Sẵn sàng đầu tư cho các bộ truyện tranh tiềm năng
Xuất bản là một khâu quan trọng để đưa các tác phẩm truyện tranh Việt đến với công chúng, thế nhưng hiện chưa có nhiều đơn vị quan tâm đến dòng sách này. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Kim Dung, Trưởng ban Biên tập Sách Tranh, NXB Kim Đồng - đơn vị tiên phong trong xuất bản truyện tranh tại Việt Nam.
- Những năm gần đây, sách có hình ảnh, tranh minh họa được xuất bản ngày càng nhiều và nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Vậy, có sự phân biệt như thế nào giữa tranh truyện, truyện tranh, sách tranh, art book... không, thưa bà?
- Có thể phân biệt một cách tương đối như sau: Tranh truyện truyền thống, hay còn được gọi là sách tranh, là nói tới hình thức sách có nội dung văn học gồm những câu văn, đoạn văn ngắn có tranh minh họa đi kèm nhằm giúp trẻ, đặc biệt là trẻ chưa biết đọc, thông qua các bức tranh có thể cảm nhận nội dung câu chuyện và phát huy trí tưởng tượng cũng như nuôi dưỡng khiếu thẩm mỹ.
Truyện tranh hiện đại (trong tiếng Anh gọi là “comic”, tiếng Nhật gọi là “manga”) là hình thức kể chuyện bằng các khung tranh nhỏ có hoặc không kèm lời thoại, mỗi trang gồm nhiều tranh nhỏ giống như một thước phim quay chậm.
Còn Artbook là dòng sách nghệ thuật, được đầu tư công phu về mặt mỹ thuật, công nghệ in ấn, bao gồm cả tranh truyện và truyện tranh comic.
- Từng có quãng thời gian truyện tranh bị không ít người bài xích vì cho rằng đọc truyện chữ tốt hơn truyện tranh, trẻ đọc truyện tranh thường xuyên sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển của ngôn ngữ, trí tưởng tượng... Bà nghĩ thế nào về điều này?
- Những nền công nghiệp truyện tranh lớn và lâu đời trên thế giới như Pháp, Bỉ, hay gần chúng ta hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc có vô vàn ấn phẩm truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em mà cả độc giả tuổi trưởng thành, đó có lẽ chính là minh chứng cho giá trị của truyện tranh.
Đây là thể loại sách mà bạn đọc yêu thích bởi tiết tấu nhanh, hình ảnh đẹp, giúp người đọc dễ tiếp thu và cảm nhận nội dung, thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt. Ở những nền công nghiệp truyện tranh lớn trên thế giới, truyện tranh tiếp cận mọi đối tượng bạn đọc, ở mọi đề tài.
- Ngoài các tác phẩm truyện tranh của Nhật Bản, cho đến nay, NXB Kim Đồng còn giới thiệu truyện tranh từ các quốc gia nào khác?
- Gần đây, NXB Kim Đồng đã tái bản Astérix - bộ truyện tranh Pháp nổi tiếng thế giới, từng được độc giả Việt Nam rất yêu thích hơn 20 năm trước. Sự trở lại của bộ truyện này được độc giả hiện nay đón nhận nồng nhiệt.
Nền công nghiệp truyện tranh Hàn Quốc cũng bùng nổ trong thời gian qua và NXB Kim Đồng đã mua bản quyền nhiều bộ sách được bạn đọc rất yêu mến. Có thể kể đến loạt truyện “WHO? Chuyện kể về danh nhân thế giới”, với gần 50 tựa về các danh nhân thuộc nhiều lĩnh vực như Charles Darwin, Mahatma Gandhi, Barack Obama, Audrey Hepburn, Bill Gates, Hans Christian Andersen, Oprah Winfrey...; bộ sách khoa học có nội dung gắn với kiến thức trường học “Quiz - Khoa học kỳ thú” với 20 cuốn, gồm nhiều chủ đề khác nhau như vũ trụ, cơ thể con người, phát minh phát kiến, những cái nhất và đầu tiên trên thế giới, thời tiết môi trường, dậy thì giới tính. Bộ “JOB? Lựa chọn cho tương lai” giới thiệu các nghề đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai như in 3D, chuyên gia ô tô, trí tuệ nhân tạo... Hay bộ “Danh tác thế giới” chuyển thể những tác phẩm văn học nổi tiếng sang thể loại truyện tranh, như “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”, “Đảo giấu vàng”, “Don Quixote”, “Romeo và Juliet”...
Những bộ truyện này đã được NXB Kim Đồng tái bản nhiều lần để phục vụ nhu cầu của độc giả, và NXB vẫn tiếp tục ra các tựa sách mới.
- Vậy còn những bộ “truyện tranh made in Vietnam” thì sao, thưa bà?
- NXB Kim Đồng có một số bộ tranh truyện được độc giả yêu thích suốt nhiều năm qua như bộ “Tranh truyện lịch sử Việt Nam”, “Tranh truyện dân gian Việt Nam” đã ra mắt tới hàng trăm cuốn.
