịnh thoát án tử hình nhưng bị giam cầm suốt 14 năm, chịu bao cùm kẹp, tra tấn, cực hình “sống đi chết lại”, cho đến ngày đất nước được giải phóng. [xvii]
Bị sử dụng nhục hình, đau thừa sống thiếu chết để phải chào lá cờ của chính quyền Sài Gòn nhưng ông vẫn khảng khái: “Tôi không thể chào lá cờ chống lại dân tộc tôi, lá cờ được kéo lên từ máu của nhân dân tôi”, ông nói xong, chúng xông vào đánh ông tới tấp. [xviii] Trong phút đớn đau do đòn roi ấy ông đã cắn lưỡi, máu phun ra đỏ ướt áo bọn sai nha và một miếng lưỡi văng ra ngoài. Khiếp đảm trước chí khí của người tù, chúng hốt hoảng đưa bác sỹ vào khâu lưỡi rồi đưa ông vào hầm cùm chân suốt 1 năm. Đó là kỷ niệm được ông viết lại trong các tập sách "Đường đi", "Sóng Côn Đảo"… [xix] Ông nhớ lại: Chuyện áp đặt hô khẩu hiệu, hát Quốc ca kéo dài không phải ngày qua ngày, tháng qua tháng mà năm này qua năm khác. Rồi chúng kết tội “Vịnh là người cầm đầu xúi giục tù nhân đừng chào cờ, đừng hô”. [xx]
Dịp Tết Mậu Thân, Trung ương Chính phủ Ngụy đã đưa ông và ba anh em khác là Lê Minh Châu, Lê Hồng Tư, Trương Thanh Danh vào Sài Gòn. Chúng ra điều kiện chỉ cần hô khẩu hiệu "Đả đảo Hồ Chí Minh" là chúng sẽ thả về Mặt trận của Việt Cộng. Anh em ôm nhau mà nức nở khóc. Những lời dụ dỗ, đòn roi đớn đau nhưng bốn anh em vẫn nhủ nhau: "Về mà không còn khí tiết thì thà chết chứ về làm chi". [xxi]
Sau này, ông vẫn giữ nhiều kỷ vật gợi nhắc ông đến những người đồng chí, những người bạn tù cùng ông sống chết một thời kỳ khốc liệt. Đó là chiếc giỏ mây được những người tù khổ sai đan tặng nhân dịp nhà tù cho mẹ vào thăm nuôi 6 tiếng ngắn ngủi. Chiếc giỏ nhỏ chứa đựng tình cảm anh em, nắp giỏ có hai chữ "Côn Đảo" trên màu đỏ, dưới xanh, giữa đính 1 hạt đậu màu vàng với ngụ ý là lá cờ giải phóng, là quyết tâm nguyện hiến dâng cho tới chết vì sự thống nhất đất nước. Mẹ ông đã mang chiếc giỏ mây ấy về đất liền, cẩn trọng đặt lên bàn thờ. Ngày giải phóng về, bà trao lại cho ông mà nước mắt hai mẹ con không ngừng chảy. Với ông, nó là báu vật kháng chiến, là câu chuyện thiêng liêng cảm động khắc cốt ghi tâm. [xxii]
Ông cũng lưu giữ trong bảo tàng cá nhân "Hòn đá mạng người" Côn Lôn. Giới thiệu về nó, ông kể: "Hồi ấy chúng hành hạ dữ lắm, 5 người khiêng không xuể, chúng bắn bỏ một người cho mình sợ, còn 4 người cũng lo mà khiêng”. Ông còn giải thích: "Hòn đá ở đâu chẳng có, nhưng hòn đá Côn Lôn trở thành chứng tích một thời máu tắm đá nên nó là di vật quý giá của đời tôi".[xxiii]
Ông cũng giữ một bức tranh thêu của người bạn tù Mười Còm, thêu hình ảnh Bác Hồ để tặng ông. [xxiv]
Và giữ cả chiếc còng cùm giữ chân tử tù Lên Quang Vịnh suốt 8 năm; cho đến ngày 1/5/1975, đôi chân đã bại, bỗng ông nghe từ ngoài cửa hầm có người gọi: "Vịnh, Vịnh ơi, có phải Vịnh đó không?". Đã lâu không có ai gọi bằng giọng thân mật, trong lao toàn bị chúng xưng tao, hô mày, thằng. Ông cố rướn cổ kêu: "Vịnh đây, nhưng Vịnh đang bị còng". [xxv]
Khóa cửa đã mở, một người tay cầm súng lục, áo mang băng đỏ bước vào, hô lớn: "Giải phóng rồi Vịnh ơi, giải phóng rồi!". Anh bạn mừng rỡ chạy tới, ông Vịnh khập khiễng bước ra, đụng nhau ở bục cửa nước mắt giàn giụa chảy và ngất lịm vì kiệt sức. Tỉnh dậy, nước mắt không ngớt rơi, bạn đỡ dậy và đưa tới tổ chức. [xxvi]
Đến nơi, ông ngồi bệt xuống nền đất, rút tờ giấy kẻ ngang học trò và viết bài hát “Chào tự do”. Vừa viết, nước mắt không kìm lại được, cứ thế tuôn nhòe nét chữ. Câu chuyện đẹp nhất và cũng là đau đớn nhất cuộc đời ông bỗng ca lên thành nốt nhạc, khúc hát. [xxvii]
Cuộc đời và nhân cách, ý chí kiên cường của người tử tù nổi tiếng này là một pho truyện lạ lùng và hấp dẫn. [xxviii]
