cart.general.title

Giải thưởng sách thiếu nhi khuấy động văn đàn

Nhiều tác giả trẻ tỏ ra hồ hởi vì có được sân chơi lớn, trong khi những nhà văn giàu kinh nghiệm kỳ vọng thế hệ người viết mới sẽ đem lại hơi thở mới cho văn học thiếu nhi.

Ảnh: Thanh Trần.

Nhằm khuyến khích các cây viết hướng ngòi bút của mình tới đối tượng độc giả nhí, nhiều cuộc vận động sáng tác, các giải thưởng cho văn học thiếu nhi đã ra đời. Mới đây, Giải thưởng văn học Kim Đồng và Giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM vừa được công bố đã khuấy động văn đàn.

Có nhiều sân chơi lớn, được chú trọng cả về chuyên môn lẫn số tiền thưởng, nhưng điều đáng mừng hơn cả đối với các nhà văn là mảng văn học thiếu nhi đang ngày càng được xã hội quan tâm.

Động lực khuyến khích nhà văn sáng tác

Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ là tác phẩm vừa nhận được được Giải thưởng Dế Mèn năm 2023. Đây cũng là tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên của Lạc An. Tại cuộc gặp gỡ với cây viết dành cho thiếu nhi tại Nhà xuất bản Kim Đồng ngày 13/6, Lạc An cho biết cơ duyên bắt đầu từ một bài báo về cuộc vận động sáng tác của Kim Đồng.

Lạc An - tác giả trẻ vừa có tác phẩm thiếu nhi đầu tay đoạt giải thưởng Dế Mèn năm 2023. Ảnh: Thanh Trần.

“Trong bài báo cũng có viết rằng văn học thiếu nhi Việt Nam đang thiếu các tác phẩm huyền ảo. Xuất phát từ một người làm kinh tế thì tôi chỉ nghĩ xã hội đang có nhu cầu này thì mình sẽ làm sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó thôi, và đó là xuất phát điểm của Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ”, cô nhớ lại.

Cô cũng có biết trong bài báo vận động sáng tác đó không hề có một giải thưởng nào nhưng bản thân vẫn muốn thử sức. Vì thế, sau khi biết được Giải thưởng Văn học Kim Đồng vừa công bố, với giải nhất là 100 triệu, Lạc An càng có thêm nhiều động lực.

“Bên cạnh những khó khăn của người viết như cuộc sống vội vã hay thiếu trải nghiệm, thì còn có một khó khăn nữa là thiếu nhi ngày nay đang có quá nhiều sản phẩm giải trí. Đó là một điều cản trở các tác giả đến với văn học thiếu nhi. Vì vậy khi thấy giải thưởng được công bố, tôi cảm thấy đó là một động lực rất lớn vì nó cho thấy xã hội đang quan tâm không chỉ với thiếu nhi mà cả với các tác giả viết cho thiếu nhi. Là một cây viết mới, tín hiệu này đem lại nhiều động lực cho tôi”, Lạc An chia sẻ.

Giải thưởng Văn học Kim Đồng gắn với cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025 vừa được công bố ngày 30/5 với tổng trị giá giải thưởng là 360 triệu đồng, trong đó giải Nhất trị giá 100 triệu đồng. Chỉ 2 ngày sau, Giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM cũng được công bố với nhiều hạng mục, giải Nhất từ 50 triệu đồng trở lên.

Những tin tức này đã thu hút sự chú ý của giới văn sĩ, không chỉ bởi quy mô của cuộc thi mà còn ở sự quan tâm của xã hội dành cho dòng sách thiếu nhi.

“Mọi người bắt đầu í ới gọi nhau hầu như trong khoảng thời gian 2, 3 tuần vừa qua. Các nhà báo gặp nhau cũng thường hay nói về các giải thưởng. Mọi người còn đùa kiểu: hay bạn này thi giải này, bạn kia thi giải kia đi. Thật ra đây cũng là cách để mọi người tự thúc đẩy, tạo động lực cho nhau”, nhà văn Phương Huyền chia sẻ.