Mảng truyện tranh hiện đại vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu. Có thể kể đến “Tý Quậy” của họa sĩ Đào Hải, “Bi Bo và Kim Quy” của họa sĩ Quang Toàn. Gần đây là “Twins - Con nhà lính” (RED), “Xóm Om Xòm” (Hoàng Giang), “Đường hoa” của Lâm Hoàng Trúc, “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tạ Huy Long), “Cuộc phiêu lưu của Dế Út” (Linh Rab)...
Nếu như truyện tranh manga có rất nhiều thể tài khác nhau và dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau, thì truyện tranh “made in Vietnam” vẫn chủ yếu dành cho thiếu nhi, một số ít bộ truyện hướng tới độc giả trẻ như “Twins - Con nhà lính”, “Đường hoa”... Đề tài truyện tranh Việt cũng tương đối đa dạng, xoay quanh cuộc sống gia đình, học đường, bạn bè, ước mơ của giới trẻ, hay về những chuyến phiêu lưu khám phá thế giới...
- Mặc dù có lượng độc giả khá đông đảo, tuy nhiên, truyện tranh của người Việt vẫn còn vô cùng khiêm tốn. Theo bà, những khó khăn, rào cản nào khiến “truyện tranh made in Vietnam” chưa được phát huy?
- Kịch bản gồm tranh và lời cho truyện tranh hiện đại đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về thời gian và công sức của ê kíp thực hiện: Từ ý tưởng, lên kịch bản, tạo hình nhân vật, phân cảnh, phác thảo, đi nét, hậu kỳ hoàn thiện. Bên cạnh đó, tranh và lời phải kết hợp chặt chẽ về mặt logic, mạch truyện... Hiện tại, các bộ truyện đã xuất bản có được sự thành công đa phần là tác phẩm của các họa sĩ. Họ vừa viết kịch bản, vừa thể hiện bằng hình ảnh. Đây cũng là một lợi thế của các họa sĩ trong mảng truyện tranh bởi họ được hoàn toàn làm chủ bản thảo, chủ động phân tranh và lời theo tư duy cá nhân và nhờ đó, kênh hình và kênh lời có sự kết hợp hài hòa, thống nhất xuyên suốt.
Tại Việt Nam hiện nay, chưa có một trường hay khoa chuyên đào tạo các họa sĩ vẽ truyện tranh; các họa sĩ chủ yếu vẽ bằng niềm đam mê và qua quá trình tự học hỏi.
- Là đơn vị chiếm thị phần lớn về xuất bản truyện tranh, NXB Kim Đồng có kế hoạch nào để phát triển dòng truyện tranh Việt hay không, thưa bà?
- Thời gian qua, NXB Kim Đồng đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để thực hiện các triển lãm về truyện tranh cũng như trao đổi kinh nghiệm sáng tác truyện tranh. Chẳng hạn, NXB Kim Đồng đã phối hợp với phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam tổ chức thành công 3 Festival Truyện tranh tại Việt Nam. Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam do Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ, trong hơn 10 năm qua cũng đã có nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sáng tác của các họa sĩ Đan Mạch. Mới đây, NXB Kim Đồng phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Séc tổ chức cuộc triển lãm tranh mang tên “Thế giới nhiệm màu của các họa sĩ minh họa sách thiếu nhi Séc”... Những cuộc triển lãm, giao lưu, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các họa sĩ ở các quốc gia có nền công nghiệp truyện tranh phát triển là một nỗ lực của NXB Kim Đồng trong việc góp phần xây dựng một thế hệ họa sĩ vẽ truyện tranh mới của Việt Nam.
Bộ truyện “Sơn, Goal!” mà NXB Kim Đồng mới ra mắt gần đây, có sự hợp tác trực tiếp với tác giả Baba Tamio và NXB Kadokawa, cũng là một cách tiếp cận sâu hơn, để các biên tập viên của NXB có thể học hỏi về cách thức sản xuất một tác phẩm truyện tranh. Sau “Sơn, Goal!” NXB Kim Đồng sẽ tiếp tục hợp tác để triển khai thêm các bộ manga khác với đề tài về ẩm thực Việt Nam...
NXB Kim Đồng luôn tích cực làm việc với các họa sĩ để có thể xuất bản các bộ truyện tranh Việt Nam. Chẳng hạn, họa sĩ Đào Hải, cha đẻ của bộ "Tý Quậy" qua đời năm 2014, khi đó bộ "Tý Quậy" mới ra hết tập 8, và tập 9 còn đang trong giai đoạn bản thảo. Sau đó, NXB Kim Đồng tiếp tục làm việc với họa sĩ Quang Toàn để hoàn thiện "Tý Quậy" tập 9. Sau đó, dựa vào nguyên tác của họa sĩ Đào Hải, họa sĩ Quang Toàn cùng với tác giả lời Hoài Thu, Dương Thúy Quỳnh tới nay đã cho ra mắt thêm 3 tập truyện, được bạn đọc đón nhận tích cực, mở ra hướng phát triển lâu dài cho một bộ truyện được đông đảo độc giả yêu thích.
NXB Kim Đồng luôn chào đón các tác phẩm truyện tranh của các tác giả Việt Nam. Với các các bộ truyện tiềm năng, chúng tôi sẵn sàng đầu tư.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Hà Nội Mới