cart.general.title

Hội sách thiếu nhi châu Á: Từ ý tưởng đến giá trị thực

Trong không khí Hội sách thiếu nhi châu Á (AFCC) lần thứ 14 sắp diễn ra tại Singapore, cùng nhìn lại sự phát triển và đánh giá tầm quan trọng của sự kiện này.

Hình ảnh tại một kỳ Hội sách thiếu nhi châu Á, Singapore, 2018. Ảnh: AFCC.

Theo trang thông tin của sự kiện, ý tưởng tổ chức AFCC từ năm 2010 xuất phát từ thực trạng hơn một tỷ trẻ em ở châu Á thiếu các nguồn lực tốt, cả về giáo dục và giải trí. Những người có phương tiện và khả năng tiếp cận được những nguồn lợi này thì phần lớn sử dụng các tài liệu giáo dục giải trí có sẵn từ phương Tây. Các tài liệu châu Á, ngay cả những tài liệu có sẵn, cũng hiếm khi được quảng bá và do đó không được nhiều trẻ em biết tới.

Do vậy, các nhà tổ chức nhận ra rằng việc đưa các tác phẩm châu Á có chất lượng đến với trẻ em là điều tối quan trọng và điều đó sẽ giúp trẻ em nhận thức được các giá trị văn hóa và môi trường độc đáo của châu Á, thúc đẩy sự hiểu biết và tình yêu đối với văn học và nghệ thuật thị giác. Từ đó sẽ đặt nền móng cho một nền giáo dục khu vực tốt và toàn diện.

Hình ảnh trong cuốn sách thiếu nhi Việt Chang hoang dã - Gấu được quảng bá tại hội sách năm nay.

Do đó, Hội sách thiếu nhi châu Á (AFCC) dần trở thành sự kiện hàng đầu thường niên ở khu vực hướng tới các sáng tác văn học dành cho thiếu nhi và tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên (YA). Nhắm mục tiêu tôn vinh các nhà văn, họa sĩ minh họa, dịch giả, nhà xuất bản, nhà giáo dục và chuyên gia truyền thông, AFCC có nội dung chương trình phong phú, bao gồm thảo luận nhóm, thuyết trình, hội thảo, bài giảng, phiên kết nối mạng và các chương trình công cộng nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tôn vinh chất lượng văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên tập trung vào các chủ đề Châu Á.

Sự kiện năm 2022 thu hút 144 diễn giả đến từ 13 quốc gia. Ảnh: AFCC.

Được Hội đồng sách Singapore đứng ra tổ chức từ năm 2010, sự kiện diễn ra thường niên vào tháng 5.

Sau 2 năm ban đầu có chủ đề chung, mỗi năm sau đó thường sẽ chọn ra một quốc gia tâm điểm và tôn vinh nền văn học tại đó để kỷ niệm quan hệ của Singapore với một quốc gia đối tác trong khu vực.

Riêng 3 năm phải tiến hành theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp (2020, 2021 và 2022) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chủ đề của AFCC cũng được thay đổi để nâng cao giá trị của ngành xuất bản và tinh thần học hỏi của độc giả giữa một thế giới đầy thách thức và khó khăn.

Quốc gia tâm điểm của AFCC năm nay (diễn ra từ 25-28/5) là Việt Nam, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Singapore và Việt Nam.

Chương trình năm nay quan tâm tới lịch sử văn học thiếu nhi ở Việt Nam và các cơ hội xuất bản, cùng với việc trưng bày sách ảnh Việt Nam. Cụ thể, 5 đầu sách của Việt Nam và 5 đầu sách của Singapore được dịch và chia sẻ thông qua các sáng kiến đọc sách cho trẻ em tại sự kiện này.

Cho tới nay, có thể nói AFCC được đánh giá là một sự kiện khu vực quan trọng để ngành xuất bản Châu Á, bao gồm nhà văn, họa sĩ minh họa, dịch giả, biên tập viên, nhà xuất bản, học giả, giáo viên, thủ thư và các bậc phụ huynh gặp gỡ, học hỏi, trau dồi kỹ năng và phát triển sự hợp tác đa văn hóa.

Nguồn: Zing