cart.general.title

Nhà văn Vũ Hùng: Người gieo những hạt giống tình yêu thiên nhiên tươi mới

Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, Cầu Giấy, Hà Nội, là cựu học sinh trường Bưởi (Chu Văn An) và Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950, phụ trách Đài trưởng Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ông từng là phóng viên Khoa học kỹ thuật của báo Quân đội nhân dân, biên tập viên của Nhà xuất bản Ngoại văn và nhà xuất bản Văn học. Vũ Hùng nguyên là Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa. Năm 1989 ông định cư tại Pháp và tháng 5/2014, ông trở về Việt Nam sinh sống.
Cuốn sách đầu tay của Vũ Hùng là cuốn “Mùa săn trên núi” ra đời năm 1961. Trong suốt sự nghiệp, ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng: cuốn Sao Sao (1982) và cuốn Sống giữa bầy voi (1986). Năm 2016, bộ sách của nhà văn Vũ Hùng cũng đã nhận giải Vàng, giải thưởng Sách Việt Nam do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Năm 2018, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng Cống hiến lần thứ Nhất cho nhà văn Vũ Hùng.

Bộ sách của nhà văn Vũ Hùng được trao giải Vàng sách Hay năm 2016. 

Tôi được gặp nhà văn Vũ Hùng cách đây gần chục năm, lúc đó ông đang ở Hà Nội. Ông điềm đạm và nho nhã, đôi lúc trong câu chuyện có sự dè dặt… tôi hiểu điều đó… lúc đó ông vừa về nước sau 25 năm… 
Cho đến cách đây vài năm, nhiều người còn ngơ ngác khi nói đến nhà văn Vũ Hùng. Họ chưa nghe, chưa đọc gì của ông, nhất là thế hệ sinh sau những năm 1980. Họ không biết cũng phải, bởi ông cũng đã vắng bóng trên văn đàn từ cuối những năm 1980, còn các tác phẩm đã được in của ông vì những lý do nào đó cũng nằm im trong các tủ sách từ đó.
Lần giở lại cuốn kỉ yếu 20 năm sách Kim Đồng (1957-1977), số 118 trong danh sách tác giả là Hùng (Vũ): 181, 417, 458, 786, 858, 859, 860, 878. Các con số này là đầu mục của các tác phẩm của Vũ Hùng: “Cu li lùn” - 100.300 bản, 1976; “Người quản tượng và con voi chiến sĩ” - 40,300 bản. 1973; “Dưới mái nhà làng” – 15.200 bản, 1967; “Đi mi tơ rop” - 100.300 bản, 1976; “Mùa săn trên núi” - 6.069 bản, 1961; in lại lần thứ 2 - 20.200 bản, 1971; “Giữ lấy bầu mật” - 15.080 bản, 1963; “Phía Tây Trường Sơn” - 60.300 bản, 1976. Tám tựa sách cho thiếu nhi và gần 300 ngàn bản in - cũng gọi là nhiều cho 20 năm đối với người viết… 
Nhà văn Vũ Hùng đã có hơn 40 cuốn sách, viết chủ yếu cho thiếu nhi, các sách của ông phần lớn đều được xuất bản tại NXB Kim Đồng và đề tài chủ yếu của ông là phong cảnh thiên nhiên, con người vùng Trường Sơn, giáp Lào. Là trạm trưởng trạm thông tin của Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào, ông đã có nhiều năm sống ở nơi đây. Những tác phẩm của ông được đúc kết từ chính cuộc sống thực của mình. Và những năm tháng ở Lào, ở Trường Sơn đã cho ông những trang viết về thiên nhiên vô cùng sinh động và tinh tế. Ông đã kể về thời gian này: “…Người Lào hiền hòa lắm. Bộ đội tình nguyện Việt Nam bị Tây đuổi, họ cứu. Tây bị bộ đội tình nguyện đuổi, họ cũng cứu, không phân biệt. Sau 7 năm ở Lào tôi đã đổi khác, không còn là người được đào tạo ở Trung Quốc mà thành người thấm nhuần văn hóa Lào: yêu bà con, bạn bè, gia đình, để cho mọi người xung quanh mình cùng sống. Quá trình đó làm tôi trở thành người cầm bút theo chủ nghĩa nhân văn. Nếu không có 7 năm ở Lào có lẽ tôi cũng sẽ thành một người cầm bút nhưng với tư tưởng khác…”

Nhà văn Vũ Hùng nhận giải Vàng sách Hay của Hội Xuất bản Việt Nam (năm 2016) với sự đồng thuận 100% từ Ban Giám khảo. (Ảnh: Zing)

