cart.general.title

Giải thưởng quý giá ở tuổi... 70 !

Nhà văn Trần Đức Tiến vừa được vinh danh là Hiệp sĩ Dế Mèn, giải quan trọng nhất trong Giải thưởng Dế Mèn lần 4-2023, một cách thuyết phục vì những cống hiến xuất sắc của ông cho thiếu nhi trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Nhà văn sinh năm 1953, tại Hà Nam và hiện đang sinh sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông viết cho cả thiếu nhi và người lớn, với loạt tác phẩm dành cho cả thiếu nhi và người lớn: “Linh hồn bị đánh cắp”, “Bụi trần”, “Lòng và ruột”, “Bão đêm”, “Dế mùa thu”, “Vương quốc vắng nụ cười”, “Trăng vùi trong cỏ”, “Xóm Bờ Giậu”... Nhiều tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa như “Giọt sương đêm”, “Cá chuồn tập bay”, “Bạn nhỏ trong nhà”, “Hoa cúc áo”...

Tác phẩm được đề cử giải Dế Mèn của ông lần này là “Alo!... Cậu đấy à?”, sáng tác nối tiếp tác phẩm nổi tiếng của ông ra mắt năm 2019: “Xóm Bờ Giậu”, từng được giải B Sách Quốc gia năm 2019. Tuyển tập có 23 truyện, viết về những ngày bình thường và cả bất thường của bộ ba ở xóm Bụi Trúc gồm Sóc, Cóc Tía và Thằn Lằn. Họ cùng nhau trải qua những ngày ngao du và háo hức khám phá những điều mới lạ, nhưng có một thứ tình yêu luôn thường trực và thúc giục họ trở về, đó là tình yêu quê hương xứ sở, nơi có gia đình, hàng xóm và những người thân yêu. Câu từ bình dân, hóm hỉnh, ý tứ sâu xa nhưng dễ cảm nhận là cách mà tác giả thể hiện một cách khéo léo trong từng câu chữ, để rồi đọng lại qua từng trang viết là thế giới tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên, là những con người bình dị, là quê hương hồn hậu gợi nhớ...

Mỗi trang văn của ông đều đáng để đọc. Nhiều trải nghiệm cộng với cái nhìn sâu sắc, đã giúp ông tạo ra hành trình gắn kết các nhân vật, không gian, đưa nhân vật của mình trải nghiệm không chỉ bằng hồi ức, câu chuyện kể hoặc dấn thân bởi những chuyến đi. Đọc truyện ông, giúp độc giả cảm nhận được tình cảm từ sâu thẳm tâm hồn ông gởi gắm trong từng câu chữ, từng nhân vật của mình. Dù viết cho người lớn hay thiếu nhi, ông cũng chắt chiu, bằng sự trải nghiệm, bằng ký ức và bằng tình yêu quê hương, con người, tha thiết với cuộc sống; bằng vốn văn hóa dày dặn và sự tinh tế, cảm nhận cuộc sống đa chiều.

Khi viết sách cho thiếu nhi, ông am tường những trò chơi gắn liền với trẻ thơ, hiểu những giận hờn vu vơ, cả những khát khao khám phá. Ông kể một cách tự nhiên, theo dòng cảm xúc, sức tưởng tượng bay bổng và đầy chất thơ, làm người đọc như lạc vào thế giới trẻ thơ hồn nhiên, đầy mơ mộng... Ở tuổi thất thập, thừa trải nghiệm, cộng với việc theo dõi, nghiêm túc nhận diện sự khác biệt giữa các thế hệ nhà văn để chọn cho mình một chủ đề, khai thác một vấn đề với những thông điệp ngắn gọn, ý nghĩa. Đó chính là điều tạo nên sự khác biệt mà độc giả ở lứa tuổi nào cũng có thể đọc được tác phẩm của ông để cảm nhận trọn vẹn cuộc sống, để tìm thấy chút bóng dáng của mình, để tìm về nơi trú ngụ của tâm hồn sau những mệt nhoài ngoài cuộc sống...

Không chỉ thu hút độc giả bằng tác phẩm văn chương, nhà văn Trần Đức Tiến còn thu hút bởi câu chuyện về cuộc đời lẫn nghiệp văn. Nhiều người bất ngờ khi ông học kinh tế, từng có 10 năm làm ở Tổng Cục Thống kê trước khi chuyển về sinh sống và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng vẫn làm thống kê, đến năm 1989, ông mới chuyển sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh này. Đây cũng là thời gian ông bắt đầu viết truyện cho thiếu nhi và truyện đầu tiên ra mắt độc giả là “Ốc mượn hồn”, vào năm 1991. Năm 1996, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và tung hoành ở nhiều lĩnh vực văn chương, mang đến một thế giới sinh động đáng nhớ và tạo nên tên tuổi của mình trong làng văn học Việt Nam đương đại.

Ông có duyên với nhiều giải thưởng: hai lần giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (1987, 1990), giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2004), giải nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà Văn Việt Nam (2005), giải B Giải Sách quốc gia Việt Nam (2019). Và với giải thưởng danh giá này, góp thêm bộ sưu tập giải thưởng, xứng đáng với những gì ông đã cống hiến cho văn học Việt Nam, đặc biệt là những trang viết dành cho tuổi thơ, lĩnh vực đang rất ít cây bút thành công. Ông đã vẽ nên khung cảnh nên thơ, thanh bình, lồng ghép vào những câu chuyện thú vị. Bằng tài quan sát tỉ mỉ, cảm nhận tinh tế, hài hước, ông đã đi vào tâm hồn trẻ thơ một cách nhẹ nhàng nhưng mực thước, được độc giả nhí hào hứng đón nhận như những món ăn tinh thần hiếm và quý với những bài học đắt giá...

Nguồn: Báo Hậu Giang