"Cú hích" sáng tác cho thiếu nhi
Ngày càng có thêm nhiều giải thưởng, cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi được tổ chức với kỳ vọng sẽ phát hiện các tên tuổi mới, cổ vũ sáng tác cho trẻ thơ và có tác phẩm chất lượng dành cho đối tượng độc giả đặc biệt này.
Niềm vui của người cầm bút
“Năm 1983, tôi là thí sinh dự thi và đạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi. Với một người bắt đầu bước vào con đường viết lách, giành giải thưởng là niềm vui vô bờ, và sung sướng hơn là sau đó tác phẩm lại được in thành sách” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tại lễ công bố thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025 sáng 30.5.
Giải thưởng, cuộc vận động sẽ khuyến khích nhà văn viết cho thiếu nhi. Ảnh: Th. Nguyên
Với tư cách người viết, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận thấy: “Đối với những cây bút mới, người viết trẻ, giải thưởng có ý nghĩa như bước tạo đà. Còn với nhà văn thành danh, không có giải thưởng, nhà văn vẫn viết, nhưng giải thưởng như một cú hích, tạo hứng thú cho họ tiếp tục đóng góp. Tôi biết nhiều người có đề tài, ý tưởng viết cho trẻ thơ, nhưng chưa viết ra, có giải thưởng là thời điểm để họ ngồi thực hiện ý tưởng đó”.
Hiện nay đã có giải thưởng dành cho các tác giả viết cho thiếu nhi như Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Sách Việt Nam của Hội Xuất bản Việt Nam, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn của Báo Thể thao và Văn hóa... Năm nay, Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần đầu tiên được tổ chức, tuy nhiên, Nhà Xuất bản Kim Đồng từ lâu đã có các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, là hoạt động truyền thống của đơn vị này.
Tổng biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên chia sẻ, những ngày đầu mới thành lập Nhà Xuất bản, phát triển cộng tác viên luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Từ trại sáng tác đầu tiên tại nơi sơ tán Yên Sở năm 1967 - 1968 đến những năm tháng khó khăn thời kỳ bao cấp, nhà xuất bản đã tổ chức được 5 trại sáng tác và 4 cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Giai đoạn từ 1988 - 1992 là những tháng năm “chạm đáy” khó khăn của toàn ngành xuất bản nói chung và của Kim Đồng nói riêng, nhưng vẫn có một cuộc vận động sáng tác được tổ chức cùng với việc mở ra các lớp tập huấn sáng tác cho thiếu nhi, học hỏi kinh nghiệm làm sách của chuyên gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan…
Bước vào thời kỳ tăng trưởng, từ năm 1992 - 2002, 5 cuộc vận động liên tục được tổ chức, thu về hàng nghìn tác phẩm văn, thơ, kịch cho nhà xuất bản. Từ năm 2005 - 2015 hàng loạt cuộc vận động sáng tác trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch, do Nhà xuất bản Kim Đồng chủ trì...
“Đã gần 10 năm kể từ cuộc vận động sáng tác năm 2015. Đây là khoảng thời gian đủ để một thế hệ tác giả mới có thể xuất hiện. Đây cũng là thời kỳ chúng ta bước vào và chứng kiến nhiều biến chuyển sôi động của ngành xuất bản trong nước với nhu cầu của bạn đọc ngày càng rộng mở về đề tài, thể loại. Chúng ta cũng từng bước thấy được những thách thức của công nghệ và trí tuệ nhân tạo tác động lên hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật và thói quen đọc sách của người trẻ. Vì vậy, Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời vào thời điểm này là cần thiết, cũng là một lời khẳng định nỗ lực của Nhà xuất bản Kim Đồng trong việc tìm kiếm các tác phẩm, tác giả mới” - bà Vũ Thị Quỳnh Liên nhấn mạnh.
Bạn đọc nhỏ tuổi cần người đồng hành
Ở góc độ nhà nghiên cứu văn học sử, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận thấy: “Trong số tác phẩm được trao giải tại các cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng, nhiều tác phẩm, tác giả làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam hiện đại. Có những tác phẩm, gia đình tôi hai thế hệ đọc. Chẳng hạn, Bến tàu trong thành phố của Xuân Quỳnh (Giải A cuộc thi sáng tác cho Nhi đồng năm 1984), từng khiến tôi rất xúc động, và các con tôi đến nay đọc vẫn thấy gần gũi. Văn học có sức sống bền bỉ như vậy...”
Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất gắn với Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025 do Nhà Xuất bản Kim Đồng phát động, dành cho các cây bút chuyên và không chuyên, với ba thể loại: truyện ngắn, truyện dài và thơ. Các tác phẩm dự thi hướng tới đối tượng nhi đồng (6 - 10 tuổi) và lứa tuổi thiếu niên (11 - 15 tuổi). Ban Tổ chức nhận tác phẩm từ 17.6.2023 - 31.3.2025.
Theo PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, chúng ta từng có tác phẩm thiếu nhi hay của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Hiện nay, trẻ em cần có sự quan tâm của các nhà văn hơn bao giờ hết. Từ thành công của các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần... cho thấy trẻ em cần người bạn chứ không cần người thầy. Trẻ cần những người đồng hành, hiểu và tôn trọng chúng, để tâm sự và giúp chúng đi qua những vấn đề của cuộc sống. Bởi vậy, người viết cần tôn trọng các em như người trưởng thành. PGS.TS. Phạm Xuân Thạch trông đợi qua Giải thưởng Văn học Kim Đồng sẽ có thêm những tác phẩm chất lượng về nội dung, được làm với công nghệ xuất bản hiện đại để thu hút độc giả nhỏ tuổi.
Trong khi đó, PGS.TS. Ngô Văn Giá mong muốn, không chỉ tập trung vào phần tri thức, mà cần có những tác phẩm mang giá trị nhân văn, khiến người đọc xúc động. Tác phẩm phải kết nối từ trái tim đến trái tim. Bên cạnh đó, các cây viết cần quan tâm hơn thể loại văn học sinh thái cho thiếu nhi...
“Một số người gần đây vẫn đánh giá văn học thiếu nhi còn yếu, số lượng tác giả ít. Nhưng theo quan sát của tôi, 10 - 15 năm trở lại, số lượng tác giả viết cho thiếu nhi không ít, số lượng tác phẩm xuất bản nhiều, và không thiếu tác phẩm hay, dù không nhiều tác phẩm xuất sắc gây chấn động xã hội. Ngay trong năm vừa rồi, ngoài tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, còn có 4 - 5 tác giả có tác phẩm đáng đọc, phần lớn của tác giả trẻ...” - nhà văn Trần Đức Tiến, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Văn học Kim Đồng nhận định. Ông cho rằng, giải thưởng này công bố đúng lúc cùng với một số giải thưởng khác, tạo nên sự kích thích lớn đối với người viết cho thiếu nhi. Tiềm năng sáng tác cho các em còn rất lớn và giải thưởng sẽ khai thác được tiềm năng ấy.
Nguồn: Đại Biểu Nhân Dân