cart.general.title
Thạch Lam

Thạch Lam

- Văn chương của ông làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn -

Những nhân vật trong các tác phẩm của ông dù ở bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa nhưng trong tâm hồn của họ vẫn ánh lên cái chất lòng nhân ái của con người Việt Nam. Đọc truyện ngắn Thạch Lam ta thấy được sự yêu thương và quý trong con người với nhau hơn và cũng chính từ đó tác cảm thấy được sự thương cảm trong mỗi một con người.

Thạch Lam, sinh ngày mùng 7 tháng Bảy năm 1910, mất ngày 28 tháng 6 năm 1942, tên thật của ông là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có bút danh khác  là Việt Sinh. Ông sinh tại Hà Nội, trong một gia đình gốc quan lại, là em ruột của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo.

Có một thời gian Thạch Lam sống với gia đình ở quê ngoại là phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Học xong Cao đẳng tiểu học, rồi học trường Trung học Anbe Sarô, đỗ Tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam ra làm báo cùng với các anh và chuyên viết văn. Ông đã tham gia biên tập tuần báo Phong Hóa (sau đổi tên thành Ngày Nay) của Tự lực văn đoàn. Thạch Lam mất vì bệnh lao tại nhà riêng ở làng Yên Phụ, Hà Nội. [i]

Tác phẩm chính của ông phải kể đến Gió đầu mùa (tập truyện ngắn – 1937), Nắng trong vườn (tập truyện ngắn – 1938), Ngày mới (truyện dài – 1939), Theo dòng (tập tiểu luận, phê bình văn học – 1941), Sợi tóc (tập truyện ngắn – 1942), Hà Nội 36 phố phường (bút ký – 1943).

Tuy là thành viên của Tự lực văn đoàn, nhưng Thạch Lam sáng tác theo một khuynh hướng riêng. Ông dành tấm lòng ưu ái xót thương cho những lớp người bình dân trong xã hội. Những tác phẩm của nhà văn Thạch Lam có rất nhiều những yếu tố hiện thực. Nét riêng, độc đáo, cái mạnh của Thạch Lam, đó chính là lòng nhân ái và những vẻ đẹp tâm hồn trong mọi tác phẩm của ông.  

Nhà văn viết xuất phát từ tình thương của một con người đa cảm, từng sống gần gũi với người bình dân. Ông chú trọng đến thế giới nội tâm, đến những trạng thái tâm lý tinh vi của con người, nâng niu các cảm giác, phát hiện và diễn tả tài tình những vẻ đẹp tâm hồn.

Thời gian hoạt động văn chương không dài, chỉ vẻn vẹn mười năm nên những tác phẩm mà ông để lại khá khiêm tốn về số lượng và hầu như đều được đăng ở trên báo.Tuy những sáng tác để lại không nhiều nhưng văn chương của Thạch Lam đã có những đóng góp lớn về nghệ thuật ngôn ngữ và có ảnh hưởng sâu đậm trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.

Nhiều truyện của Thạch Lam được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan xếp vào hạng “những đoản thiên tiểu thuyết đáng kể hay nhất trong văn chương Việt Nam”. [ii]

“Lời văn Thạch Lam nhẹ nhàng, trong sáng, nhiều khi thâm trầm kín đáo và giàu nhịp điệu. Ấy là sự thâm trầm, kín đáo của một con người từng trải, giàu lòng trắc ẩn với cuộc đời, với mọi người, mọi vậy xung quanh. Ấy là sự trong sáng mà sâu sắc của một tâm hồn giàu suy tư và nhân ái gửi vào trang viết, vào nỗi lòng nhân vật.” [iii]

“Với tâm hồn đôn hậu, tinh tế, với tinh thần dân tộc và cách viết đặc sắc, Thạch Lam trở thành một phong cách truyện ngắn độc đáo trong nền văn học Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Ông đã để lại một dấu ấn khó  phai mờ trong lịch sử văn học dân tộc.” [iv].

Trong lời đề tựa của tập truyện ngắn Gió đầu mùa, Thạch Lam đã từng tâm sự quan niệm của mình về nghề văn: “Đối với tôi, văn chương không phải đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.”

Đó có thể coi là tuyên ngôn nghệ thuật mà trong suốt cuộc đời cầm bút ngắn ngủi ông luôn tôn trọng và theo đuổi.

                                                                                                         Thành Sơn

 

 


[i] Lê Quang Hưng (Từ điển Tác giả Tác phẩm Văn học Việt Nam dùng cho nhà trường – NXB Đại học Sư phạm)

[ii] Lê Quang Hưng (Từ điển Tác giả Tác phẩm Văn học Việt Nam dùng cho nhà trường – NXB Đại học Sư phạm)

[iii] Lê Quang Hưng (Từ điển Tác giả Tác phẩm Văn học Việt Nam dùng cho nhà trường – NXB Đại học Sư phạm)

[iv] Lê Quang Hưng (Từ điển Tác giả Tác phẩm Văn học Việt Nam dùng cho nhà trường – NXB Đại học Sư phạm)

 

Tác phẩm của Thạch Lam

Hà Nội băm sáu phố phường
-10%
Gió lạnh đầu mùa
-10%
39,600₫ 44,000₫