Cầm bút lên - tiếng gọi vang mùa hè của chú Dế Mèn
Dịp lễ 30 tháng 4, khi facebook ngập tràn những tấm hình ăn chơi trên rừng dưới biển, nước trong nước ngoài, tiệc ngày tiệc đêm, áo quần lộng lẫy, thì tôi ngồi miệt mài đọc các tác phẩm dự giải thưởng Dế Mèn. Tôi vốn không thích đi chơi các dịp lễ đông đúc, còn việc đọc duyệt tác phẩm cũng đã quen mắt quen tay, thành ra không thấy áp lực gì. Vừa đọc vừa nhấp chai bia lạnh để bên, nói chung thấy đời… cũng được.
Những năm qua việc phát triển thói quen đọc sách cho trẻ con rất được chú ý. Dù gì thì gì, sách vẫn mang đến cho con trẻ khả năng tập trung, suy tư, tưởng tượng - sự cô đơn cần thiết để chúng trưởng thành. Vì thế, bố mẹ có thể chỉ ôm điện thoại nhưng không ngại chi tiền mua sách và hối thúc con “Yêu sách lên!” Các trường học đều có thư viện và tổ chức những ngày hội đọc sách. Các công ti xuất bản đều lao vào mảnh đất màu mỡ này: Kim Đồng dù vẫn là đơn vị xuất bản sách thiếu nhi mạnh nhất nhưng giờ đây bị các đơn vị khác như Nhã Nam, Đông A, Trẻ, Alpha Books, Thái Hà, Đinh Tị… cạnh tranh sôi nổi.
Các tác giả đoạt giải thưởng Dế mèn lần thứ 4
Giải thưởng Dế Mèn dành cho văn học thiếu nhi xuất hiện trong bối cảnh này, cho thấy Báo Thể thao & Văn hóa rất mạnh bạo và giỏi “bắt trend”. Còn về việc tổ chức giải thưởng thì tờ báo đã quá dày dạn. Trong nhiều năm qua, đây là tờ báo tổ chức nhiều giải thưởng nhất: giải Cống hiến cho âm nhạc, giải Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội, giải Rồng tre cho biếm họa, và mới nhất là giải Dế Mèn, khởi sinh từ năm 2020, đến mùa hè 2023 này là mùa giải lần thứ 4.
Tôi có vinh dự tham gia ban sơ khảo hai mùa. Ngay khi một mùa giải kết thúc, các thành viên của ban tổ chức đã bắt đầu để ý đến những sáng tác cho thiếu nhi mới được xuất bản. Đến kì chú Dế Mèn cất tiếng gáy hiệu triệu các tác giả, sách và bản thảo đổ về rầm rập, cho thấy sức hút của giải. Các thành viên ban sơ khảo ai thấy ở đâu có gì lập tức mật báo về cho ban tổ chức, đảm bảo không tác giả nào bị bỏ sót, không một tác phẩm nào bị lãng quên.
Năm nay khi sách và bản thảo ríu rít tụ về, ban tổ chức đã có bước lọc đầu tiên, để có được 121 tác phẩm cho ban sơ khảo làm việc. Ban sơ khảo đọc, nhận xét và chấm điểm, để lấy 10 tác phẩm vào chung kết, kèm theo những nhận xét và đề xuất. Cuối cùng là phần làm việc của ban chung khảo, để từ đó quyết định ai là Hiệp sĩ Dế Mèn và ai đoạt giải Khát vọng Dế Mèn. Trong quá trình chấm, các giám khảo bàn luận tới lui, rất nhiều ý kiến hữu ích làm cho không khí chấm giải sôi nổi một cách… nghiêm trọng. Thật tuyệt vời, năm nay chúng ta có các tác giả nhỏ tuổi tham gia. Cuốn này cao trào rất ổn nhưng mở lại lê thê, ta tính thế nào? Cuốn kia hơi đáng tiếc vì kết chơi vơi quá. Năm nay có Hiệp sĩ không, đã hai mùa chúng ta không có. Thơ không có nhiều dấu ấn nhỉ, đang có chuyện gì với thơ vậy? Có các tác giả đã dự thi năm trước năm nay lại dự thi, chứng tỏ rất hăng hái sáng tác. Thôi thế là chốt nhé, ta đi… uống bia nào!
