Những cuốn sách hay về nghề giáo
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách hay về nghề giáo, tình thầy trò, về gương sáng thầy cô trong sự nghiệp trồng người.
“Nghề thầy” (NXB Hội Nhà văn): Sách của nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng Hoàng Đạo Thúy, được xuất bản lần đầu tiên năm 1944, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị với những triết lý giáo dục sâu sắc. Điển hình như tác giả cho rằng nếu học sinh đến trường chỉ để “học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm...” là “sai lạc cả mục đích giáo dục”. Hay nghề giáo không chỉ dạy học mà là khai sáng kiêm hoạt động xã hội… Cuốn sách được viết như sự sẻ chia chuyện nghề của một người thầy, nhưng đến nay rất nhiều các vấn đề tác giả đặt ra và bàn luận vẫn được quan tâm.
“Mái trường thân yêu” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh): Là tác phẩm của thầy giáo Lê Khắc Hoan, kể câu chuyện có thật về học sinh tên Việt, vốn từ thị xã chuyển về trường huyện Lâm Thao do hoàn cảnh gia đình. Việt ở cùng bà nội và làm quen với thầy cô, các bạn, môi trường học tập mới. Việt vốn là học sinh học giỏi, nhất là môn toán; nhưng chưa hòa nhập được ở trường mới, nên xảy ra biết bao chuyện bi hài. Cũng từ đó, người đọc hòa cùng câu chuyện chân thật và cảm động về tình thầy trò, tình bạn ở một ngôi trường trong thời chiến tranh bom đạn...
“Những người thầy trong sử Việt” (NXB Kim Đồng): Các tác giả Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Như Mai đưa người đọc tìm hiểu về những người thầy đặc biệt trong lịch sử. Đó là câu chuyện cuộc đời vinh quang và thăng trầm của cụ Lê Văn Thịnh, Trạng nguyên khai khoa đầu tiên, hầu học cho Thái tử Càn Đức, con vua Lý Thánh Tông. Hay câu chuyện về người thầy được tôn vinh là “vạn thế sư biểu” Chu Văn An. Hoặc chân dung họa sĩ Tardieu đã dành nửa cuối cuộc đời xây dựng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương…
“Từ bục giảng tới văn đàn - Chân dung 25 người thầy” (NXB Trẻ): Cuốn sách được tác giả Trần Hữu Tá kể về 25 giáo sư với tấm lòng đạo đức, tâm huyết với nghề vào nửa đầu thế kỷ 20. Ngoại trừ giáo sư Dương Quảng Hàm và Trương Vĩnh Ký thì 23 giáo sư khác đều là đồng nghiệp của tác giả nên bên cạnh giới thiệu các cống hiến, tác giả còn kể lại các kỷ niệm riêng, nói về tính cách, nhân phẩm và đời sống thường ngày của các thầy.
“Ông giáo làng trên tầng gác mái” (NXB Thế giới): Là tự truyện của tác giả Nguyễn Thế Vinh. Ông là một trong những người thầy đại diện cho nỗ lực phi thường, lạc quan giữa nghịch cảnh và trên hết đó là lòng kiên nhẫn, sự trách nhiệm, nghiêm khắc nhưng luôn dành trọn yêu thương cho bao thế hệ học trò.
“Tôi học đại học” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh): Là cuốn tự truyện nổi tiếng của nhà văn - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người thầy với nghị lực phi thường dù bị liệt hai tay từ năm 4 tuổi, đã viết bằng chân. Xuyên suốt cuốn sách, người đọc sẽ thấy sáng ngời một tấm gương vượt khó, tâm hồn lạc quan yêu cuộc sống của một người thông minh, hiền lành nhưng kém may mắn. Quyển sách còn truyền tải thông điệp về sự yêu thương, sẻ chia của những con người nhân hậu, luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để giúp đỡ kẻ khó, những người thầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục…
“Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội): Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kết hợp với Katherine Weare, một nhà giáo dục, để cho ra đời tác phẩm. Quyển sách là sự tôn vinh dành cho những người đang thực hiện sứ mệnh trồng người với những cống hiến, sự hy sinh thầm lặng. Sách được chia thành 2 tập gồm “Cẩm nang hạnh phúc” và “Đi như một dòng sông”.
“Đề tặng thầy cô - Lớp học yêu thương” (NXB Trẻ): Sách do nhiều tác giả viết, không chỉ mang đến câu chuyện cảm động về tình thầy trò, tình bạn mà còn đọng lại trong người đọc lòng biết ơn thầy cô bởi những giá trị nhân văn mà người thầy mang đến. Sách là lời tri ân, cảm ơn sâu sắc tới công lao to lớn của thầy cô.
Nguồn: Báo Cần Thơ