'Xuất bản sách tài chính góp phần giảm thiểu rủi ro lừa đảo'
Mục tiêu góp phần giúp người Việt giảm rủi ro tài chính đã thôi thúc tác giả Lê Thị Thúy Sen xuất bản cuốn “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” chỉ trong vòng vài tháng.
Xuất phát từ việc tìm kiếm sách dạy con các kiến thức tài chính và những câu chuyện "mất tiền oan" của nhiều người, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - đã kết hợp cùng với họa sĩ Bùi Đình Thăng (Thăng Fly) cho ra mắt cuốn truyện tranh "Khéo khôn với tiền - tránh những ưu phiền".
Cuốn truyện tranh nói về những chủ đề vốn khô khan, mang nặng tính chuyên môn nhưng được diễn giải dễ hiểu, dễ nhớ với gần 30 câu chuyện xoay quanh kiến thức cơ bản liên quan đến tài chính, tiền tệ, đầu tư.
Mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức chương trình giao lưu cùng tác giả Lê Thị Thúy Sen và hoạ sĩ Thăng Fly tại đường sách TP.HCM.
Tác giả Lê Thị Thúy Sen và hoạ sĩ Thăng Fly trong chương trình giao lưu tại đường sách TP.HCM. Ảnh: BTC.
Xuất bản sớm ngày nào, người Việt đỡ bị lừa đảo ngày đó
- Vì sao bà có ý tưởng viết truyện tranh về tài chính. Thông qua cuốn sách bà mong muốn truyền tải thông điệp gì?
- Với 20 năm làm trong lĩnh vực liên quan đến tài chính - ngân hàng, truyền thông, bảo hiểm tiền gửi, tôi chứng kiến rất nhiều bi kịch do thiếu hiểu biết về tài chính. Thậm chí, có gia đình vợ mang tiền để dành xây nhà đầu tư vào chứng khoán nên chỉ xây nhà được 1 tầng thay vì 3 tầng như kế hoạch.
Hay như TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - từng kể có người bạn là tiến sĩ đã mất 470 triệu đồng do bị lừa mất tiền qua mạng khi cung cấp dữ liệu cá nhân cho kẻ xấu. Hoặc nhiều người đi gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán do thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng tài chính cũng mất tiền.
Ngoài ra, tôi có hai con trai đang ở tuổi trưởng thành. Trong quá trình tìm sách để dạy con về kiến thức tài chính, tôi nhận thấy sách giáo dục tài chính ở Việt Nam chủ yếu là nhập ngoại và những kiến thức này được viết rất khó hiểu.
Chính vì vậy, tôi mong muốn có 1 cuốn sách giúp phụ huynh có thể chia sẻ kiến thức tài chính với con mình, giúp trẻ con định hình được giá trị đồng tiền, giá trị sức lao động, yêu lao động, thương bố mẹ để cố gắng trong cuộc sống...
Lúc biết tôi viết cuốn sách này, TS Lê Xuân Nghĩa còn nói với tôi rằng cố gắng ra sách sớm ngày nào thì tốt cho cộng động ngày đấy. Do vậy, chúng tôi đã làm ngày làm đêm để ra mắt cuốn sách này sớm nhất có thể.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NHNN.
- Đâu là việc khó khăn nhất trong quá trình bà hoàn thành cuốn sách này?
- Khó khăn nhất là làm sao truyền đạt kiến thức về tài chính, ngân hàng mà ai đọc cũng gặp hình ảnh mình ở đó, dễ hiểu, dễ áp dụng và giàu tính nhân văn. Ca dao, tục ngữ, lịch sử dân tộc đã giúp tôi dẫn dắt kiến thức tài chính, ngân hàng một cách mộc mạc, dễ hiểu. Với hình thức truyện tranh, tôi nghĩ độc giả sẽ cảm thấy thú vị và hấp dẫn hơn khi đọc, phù hợp với mọi lứa tuổi.
- Cuốn sách đã trở thành best seller của nhà xuất bản Kim Đồng trong thời gian gần đây. Bà cảm thấy thế nào khi tác phẩm của mình được đón nhận như vậy?
- Khi chúng tôi xuất bản cuốn sách, phần thưởng lớn nhất mà chúng tôi mong muốn là được cộng đồng ghi nhận những giá trị nó mang lại. Chúng tôi không đặt ra mục tiêu trở thành best seller gì cả. Do vậy, chúng tôi thật sự bất ngờ khi được mọi người đón nhận, điều đó làm chúng tôi thật sự hạnh phúc. Không chỉ tôi, mà cả ekip đều rất phấn khởi.
- Bà có thể giới thiệu ngắn gọn về nội dung cuốn sách?
- Cuốn sách này có 3 chương và gần 30 câu chuyện được dẫn dắt một cách mộc mạc, dễ hiểu qua gần 80 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ và truyền thống văn hóa Việt Nam. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng về lòng nhân ái, sự hiếu nghĩa, tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn và yêu lao động qua những câu chuyện.
Ở Chương 1, chúng tôi viết về lịch sử của tiền, giá trị kinh tế, xã hội của tiền, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử, lạm phát, giảm phát... ứng xử trong giao dịch nội tệ, ngoại tệ... Chương 2 cung cấp những kiến thức về ngân hàng, kỹ năng, lưu ý gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán... Chương 3 là những hiểu biết về đầu tư tài chính như chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân...
- Câu chuyện nào khiến bà trăn trở và mất thời gian nhất trong cuốn sách?
- Đó là câu chuyện về những sản phẩm tài chính như trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ đầu tư, chứng chỉ tiền gửi. Riêng phần này tôi phải đọc mấy trăm trang tài liệu và rất nhiều văn bản pháp quy để làm sao câu chuyện này được độc giả hiểu một cách đơn giản, dễ nhớ, nhưng vẫn đúng bản chất kinh tế của mỗi loại sản phẩm tài chính.
Hy vọng cuốn sách sẽ trở thành học liệu tài chính toàn cầu
- Bà nhìn nhận thế nào về kiến thức tài chính của người Việt. Làm sao để người Việt biết cách chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư tốt hơn, đảm bảo an toàn tài chính?
- Tôi nghĩ nhu cầu về giáo dục tài chính rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt ở các nước phát triển. Tôi đã tham dự Hội thảo quốc tế do Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) tổ chức vào tháng 7 ở Hong Kong, nhiều quốc gia cũng đã nêu vấn đề quan trọng nhất của việc giáo dục tài chính là kiến thức về thanh toán trực tuyến. Khi người dân được trang bị kiến thức tài chính tốt, họ sẽ giảm thiểu được những rủi ro tài chính cho bản thân, gia đình và xã hội.
Như TS Lê Xuân Nghĩa có nói ở Việt Nam hiện nay, hiểu biết tài chính của cộng đồng còn hạn chế nên nhiều người bị mất tiền, gặp các rủi ro. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ là một học liệu để người dân có thể tiếp cận kiến thức tài chính một cách đơn giản và dễ hiểu hơn từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt với cộng đồng.
Sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”. Ảnh: Liên Phạm.
- Bà có kế hoạch đưa tác phẩm của mình ra ngoài Việt Nam, hướng đến độc giả quốc tế không?
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ làm việc với các tổ chức, chuyên gia quốc tế với hy vọng cuốn sách này có thể trở thành một trong những tài liệu liên quan đến giáo dục tài chính trên toàn cầu.
Hôm trước, chị Anna Szalwicki - Phó điều phối viên Dự án hợp tác các Ngân hàng Tiết kiệm Đức DSIK khu vực Đông Nam Á - cũng đang tìm hiểu về cuốn sách và thậm chí chị ấy đã đặt 10 cuốn để giới thiệu đến các nước khác. Chị Anna kỳ vọng cuốn sách này nằm trong học liệu tài chính chung của thế giới, và chúng tôi cũng xúc tiến để làm việc đó.
Hiện tại, chúng tôi đã dịch đến Chương 2. Chúng tôi quyết tâm làm được việc ấy để có thể lan tỏa kiến thức này ra thế giới.
- Sau cuốn sách này và được đón nhận, bà có dự định viết thêm cuốn nào không?
- Thật ra "những điều chúng ta biết chỉ là 1 giọt nước, và những điều chúng ta không biết là cả 1 đại dương". Có rất nhiều thứ mà bản thân tôi hôm nay sẽ không biết được điều gì sẽ nảy sinh trong cuộc sống muôn màu. Những câu chuyện trong cuốn sách này là câu chuyện của cuộc sống, thực tiễn, xã hội, là vấn đề mọi người quan tâm hiện nay. Tôi không phải người viết sách chuyên nghiệp, tôi mong muốn đóng góp được những giá trị dù còn khiêm tốn và nhỏ bé đã tích lũy trong quá trình công tác đến cho cộng đồng. Còn viết tiếp hay không thì phải học hỏi thêm, còn phải chứng kiến thêm, tích lũy nhiều thêm, biết đâu 20-30 năm sau nữa hoặc có duyên tôi có thể viết tiếp (cười).
Nguồn: Zing