Nhà thơ, Nhà báo Ngô Minh đã viết “Có những con người bình thường như bao người khác, nhưng cuộc đời của họ lại khảm vào lịch sử đất nước, khảm vào trái tim, trí nhớ của bao thế hệ trẻ Việt Nam. Một trong những người đó là tử tù Lê Quang Vịnh, một người cộng sản trẻ, một thanh niên trí thức hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Ðịnh trước ngày miền Nam giải phóng”.[xxix] “Cuộc đời Lê Quang Vịnh có quá nhiều điều lớn lao và lạ lùng về ý chí và nhân cách mà thế hệ trẻ hôm nay nhiều người con chưa biết” [xxx]
“Lê Quang Vịnh và các anh
Tiểu đội anh hùng của tuổi xanh
Mười hai tên mạnh như tên lửa
Chấp hết gươm treo án tử hình
Như dãy Trường Sơn đứng giữa trời
Mưa nguồn chớp biển mặt càng tươi
Các anh quắc mắt nhìn quân giặc
Gươm sát đầu xanh miệng vẫn cười…” [xxxi]
Đó là những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về Lê Quang Vịnh và đồng đội vào năm 1962 trong bài “Tiểu đội anh hùng” [xxxii]
Thống nhất đất nước, công cuộc xây dựng hòa bình, trăm công ngàn mối, ông gánh vác nhiều công việc quan trọng như: Thường vụ Đặc khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo, kiêm Bí thư Huyện ủy Côn Đảo; Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, kiêm Phó ban Dân vận Trung ương Đảng. [xxxiii] Ở cương vị nào, ông luôn cố gắng hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ được giao. [xxxiv]
Ông đã đúc rút ra bài học cho mình: “Đi trên đường cách mạng chân chính, chúng ta sẽ được đồng bào, đồng chí, quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ; nỗi bất hạnh sẽ biến thành niềm hạnh phúc”. [xxxv]
Trong cuộc sống hòa bình, ông vẫn có những lúc “cồn cào nhớ đến những người bạn tù của mình còn sống hay đã nằm xuống ở nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo. Nhớ lắm, nhớ lắm… ”. [xxxvi]
Đó là khi ông viết nên tác phẩm “Chị Sáu ở Côn Đảo” và gửi gắm đến thế hệ tương lai những tình cảm chân thành dành cho nữ anh hùng Đất Đỏ - yêu thương, kính trọng. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản nhiều lần, giới thiệu đến bạn đọc nhỏ tuổi trên khắp cả nước.
[i] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[ii] Tác giả Ngô Minh - Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh.
[iii] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[iv] Tác giả Ngô Minh - Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh.
[v] Tác giả Ngô Minh - Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh.
[vi] Tác giả Ngô Minh – tác phẩm Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh.
[vii] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[viii] Tác giả Ngô Minh - Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh.
[ix] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[x] Tác giả Như Lịch – Báo Thanh niên
[xi] Tác giả Như Lịch – Báo Thanh niên
[xii] Tác giả Như Lịch – Báo Thanh niên
[xiv] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[xv] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[xvi] Tác giả Như Lịch – Báo Thanh niên
[xvii] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[xviii] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xix] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xx] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xxi] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xxii] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xxiii] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xxiv] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xxv] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xxvi] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xxvii] Tác giả Quang Tám - Bảo Hoà trên báo Pháp luật Việt Nam
[xxviii] Tác giả Nguyễn Đình San trên Văn nghệ Công an
[xxix] Tác giả Ngô Minh - Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh.
[xxx] Tác giả Ngô Minh - Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh.
[xxxi] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[xxxii] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[xxxiii] Tác giả Anh Phong – Báo Thừa Thiên Huế cuối tuần
[xxxiv] Tác giả Nguyên Dũng - Báo Thanh Tra
[xxxvi] Tác giả Anh Phong – Báo Thừa Thiên Huế cuối tuần
Đóng lại