Mùa giải lần thứ 4 có thơ vào chung kết, Phù thủy sợ ma của Thụy Anh, nhưng không có tác phẩm thơ đoạt giải. Mùa 3, 2, 1 cũng không dù thơ gửi về dự giải rất nhiều. Cá nhân tôi khi làm việc tại Phòng Tiếng Việt của Nhã Nam cũng nhận được nhiều bản thảo thơ cho trẻ em. Tiếc thay nhiều nhưng bình bình không nổi bật, thiên về ghép vần và “tính bài học” mà ít có tứ. Điều này khiến phải đặt ra một câu hỏi lớn hơn về thời đại: Chúng ta đang bớt mơ mộng đi chăng, chúng ta bị máy móc hóa rồi chăng?
Văn xuôi cho đến giờ vẫn là thể loại áp đảo, với mấy dòng chủ yếu: truyện đồng thoại, trong đó nhân vật là các loài vật, đồ vật được nhân hóa; tiểu thuyết có yếu tố hồi ức tuổi thơ; và các truyện lấy bối cảnh hiện thực hoặc tưởng tượng.
Hai cuốn khá đặc biệt mà tôi muốn dành viết đôi lời, là Bà Đỡ của Đào Tuấn Ảnh (sinh 1954) và Những đôi mắt khoảng trời của Đào Quốc Vịnh (sinh 1955). Cả hai cuốn đều không lọt vào vòng chung khảo, nhưng với cá nhân tôi đây là hai cuốn thực sự hay. Đào Tuấn Ảnh là dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, chưa từng viết văn, nên cuốn sách này làm nhiều người bất ngờ. Với giọng văn trôi chảy mềm mại và tha thiết xúc động, tác giả kể về tuổi thơ những năm tháng nông thôn nghèo đói, chiến tranh, dưới sự che chở của bà ngoại, một người đàn bà nông thôn làm nghề đỡ đẻ. Sách không cố khai thác yếu tố “nghèo mà thương” (Trần Ngọc Hiếu) như nhiều cuốn hồi kí, mà qua câu chuyện được kể chậm rãi dưới góc nhìn của cô bé con, làm hiện lên rất nhiều con người, số phận giữa những tháng năm lịch sử chuyển vần dữ dội. Trong đó người bà hiện lên với lòng yêu thương, tử tế và nghị lực phi thường. Cô bé vừa cảm động trước tình yêu thương của bà, vừa nhận thức về thế giới với rất nhiều mảng màu khác biệt.
Như một đối sánh, Những đôi mắt khoảng trời (cuốn này tác giả không gửi dự giải nhưng được đề cử lên Ban Tổ chức giải) lại là một giọng văn thẳng băng, không kiêng dè, không kĩ thuật, gai góc, dữ dội, mang một nội lực kì lạ. Tác giả cũng là một “ca” bất ngờ, ban đầu là nhà buôn, sau đó làm giáo dục, ngoài 60 tuổi mới cầm bút. Ngoài những sáng tác khác, ông đã có 2 tập thơ thiếu nhi, và truyện dài này là tác phẩm thứ ba cho thiếu nhi. Cuốn sách đã tiểu thuyết hóa kí ức buồn và xót xa của một cậu bé nông thôn miền Bắc. Giữa biến động lịch sử, đứa trẻ phải loay hoay lớn, vừa ngơ ngác vừa già dặn, vừa nhân hậu vừa nghịch ngợm, để học lấy những bài học của đời mình.
Hai cuốn này người lớn đọc sẽ rất thích, nhưng hơi thách thức với thị hiếu đọc của trẻ em hiện đại, trừ những bạn nhỏ có năng lực đọc dồi dào.
Cuối cùng những giải thưởng đã được chọn. Bốn giải Khát vọng Dế Mèn dành cho Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (sách), Vua Ngan xóm Hồ (bản thảo), Một nơi có rất nhiều rồng (bản thảo), chùm tranh của Hoàng Nhật Quang. Và năm nay giải cao nhất, Hiệp sĩ Dế Mèn, thuộc về A lô!... Cậu đấy à?
Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ là truyện của Lạc An (sinh 1992). Những cuộc phiêu lưu nhỏ của lũ trẻ trong giấc mơ cùng với ông Ba Bị được kể vô cùng sinh động. Thế giới trong mơ là thế giới tự do, lũ trẻ không phải học và được làm đủ những trò mà ngoài đời thực kiểu gì cũng bị bố mẹ, thầy cô cấm đoán, nên trí tưởng tượng của Lạc An thỏa sức bay bổng. Bi, Bo, Bun và Ken đã hiểu ra ông Ba Bị là một vị thần tốt bụng, chỉ bị xui xẻo mà thôi, chúng cố gắng sơn móng, làm tóc nhằm “tân trang nhan sắc” cho ông để ông lấy được cảm tình của trẻ con, hay đến thăm căn nhà lụp xụp toàn sao đen của ông. Đỉnh điểm của cuộc phiêu lưu là chuyện ông Ba Bị và các bạn giải cứu cô bé Bun suốt ngày bị bắt học khỏi căn phòng làm toàn bằng những bài tập toán. Khi ra được khỏi căn phòng họ lại gặp phải những quả núi bài tập toán, và khi lũ trẻ chạy thì những núi bài tập toán đổ ào xuống theo, may sao cuối cùng với sự giúp đỡ của ông Ba Bị chúng đã thoát được. Một đại cảnh huy hoàng mà bất cứ đứa trẻ nào đọc sách cũng sẽ phá lên cười thích thú. Các thông điệp nhân văn về tình bạn, về sắc màu tuổi thơ, về sự khô khan của thế giới người lớn hiện đại hay vấn nạn học hành khiến câu chuyện có chiều sâu, song được lồng ghép tự nhiên, hài hước và vui nhộn. Dù phần kết hơi hẫng, đây vẫn là một câu chuyện thú vị.
Trong lễ trao giải, Lạc An tâm sự rằng cô rất vui, vì đây là giải thưởng lần đầu tiên cô có được sau hành trình miệt mài dự giải và… rớt, ở đủ các cuộc thi khác nhau.
Bản thảo Vua Ngan xóm Hồ của nhà văn Uông Triều cũng xứng đáng cho giải Khát vọng Dế Mèn. Là một nhà văn chuyên nghiệp nên tên anh không còn xa lạ trong văn giới, và dù gần đây mới viết cho thiếu nhi nhưng anh đã có ngay những bước chân chắc chắn, khởi đầu với Ong Béo và Ong Gầy, tiếp theo là Vua Ngan xóm Hồ. Đây là một truyện đồng thoại có tình tiết hấp dẫn, được viết với lối văn rất hoạt. Những câu chuyện Vua Ngan hòa giải mâu thuẫn giữa anh Gà Trống và cậu Gà Choai, cứu chị Mái Mơ, tổ chức đội quân chống lại gã Chồn, làm chủ hôn cho chị Mái Mơ tái giá với Trống Tía (do chồng chị tử nạn anh dũng) được kể sinh động, vừa bất ngờ, vui nhộn vừa cảm động. Cuốn truyện đã lột tả sinh động “thần thái ngút giời” của Vua Ngan, đồng thời không khí vừa hào sảng vừa thân ái của xóm Hồ.
Mộc An năm nay gửi đến Một nơi có rất nhiều rồng. Năm ngoái tác giả đã gửi dự giải bản thảo Nếu một ngày chúng tớ biến mất nhưng chưa vào được chung khảo, dù vậy vẫn để lại dấu ấn bởi một giọng văn mềm mại rất giàu chất thơ. Bản thảo đã được Kim Đồng in thành sách. Tác phẩm năm nay của Mộc An cho thấy một bước tiến mới. Cấu trúc tác phẩm chắc chắn, mở kết gọn gàng, cao trào mạnh, trong khi vẫn giữ được vẻ mộng mơ. Câu chuyện kể về thế giới bí mật của loài rồng, nơi ẩn náu giúp chúng tránh xa con người. Nhưng những kẻ săn rồng độc ác vẫn tìm đến, và chúng vẫn phải lộ diện, trong đó anh em Rồng Xanh và Rồng Đỏ bị đẩy vào tình thế tương tàn. May sao cuối cùng Rồng Đỏ đã thoát được thứ thuốc độc làm mê mị trí óc mà người xấu cho uống. Trong cuộc phiêu lưu li kì đó, người em Rồng Xanh đã có những bạn-người tuyệt vời, như Hoàng tử Ba dịu dàng nhân hậu, như Đen kẻ trộm. Tôi rất thích ý tưởng về nhân vật Đen, một gã kẻ-trộm-không-trộm-gì. Anh ta có biệt tài mở khóa mọi cánh cửa, nhưng không ăn trộm, chỉ mở để mà mở thôi. Bởi vì thuở nhỏ vào một ngày mùa đông lạnh giá, mẹ con Đen cạn kiệt thức ăn, họ đi gõ từng cánh cửa cầu cứu nhưng không cánh cửa nào mở ra…
