cart.general.title

Đoàn Việt Nam để lại ấn tượng tại Hội sách thiếu nhi châu Á

Bà Claire Chiang, Chủ tịch Hội đồng Sách Singapore, cho rằng những hoạt động do Việt Nam tổ chức năm nay đã góp phần vào thành công của Hội sách Thiếu nhi châu Á 2023.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trong Đêm Việt Nam. Ảnh: Yến Vũ.

Trong ngày cuối cùng tại Hội sách Thiếu nhi châu Á, Việt Nam có nhiều hoạt động tọa đàm, workshop thu hút khách tham gia và các đối tác nước ngoài như workshop "Finding Mommy Elephant"; tọa đàm “Publishing Translated Kidlit: Challenges and Opportunities”; chương trình "The Call of the Wind" bàn về hành trình sáng tạo hai cuốn sách tranh về đề tài bảo tồn động vật hoang dã; buổi giới thiệu ấn phẩm Ba tớ là Runner cùng tác giả Tâm Bùi và họa sĩ Jeet Zdũng. Những hoạt động này lần lượt diễn ra trong ngày 27/5, trước khi Đêm Việt Nam chính thức bắt đầu.

Trải qua 3 ngày Hội sách Thiếu nhi châu Á, đoàn Việt Nam đã quảng bá được hình ảnh xuất bản sách thiếu nhi của Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung ra khu vực. Người tham gia, đối tác quốc tế đã có những ấn tượng tốt về sự hiện diện của Việt Nam với tư cách quốc gia tiêu điểm tại Hội sách thiếu nhi châu Á.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các hoạt động của đoàn Hội Xuất bản Việt Nam đã đạt được nhiều thành công, để lại ấn tượng sâu sắc tại Hội sách Thiếu nhi châu Á.

Tăng cường mối quan hệ văn hóa trong khu vực

Phát biểu trong Đêm Việt Nam tại Hội sách Thiếu nhi châu Á, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định rằng sự kiện này đã mở ra những tiềm năng và cơ hội cho sự hợp tác với ngành xuất bản Singapore, cũng như ngành xuất bản các nước ASEAN và thế giới.

Ông nói: "Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, cùng sự hợp tác ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Singapore, ngành xuất bản hai nước nói chung, và lĩnh vực sách thiếu nhi nói riêng, sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp hơn nữa".

Trao đổi văn hóa cũng chính là từ khóa chính tại hội sách này. Bà Claire Chiang, Chủ tịch Hội đồng Sách Singapore - đơn vị tổ chức hội sách, cho biết: "Bên cạnh các chương trình hội nghị, thông qua sức mạnh của sách và văn học, Hội sách Thiếu nhi châu Á đã tăng cường mối quan hệ văn hóa của chúng tôi với các nước láng giềng trong khu vực thông qua chương trình Quốc gia tiêu điểm. Các nhà văn và họa sĩ minh họa của chúng tôi đã hợp tác trong nhiều dự án sách đa văn hóa và tham gia các hoạt động trao đổi văn học để tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của nhau".

Dịp này, bà vui mừng được hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thực hiện dự án Đồng dịch thuật. Trong đó, 5 tựa sách của Singapore và 5 của Việt Nam dành cho trẻ em được chọn để dịch và xuất bản giữa hai nước.

Bà cũng hy vọng sẽ thành lập Vòng kết nối Hội sách Thiếu nhi châu Á tại Việt Nam, để tiếp tục hợp tác về phát triển văn học và các cơ hội dịch thuật giữa cộng đồng văn học Singapore và Việt Nam.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm “Publishing Translated Kidlit: Challenges and Opportunities”. Ảnh: Phương Linh.

Đoàn Việt Nam gây ấn tượng tốt tại Hội sách thiếu nhi châu Á

Chia sẻ trong buổi tọa đàm “Publishing Translated Kidlit: Challenges and Opportunities”, biên tập viên Lê Mỹ Ái từ Nhà xuất bản Kim Đồng khẳng định thị trường xuất bản sách thiếu nhi đang phát triển mạnh ở Việt Nam.

Nếu trước kia, đa số sách thiếu nhi thuộc thể loại văn học, mang đậm tính truyền thống, thì giờ đây, cả thể loại lẫn chủ đề nội dung cũng phong phú hơn (khoa học, kỹ năng...). Hơn thế, định dạng sách cũng đa dạng hơn bao giờ hết.

Dù vậy, theo quan sát của đơn vị này, sách thiếu nhi do tác giả Việt Nam sáng tác đa số vẫn là văn học. Sách văn học thiếu nhi Việt Nam cũng đang có sức hút lớn trong mắt đối tác nước ngoài. Bên cạnh truyện ngụ ngôn, dân gian, những câu chuyện mới hơn như Đây là Tết hay Chang hoang dã cũng đã được bán bản quyền xuất bản sang nhiều quốc gia.

Bà Caroline Brousse, một thủ thư người Pháp, cho biết độc giả Pháp rất muốn được đọc truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết của Việt Nam bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.

Tới thăm gian hàng Việt Nam, bà Sim Ee Waun, nhà văn, giám đốc công ty xuất bản Pepper Dog Press, bày tỏ mong muốn về hướng hợp tác trao đổi bản quyền song phương. Một trong những cuốn sách được bà đặc biệt quan tâm là Bơ không phải để ăn của nhóm tác giả Trần Quốc Anh, Huỳnh Trọng Khanh, Chung Bảo Ngân.

Bà Katie Day, thủ thư của Trường Quốc tế Tanglin Trust School ở Singapore, muốn tìm một tác phẩm về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn bằng tiếng Anh. Bà cho biết sẽ liên hệ với Nhà xuất bản Thế Giới để mua và đưa sách vào thư viện trường mình.

Ngoài ra, Bà Rathinamala Parimalam từ Vụ Phát triển và Quy hoạch Chương trình giảng dạy, Bộ Giáo dục Singapore, muốn tham khảo Danh mục sách hỗ trợ dạy và học của Việt Nam. Đây là danh mục do Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện, đến nay đã có Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học.

Trước những hoạt động sôi nổi do đoàn Việt Nam tổ chức, bà Claire Chiang, Chủ tịch Hội đồng Sách Singapore, bảy tỏ sự xúc động, cảm ơn đoàn Việt Nam vì đã năng nổ tham gia, tổ chức họa động phong phú. Bà khẳng định chính những hoạt động do Việt Nam tổ chức năm nay đã góp phần vào thành công của Hội sách Thiếu nhi châu Á 2023.

Nguồn: Zing