Nhiều nhà văn có kinh nghiệm cũng có dịp quay trở lại với những câu chuyện tuổi thơ như nhà văn, nhà thơ Đào Phong Lan, nhà văn Ngọc Liên, nhà văn Trần Quốc Toàn…

“Đến một độ tuổi nào đó người ta sẽ muốn quay về tuổi thơ, nay được sống lại với những cảm xúc, trải nghiệm trong trẻo trong tuổi thơ của mình và bạn bè. Không nói đến chuyện giải thưởng, dù 100 triệu cũng rất hấp dẫn, điều tôi hy vọng hơn cả là có thể chia sẻ, đồng cảm được với các em, các con của mình hoặc là có thể nói chung tiếng nói, ngôn ngữ của các em”, nhà văn, nhà thơ Đào Phong Lan tâm sự.

Kỳ vọng ở thế hệ sáng tác trẻ

Nhà văn Trần Quốc Toàn chia sẻ về dự định tham gia cuộc thi lần này, đồng thời bày tỏ: “Tôi hơi ngại vì cũng lớn tuổi rồi, nhưng tôi vui vì có nhiều bạn trẻ viết cùng với thế hệ chúng tôi”, ông nói.

Theo nhà văn Trần Đức Tiến - Chủ tịch Hội đồng chấm giải - văn học thiếu nhi tầm 10 năm trở lại đây đang phát triển rất mạnh, không chỉ về số lượng, chất lượng mà còn cả đội ngũ tác giả.

Thị trường sách dành cho thiếu nhi ngày càng được quan tâm trong những năm gần đây. Ảnh: Thanh Trần.

“Việc đọc của các em rất quan trọng, vì vậy văn học thiếu nhi lúc nào cũng cần được đánh thức chứ không chỉ trong một cuộc thi. Hơn nữa, các bạn trẻ ngày nay viết rất hay. Tôi tin rằng họ vẫn còn nhiều bản thảo chưa được xuất bản, trong đó chắc chắn sẽ có những bản thảo xuất sắc. Việc có giải thưởng không khiến cho các bạn viết hay hơn, nhưng sẽ giúp cho các bạn ngồi xuống bàn và gõ”, ông nhận định.

Đồng ý với quan điểm đó, nhà văn, nhà báo Hồ Huy Sơn cho rằng thực tế trong vài năm gần đây, văn học thiếu nhi trong nước rất sôi động, có sự kế thừa nhau từ thế hệ 6X, 7X,8X, 9X, thậm chí cả thế hệ sinh sau năm 2000.

Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, đã gần 10 năm kể từ cuộc vận động sáng tác năm 2015 của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đây là khoảng thời gian đủ để một thế hệ tác giả mới xuất hiện, cũng là lúc thời kỳ mới mở ra với nhu cầu của bạn đọc ngày càng rộng mở về đề tài, thể loại.

“Mười mấy năm qua tạo ra một bước chuyển rất lớn trong tư duy của những người cầm bút viết cho thiếu nhi. Chúng ta không phủ nhận nền văn học thiếu nhi của một thời, nhưng chúng tôi kỳ vọng những cây viết mới sẽ viết khác đi, bay bổng hơn và giải phóng đôi cánh tưởng tượng, chắp cho trẻ em những đôi cánh kỳ diệu hơn nữa. Tôi kỳ vọng rất nhiều vào việc phát hiện những cây bút mới, giọng điệu mới, tạo ra những thế giới mới và những hơi thở mới cho văn học thiếu nhi”, nhà văn Cao Xuân Sơn bày tỏ.

“Tôi nghĩ một giải thưởng thành công không chỉ tìm ra giải A, giải B, mà thật sự là chúng ta tìm ra tiếng nói có thể đồng điệu với các em thiếu nhi”, nhà văn, nhà thơ Đào Phong Lan nói.

Nguồn: Zing