Những tác phẩm của ông do Nhà xuất bản Kim Đồng in khi xưa đều làm lũ trẻ chúng tôi thời đó mê đắm. Chúng tôi mơ tới những khu rừng Trường Sơn huyền bí, mơ thành những chàng quản tượng kiêu hùng, mơ tới những đêm đi săn kì bí, tưởng tượng ra những con voi chiến sĩ… Thiển nghĩ, các tác phẩm văn học sẽ có đời sống lâu dài hơn khi tác giả viết về tình yêu của con người, về quan hệ tốt đẹp giữa người với nhau... Tôi nghĩ như vậy bởi những cuốn sách còn đọng lại trong tôi tới giờ là những cuốn sách về tình yêu con người, trong đó có “Mùa săn trên núi”, “Người quản tượng và con voi chiến sĩ”, “Phía Tây Trường Sơn” của nhà văn Vũ Hùng. 
Nhà thơ Hồng Thanh Quang nhận mình là một trong những độc giả ruột của nhà văn: “Tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi biết nhiều thứ hơn qua những câu chuyện về thiên nhiên của bác Vũ Hùng. Tôi đọc thấy yêu thiên nhiên của đất nước mình, thấy được sự bí ẩn thiên nhiên kì thú”. 
Nhà văn Trần Đức Tiến đánh giá, nhà văn Vũ Hùng là một trong những nhà văn quan trọng nhất trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với một lối văn chương chuẩn mực. Ông cho rằng, nếu không được đọc những tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng thì có lẽ ông không có được niềm đam mê và theo đuổi nghiệp viết cho thiếu nhi cho đến tận bây giờ. 
Nhà văn Vũ Hùng được sinh ra trong một gia đình công chức, bố ông là bạn thân với nhà thơ Tú Mỡ. Hồi nhỏ Vũ Hùng học ở trường Sinh Từ (đó là trường tiểu học Lý Thường Kiệt ngày nay, ở giữa phố Nguyễn Thái Học và Sinh Từ, gần ngõ Thanh Miến). Thầy giáo Hoàng Đạo Thúy là người dạy lớp Nhất của ông. Chính cụ Hoàng Đạo Thúy là người đã gieo vào ông những hạt giống tươi mới của tình yêu thiên nhiên, đất nước. Với tâm hồn trong trẻo, nhạy cảm của một chàng học sinh Hà Nội, với những năm tháng tuổi trẻ sống và chiến đấu trên đất Lào, tiếp xúc với những người Lào đầy đức tin Phật giáo… tất cả những điều đó đã vun đắp cho tâm hồn nhà văn Vũ Hùng một tình yêu nhân văn thuần khiết, để thể hiện thành những trang văn đầy yêu thương.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét: “Thiên nhiên trong Vũ Hùng có tính hợp lý cao độ. Đó không phải là một thiên nhiên hỗn độn. Ngược lại ở đây luôn luôn ngự trị trật tự và một cái gì đó giống như sự lương thiện.
Tại sao lại có một thiên hướng rõ rệt đó? Từ lâu tôi đã tự hỏi mà không biết, chỉ đến thời gian gần đây, đọc các đoạn hồi ký Vũ Hùng viết về gia đình mình trong “Mái nhà xưa”, thì tôi mới thật hiểu. Chính Vũ Hùng đã được giáo dục trong một môi trường nhân bản mà ông đã miêu tả.
Qua những trang phác họa của Vũ Hùng về song thân của ông, người chị cả, người anh lớn, những người hàng xóm như một bác già nuôi chim và bán chim, một chị vú em… người đọc các thế hệ sau có thêm hiểu biết về con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử thanh bình. Đó là thời con người sống biết điều và nhân hậu, phân biệt thiện ác rõ ràng, biết cái tốt phải theo và cái xấu phải từ bỏ.”

Nhà văn Vũ Hùng từng chia sẻ: “…Tôi yêu thiên nhiên vì thiên nhiên Đẹp và bền vững hơn những thế lực muốn chinh phục nó. Đó là một đối tượng không phải để chinh phục mà để ta nghiên cứu thích nghi. Thiên nhiên ở Việt Nam bị con người tàn phá nhưng ở nhiều nơi khác như ở Nhật, Pháp, Đức, Hà Lan, Thuỵ Điển, Na Uy... thì không. Nơi đâu thiên nhiên được gìn giữ thì nơi đó ít chịu thiên tai. Ngược lại nơi đâu tàn phá thiên nhiên thì nơi đó sẽ bị Trời Đất trừng phạt. Những tập đoàn, những quốc gia tham lam và thiển cận phải tôn trọng thiên nhên nếu muốn quốc gia họ sống trong thời tiết thuận hoà…”
Năm 2018, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng Cống hiến lần thứ Nhất cho nhà văn Vũ Hùng với bộ sách 18 cuốn văn học thiếu nhi của ông. Bộ sách viết về muông thú, rừng núi và thiên nhiên tươi đẹp của đất nước. Những tác phẩm của ông còn có giá trị giáo dục cho trẻ em nhiều thế hệ. Trước đó, năm 2016, bộ sách của nhà văn Vũ Hùng cũng đã nhận giải thưởng Sách Việt Nam do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
Giải thưởng muộn màng này cũng làm ông vui, bởi như ông nói là nó to với một ông già đã 86 tuổi, nhưng trên hết - ông vui bởi giải thưởng là sự khẳng định giá trị lâu dài của những tác phẩm ông viết. 
Còn tôi, khi thấy ông chậm chạp bước lên đỉnh vinh quang, thì thấy xót xa: Không biết niềm vui sẽ còn ở lại với ông bao lâu nữa, bởi tim của ông đã phải thay cái sten thứ tư rồi. 
Khi được hỏi về món nợ văn chương, món nợ  của những  người cầm bút, ông trả lời: “…Tôi sẽ in các tác phẩm mới hoàn thành và chưa công bố của tôi dưới dạng bản thảo tặng người thân trong gia đình và bè bạn nào muốn đọc. 
Tôi yêu quê hương, yêu gia đình, bè bạn, yêu ngôi nhà nơi tôi sinh sống, rất yêu... Nhiều người thân và bè bạn ra đi, chính mình cũng sắp ra đi, đó là quy luật. Đời là vô thường, cái gì rồi cũng chấm dứt. Tôi đã sẵn sàng cho ngày đó!…”

Theo thông tin từ gia đình, Nhà văn Vũ Hùng đã từ trần hồi 7 giờ 40 ngày 2/11 (ngày 9 tháng 10 năm Nhâm Dần) tại Trung tâm điều dưỡng Tuyết Thái, Đông Anh, Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Tô Chiêm