cart.general.title

Lấp dần "khoảng trống" trong văn học thiếu nhi

Nhờ sự quan tâm của những người viết tâm huyết, của phụ huynh và chính các em nhỏ, văn học đề tài thiếu nhi đang lấy lại không khí sáng tác sôi động, kỳ vọng lấp dần "khoảng trống" hiện nay.

Giải thưởng văn học đề tài thiếu nhi 2023

Không khí sáng tác sôi động trở lại

Nhìn nhận bức tranh chung của văn học thiếu nhi những năm qua, nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: “Chúng ta từng có thời kỳ rực rỡ của văn học thiếu nhi với các thế hệ vàng. Nhiều lớp con em lớn lên được tắm trong nền văn chương đó. Bẵng đi mấy chục năm văn học cho thiếu nhi gần như thiếu sự quan tâm của xã hội và của các nhà văn. Tuy nhiên, những năm gần đây, văn học thiếu nhi đang khởi sắc trở lại, thể hiện ở sự phong phú về các mảng đề tài cũng như độ tuổi người sáng tác. Đáng mừng là sự quan tâm thực sự của đông đảo tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Một số tác giả cũng như tác phẩm đã để lại dấu ấn qua cách tiếp cận mới lạ từ cả góc nhìn hiện thực lẫn lối viết giả tưởng”.

Nhà văn Thái Chí Thanh cho biết, để văn học thiếu nhi khởi sắc hơn, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã chuyển đổi nguồn lực, từ Ban Văn học thiếu nhi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi, nhằm tìm kiếm những người viết tâm huyết, có sự đổi mới trong sáng tác. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo, tọa đàm bàn về việc đưa thêm một số tiêu chí cho mảng văn học thiếu nhi, như lý luận, phê bình bên cạnh mảng thơ và văn truyền thống; hay xem xét công nhận truyện tranh vào văn học thiếu nhi; khuyến khích các trang viết về trẻ khuyết tật, tự kỷ, đồng tính, hay di dân, dịch bệnh... 

Có thể lấy ví dụ Cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi giai đoạn 2021 - 2025, đợt 1 tính đến ngày 15.6.2023 đã nhận được 246 tác phẩm tham dự, cho thấy sự sôi động của loại hình văn học này với đầy đủ vùng miền, từ Hà Nội, đến TP. Hồ Chí Minh, từ đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Nguyên, qua các tỉnh miền Trung, ra miền núi phía Bắc. Điểm thú vị là nhiều tác giả người Việt Nam sinh sống hoặc học tập, công tác tại nước ngoài cũng nhiệt tình tham dự. Độ tuổi tác giả khá phong phú, cao nhất là cụ Huỳnh Sanh Châu - 95 tuổi, thấp nhất là em Kul Nguyễn - 10 tuổi…

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, qua kết quả đợt 1 Cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi và giải thưởng thường niên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023, có thể thấy lượng người viết cho thiếu nhi ngày càng tăng, độ tuổi tham dự cũng trẻ hóa. Bên cạnh đó, nhiều giải thưởng văn học cho thiếu nhi đã được phát động, như Giải thưởng văn học Kim Đồng, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam… “Theo tôi, đây là những dấu hiệu tốt và cần thiết. Nhìn sang một số quốc gia coi trọng văn học thiếu nhi, xem đây như một ngành công nghiệp, những người sáng tác cũng nên xác lập lại sứ mệnh cho lĩnh vực văn học này”.

Tìm kiếm đề tài mới, tận dụng thế mạnh riêng

Lâu nay, văn học về thiếu nhi được đánh giá vẫn còn "khoảng trống", khan hiếm những hình tượng nghệ thuật có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc nhỏ tuổi. Nhà văn Thái Chí Thanh cho rằng, tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi phải chú trọng trước hết ở tính nhân văn, sự hồn nhiên để tạo sự hấp dẫn. Hiện nay, xã hội thay đổi với nhiều nguồn thông tin, buộc văn học viết cho lứa tuổi này phải đổi mới, thâm nhập các đề tài thiên về siêu thực, ma mị... thay vì dừng ở các hình tượng mặt trăng, mặt trời, mắt na, múi bưởi… đơn điệu. "Chúng tôi đã thấy được tinh thần đổi mới trong tác phẩm Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp của Dương Thị Thảo Nguyên - tác giả đoạt giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi đợt 1. Theo tác giả, mèo cũng phải có ước mơ, được làm nghệ sĩ… là điểm hấp dẫn và hay để đánh giá giá trị của tác phẩm".

Tác giả Dương Thị Thảo Nguyên thừa nhận, với chị, đây là mảng đề tài khó vì phải chọn lọc từ vựng sao cho thật khéo, yếu tố hài hước, không nặng yếu tố bài học, giáo điều, sao cho các bạn nhỏ thấy hào hứng hơn, mong muốn được khám phá nhiều hơn.

Về cách lựa chọn đề tài cho tác phẩm Cá Linh đi học, Giải thưởng năm 2023 Hội Nhà văn Việt Nam thể loại văn học thiếu nhi, nhà văn Lê Quang Trạng chia sẻ, anh viết tác phẩm này với các thế mạnh riêng của mình, tạo không khí văn chương trong sáng, hướng đến chân - thiện - mỹ. Sinh ra tại miền Tây Nam Bộ, suốt tuổi thơ đến khi trưởng thành, anh gắn bó với mảnh đất An Giang, với văn hóa sông nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Vì thế, tác phẩm ngoài việc bám vào vùng đất, môi trường sinh thái, văn hóa, còn muốn góp phần nâng cao tình yêu đối với thủy sản, với cá linh, tạo sự trắc ẩn về việc đánh bắt tận diệt, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái mà cốt lõi là giá trị nhân văn của con người.

"Sở dĩ tôi tự tin với nội dung lựa chọn giới thiệu tới độc giả ở tác phẩm này sau nhiều thế hệ nhà văn đã thành công với các sáng tác cho đồng bằng sông Cửu Long như Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư… vì qua mỗi thế hệ, mỗi thời đại lại có góc nhìn khác nhau. Tôi chọn góc nhìn mới về vấn đề giữ gìn và hòa nhập văn hóa", tác giả Lê Quang Trạng khẳng định.

Nguồn: daibieunhandan