Hoàng Nhật Quang, cậu bé xứ Lạng 11 tuổi, lại gây choáng ngợp với chùm tranh có đường nét, sắc màu, bố cục mạnh mẽ, thể hiện một tư duy nghệ thuật đặc biệt. Trong tranh, Quang mạnh bạo nhân hóa mọi sự vật, thể hiện rất rõ quan điểm sáng tác: “Tất cả các sinh vật đều có linh hồn, ngay trong những thực thể sống, mỗi bộ phận nhỏ cũng sẽ có tiếng nói riêng.” Với vóc người nhỏ bé và khuôn mặt thư sinh, cậu bé còn thể hiện đam mê và một sức lao động khác thường khi vẽ một loạt tranh khổ lớn, phải bắc ghế trèo thang để vẽ trong nhiều tuần. Họa sĩ Thành Chương nói rằng ông rất bất ngờ khi xem tranh của Quang và tin rằng em sẽ còn tiến xa trên con đường hội họa. Tin rất vui là Hoàng Nhật Quang sẽ có triển lãm tranh cá nhân đầu tiên, do Báo Thể thao & Văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Cuối cùng, điều tuyệt vời là Dế Mèn năm nay đã tìm được Hiệp sĩ. Không phải ai xa lạ, chính là nhà văn Trần Đức Tiến với tác phẩm A lô!... Cậu đấy à? Cuốn truyện là phần tiếp nối của Xóm Bờ Giậu, nơi có cụ giáo Cóc thông thái, thi sĩ nghiệp dư lãng mạn Dế Còm, chuyên gia dự báo thời tiết Tắc Kè, nhạc sĩ Dế Lửa, vận động viên Nhái Xanh... Nhân vật chính của cuốn truyện là nhóm bạn Sóc Bông Lau, Cóc Tía, và Thằn Lằn. Các bạn nhỏ sống ở khu xóm êm đềm, cùng chơi những trò thú vị hoặc dở hơi, cùng tham gia những cuộc phiêu lưu be bé hoặc to to. Truyện chủ ý một cấu trúc lỏng lẻo, từ đó mỗi chương, mỗi mẩu chuyện hiện lên như những bài thơ. Điều tôi rất thích trong cuốn truyện là chất thơ ngọt ngào trong vắt trong từng dòng chữ. Nó gợi về một khung trời tuổi thơ giản đơn, hồn hậu và chan hòa với thiên nhiên. Tôi cũng thích thú và bất ngờ với cái kết của câu chuyện. Sóc Bông Lau bao lâu nay chờ bố trở về, cậu đã viết hai lá thư có chữ, trên chiếc lá khế vàng, nhờ chị Gió gửi đi mà vẫn không có tin hồi âm của bố. Lá thư thứ ba, cậu viết “??????????”, và rồi bố trả lời “!!!!!!!!!!” Những dấu chấm than đã khép lại câu chuyện theo cách vừa vui nhộn vừa ấm áp vừa rất thơ như thế.
Bên cạnh sáng tác mới nhất này, nhà văn Trần Đức Tiến đã có hàng chục tác phẩm viết cho thiếu nhi, cũng như giành được các giải thưởng uy tín khác. Ông từng nói: “Chừng nào còn gõ ra chữ thì còn viết cho thiếu nhi.”
Trẻ con giờ đây được dùng điện thoại ngày càng sớm hơn và sớm quen với các loại hình giải trí mạng, như TikTok, phim ảnh, game, điều đó khiến cho việc đọc sách bị cạnh tranh mạnh mẽ. Nhưng điều giải thưởng Dế Mèn đang làm, là khuấy động nhận thức của xã hội về vai trò văn chương nghệ thuật dành cho tuổi thơ, khẳng định rằng những sáng tác có giá trị vẫn luôn ở đây, chờ được khám phá.
Giải thưởng Dế Mèn vừa được trao, thì cùng lúc ấy, giới sáng tác có chút choáng váng: Nhà xuất bản Kim Đồng khai mạc cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025 và công bố thành lập giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ nhất; Sở Thông tin & Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh công bố giải thưởng Sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất. Cùng với giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đã có từ lâu, giải thưởng Sách Quốc gia thành lập 2018, các tác giả viết cho thiếu nhi đang được khuyến khích và tôn vinh hơn bao giờ hết.
Các anh chị, các bạn còn chần chừ gì nữa mà không viết. Tôi cũng đi viết ngay và luôn đây!
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội