cart.general.title

Lan tỏa tinh thần “Dân ta phải biết sử ta”

Thành lập và hoạt động bền bỉ suốt 3 năm qua, “Sách nhà mình” là dự án tạo định hướng về sách để cho cả con và bố mẹ cùng đọc. Với nhiều phương thức sáng tạo, nhằm mục tiêu “hâm nóng”, lan tỏa tinh thần “Dân ta phải biết sử ta”, dự án đặc biệt quan tâm tới dòng sách lịch sử, kết hợp tổ chức các buổi lịch sử ngoại khóa, tạo điều kiện để học sinh được trò chuyện cùng các nhà văn viết về đề tài lịch sử. Giám đốc dự án “Sách nhà mình” Lê Thùy Dương đã chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần về thực tiễn hoạt động xung quanh nội dung này.

Một hoạt động trải nghiệm vui cùng sách của dự án “Sách nhà mình” tại Phố sách Xuân Quý Mão 2023.

- Với thực tiễn hoạt động 3 năm qua, chị nhìn nhận thế nào về hiệu quả phương thức học ngoại khóa về lịch sử thông qua trò chuyện giao lưu giữa học sinh và nhà văn viết về lịch sử?

- Lịch sử nói riêng và dòng sách kiến thức nói chung là nội dung nền tảng, cần có thời gian thẩm thấu, nên với thời gian hoạt động 3 năm qua của “Sách nhà mình”, chúng tôi cũng mới chỉ xác định mang tính thăm dò, “đánh thức” các đối tượng độc giả, qua đó cùng các nhà xuất bản lớn, các diễn giả, tác giả, các tổ chức thiện nguyện, các nhóm sách online uy tín hướng độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi đến với những dòng sách chủ đề mà chúng tôi cho là quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người. Lịch sử là một mảng quan trọng, được xác định là hoạt động nền tảng của “Sách nhà mình”.

Với quan điểm như vậy, kể từ khi hình thành cho tới nay, chúng tôi mới nhìn thấy sự đón nhận hứng thú từ các đối tượng liên quan đối với hoạt động này, còn tính hiệu quả thì phải nói thật là chưa đánh giá được cụ thể. Nhưng như thế cũng là mừng rồi, vì với bất kỳ việc gì, sự hứng khởi là điểm quan trọng.

Tôi ví dụ: Có bạn nhỏ chưa có thói quen đọc sách nói chung, chứ chưa nói đến dòng sách kiến thức, trong đó có sử, khi kết thúc một buổi trải nghiệm cùng dự án tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (theo một chương trình được chúng tôi thiết kế riêng), bạn ấy đã quyết tìm đọc những cuốn sách, bộ sách mà các trò chơi hôm đó có nhắc đến. Bạn ấy thổ lộ với mẹ: "Trò chơi rất hay nhưng con không hiểu cô và các bạn nói cái gì". Có gia đình trước đây không đọc "Sử Việt", nhưng sau khi gặp gỡ “Sách nhà mình”, họ đã thay đổi quan điểm và tìm tiếp các cuốn sách khác về dòng chủ đề này.

Hay tại các sự kiện ở trường học, các em cũng rất nhiệt tình tương tác bằng cách giơ tay trả lời câu hỏi, nán lại để hỏi tác giả, diễn giả sâu hơn, hoặc đơn giản là ghi lại các phiếu cảm nhận sau chương trình: Vui, ý nghĩa, hiểu hơn về những con đường, con phố xung quanh, thấy được sự kết nối các triều đại...

Có những thời điểm tỷ lệ học sinh tìm đọc sách sử tăng vọt sau khi triển khai chương trình. Đó là những tín hiệu đáng mừng mà chúng tôi nhận được. Còn sau đó, sẽ phải có thêm rất nhiều việc của nhiều bên thì mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Chúng tôi xác định là còn rất nhiều việc phải làm.

- Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm của dự án trong quá trình triển khai nội dung này ở một số trường học?

- Kịch bản tốt (đạt chuẩn kiến thức và hấp dẫn), có diễn giả phù hợp, cùng với lòng nhiệt thành muốn lan tỏa những giá trị cốt lõi - đó là những điều cơ bản khi xây dựng, triển khai và lan tỏa chương trình. Với tinh thần đó, chúng tôi may mắn nhận được sự ủng hộ của Nhà xuất bản Kim Đồng ngay từ những ngày “trứng nước”. Hai năm trước, chúng tôi có được sự hợp tác trên tinh thần cá nhân, nhờ sự hỗ trợ của tác giả Nguyễn Huy Thắng, một trong ba tác giả của bộ “Sử ta chuyện xưa kể lại".

Năm nay, Nhà xuất bản Kim Đồng và dự án “Sách nhà mình” đã ký kết hợp tác chính thức, cùng đồng hành trên mọi kế hoạch sự kiện, các chương trình ngắn hạn, dài hạn, và tuyệt vời là vẫn tiếp nối, hoàn thiện những bước đi ban đầu của “Sách nhà mình” trước đây.

Chúng tôi xác định, vì làm cho các em nhỏ, tại các trường học, nên kiến thức cung cấp phải vừa chuẩn mực, vừa hấp dẫn, cẩn trọng trong cách làm, đặc biệt là kênh trường học. Về địa bàn tỉnh, thành phố, chúng tôi xác định, độc giả đến với sách vở là công bằng như nhau ở mọi tầng lớp, mọi khu vực, vùng miền.

Chính bởi vậy, với danh mục những đầu sách chất lượng của Nhà xuất bản Kim Đồng, cùng với định hướng chung, chúng tôi không ngại đi đến bất kỳ đâu trên dải đất Việt. Duy chỉ có điều khó khăn là nhân lực và tài chính, đây là vấn đề nan giải mà chúng tôi đang từng bước phải tìm cách giải quyết.

- Chị nghĩ gì về xu hướng viết sách lịch sử dân tộc hiện nay trong việc góp phần “hâm nóng” tinh thần “Dân ta phải biết sử ta”? “Sách nhà mình” sẽ có kế hoạch gì để lan tỏa xu hướng này?

- Có thể nói là thị trường rất nhạy trước nhu cầu. Hiện nay, chúng ta đã thấy phần nào hậu quả từ việc thiếu hụt kiến thức nền tảng, nhất là trong giới trẻ, đây đó còn tình trạng sống thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; cư xử và suy nghĩ thiếu văn hóa, dẫn đến vô vàn điều tiêu cực, xấu xí, ở mọi phạm vi, cấp độ. Điều đó do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân là thiếu kiến thức về lịch sử - điều cần để biết mình là ai, để không hòa tan trong biển hội nhập mênh mang này. Vì thế, rất mừng khi các đầu sách sử hiện nay vô cùng đa dạng. 

Những bộ sách lịch sử mang ý nghĩa "hâm nóng", lan tỏa tinh thần "Dân ta phải biết sử ta" là xu hướng đáng trân trọng, và cần được phát huy. Với tiêu chí của “Sách nhà mình”, đó phải là những bộ sách có nội dung chuẩn mực (về tình tiết, ngôn từ, mốc thời gian) nhưng phải được thể hiện bằng những hình thức hấp dẫn để thu hút độc giả các lứa tuổi.

Chúng tôi vẫn miệt mài giới thiệu bộ "Sử Việt" cho các gia đình, trường học: "Nhập môn" bằng “Lược sử nước Việt bằng tranh”, rồi hoàn thiện bức tranh tổng thể đó bằng bộ “Tranh truyện lịch sử Việt Nam”, cùng “Những vị vua trẻ trong sử Việt”, đọc thêm với “Sử ta chuyện xưa kể lại”, cao hơn là “Việt Nam sử lược”...

Ngoài ra, để cảm thấy gần và hiểu hơn về quá khứ thì cần phải đọc các tác phẩm văn học, tiểu thuyết lịch sử, dã sử về các thời kỳ: Triều Lý có “Sừng rượu thề” của Nghiêm Đa Văn. Triều Trần có “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Nguyễn Huy Tưởng; “Trăng nước Chương Dương”, “Bên bờ Thiên Mạc”, “Khúc khải hoàn dang dở” của Hà Ân... Và, không thể không kể đến dòng tiểu thuyết lịch sử do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành: “Tám triều vua Lý”, “Bão táp triều Trần”; “Nữ sĩ thời gió bụi”, “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu Thượng ngàn”...

Ngoài việc thúc đẩy sự đọc, tham dự các buổi tọa đàm có chất lượng để hiểu sâu và có mạch về lịch sử, chúng tôi sẽ giới thiệu những bộ sách, cuốn sách phù hợp với từng gia đình, tại các thời điểm khác nhau; gợi mở các hoạt động gắn kết sách với cuộc sống (các địa danh, các con đường, phố gắn với các nhân vật, phong trào, sự kiện...).

Mới đây, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với đội ngũ cố vấn, với các diễn giả nổi tiếng, có sức hút đối với giới trẻ, và đặc biệt là một kế hoạch chuyên sâu với các bên liên quan để triển khai các chương trình thường niên, đón đầu vào các dịp hè, Tết, thậm chí xuyên suốt năm học.

Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của cộng đồng, của giới giáo dục để có thể triển khai sâu, rộng mà vẫn bảo đảm được tính hiệu quả, thực chất của hoạt động, sự kiện, chứ tuyệt nhiên không làm để lấy hình ảnh hay làm vì hình thức. Cốt lõi là khơi gợi lòng mong mỏi đọc và thói quen đọc sách tốt, sách giá trị hằng ngày của đông đảo độc giả.

- Trân trọng cảm ơn chị đã dành thời gian trao đổi!

Nguồn: Hà Nội Mới