cart.general.title

Tín hiệu tích cực của thị trường sách thế giới

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh tham gia hội sách Frankfurt để gặp gỡ trực tiếp các đối tác, tìm hiểu về bức tranh toàn cảnh của ngành xuất bản thế giới sau hai năm Covid-19.

Gian hàng của NXB Kim Đồng tại hội sách Frankfurt. Ảnh: NTQ.

Hội sách Frankfurt (19/10-23/10) năm nay có 85 quốc gia tham dự với hơn 4.000 gian hàng. Sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, hội sách lớn nhất thế giới đã trở lại. Dẫu quy mô chỉ bằng 70% so với năm 2019, các thông tin về ngành xuất bản rất khả quan.

Sách nói, kênh bán sách online tăng trưởng mạnh

Tại Mỹ, doanh số thị trường sách năm 2021 là 29,33 tỷ USD, tăng 3,23 tỷ USD so với năm 2020. Trong đó, doanh số lớn nhất thuộc về dòng sách thương mại - 18,79 tỷ USD, tiếp theo là sách giáo khoa phổ thông 4,81 tỷ USD và thứ 3 là giáo trình đại học với 3,32 tỷ USD.

Đáng lưu ý, audiobook là loại hình tăng trưởng nhanh nhất với doanh số năm 2021 là 1,75 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2017. Kênh bán hàng online có tốc độ tăng trưởng 24,2%, cao nhất so với các kênh bán hàng khác.

Theo số liệu thống kê, tại Tây Ban Nha, 50% dân số là những người thường xuyên đọc sách. Người dân nước này đọc trung bình mỗi tuần là 8 giờ 20 phút, cao hơn mức 6 giờ 50 phút trước đại dịch.

Gần đây, audiobook lên ngôi hội sách đã dành cả khu vực số 3.1 để triển lãm, trưng bày về việc xuất bản lẫn phát hành audiobook.

Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo về những xu hướng xuất bản chính trong năm 2023. Trong đó, tiểu thuyết trinh thám tiếp tục là dòng sách bán chạy. Dòng sách hướng dẫn cách thức tìm kiếm sự an lạc trong giai đoạn thế giới đầy nhiễu loạn - sẽ được quan tâm. Sách về STEAM, trí thông minh cảm xúc EQ sẽ tiếp tục được chào đón. Sách về biến đổi khí hậu, nữ quyền cũng sẽ tăng trưởng...

Ngày nay, độc giả đang ngóng chờ những cuốn sách được xuất bản dài lâu (longseller) hơn là chỉ bán chạy lúc phát hành. Và họ cần nhiều phiên bản khác nhau của sách gồm sách giấy, ebook và audio book cùng các hình thức thể hiện khác.

Người làm xuất bản thế giới đã đến Frankfurt tìm hiểu thị trường sách. Ảnh: NTQ.

Xuất bản châu Á tại hội sách

Hội sách thu hút người làm xuất bản từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi buổi sáng, người làm xuất bản đều nườm nượp đến hội sách như trẩy hội. Họ ăn mặc nghiêm túc, kéo vali, đeo balo như công nhân vào nhà máy. Tất cả toát lên sức sống của ngành sách.

Năm nay, Việt Nam chỉ có Nhà xuất bản Kim Đồng tham gia gian hàng tại hội sách. Trong khi đó, các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia... đều có gian hàng tại hội sách. Tính màu cờ sắc áo rất rõ khi các gian hàng của công ty Singapore ngoài tên thương hiệu đều kèm theo tên quốc gia. Hàn Quốc tài trợ miễn phí gian hàng cho một số công ty được chọn. Nhật Bản thường xuyên tổ chức sự kiện tại khu vực của mình.

Tại hội sách, Nhật Bản đã giới thiệu nhiều đầu sách hay của các tác giả Nhật - được dịch ra tiếng Anh đến bạn đọc quốc tế. Đây là điều mà trước đây Indonesia đã bỏ ra hơn 3 triệu USD để làm.

Với Việt Nam, đã đến lúc cần thực hiện việc tuyển chọn những đầu sách hay và chuyển ngữ sang các ngôn ngữ khác. Có như vậy, khi tham gia các hội sách quốc tế, chúng ta mới có sản phẩm chào bán bản quyền ra nước ngoài, góp phần giới thiệu văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Trong bối cảnh chi phí xuất bản sách tăng cao do chuỗi cung ứng, giá giấy, chi phí in ấn, chi phí nhân sự đều tăng vọt, thì sách vẫn là một món quà có giá trị, mang lại niềm vui trong nhiều giờ cho người đọc. Vì vậy, việc chọn lựa kỹ càng và đọc được một cuốn sách hay là việc làm có ý nghĩa với mỗi người và hành vi này kéo dài cả đời. Tôi tin, độc giả vẫn luôn ủng hộ những người làm xuất bản chân chính. Và ước mong, từ năm sau, Việt Nam sẽ tham gia tích cực tại các hội sách quốc tế.

Nguồn: Zing