Nhìn lại đời sống văn học Việt Nam năm 2023: Tín hiệu mới nhưng chưa tạo bứt phá, lan tỏa
Đời sống văn học năm qua đã sôi động trở lại với nhiều sự kiện có tác động lan tỏa rộng khắp. Tuy nhiên, điều mấu chốt là giá trị tác phẩm vẫn chưa có nhiều ấn tượng, để lại băn khoăn cho độc giả.
Sôi động những sự kiện văn học
Sự kiện văn học lớn đầu tiên của năm 2023 là việc tổ chức trở lại Ngày thơ Việt Nam sau 3 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Ngày thơ đã có những thay đổi đáng kể về địa điểm, phương thức tổ chức, với nhiều hoạt động sôi nổi. Điểm nhấn chủ đạo là đêm thơ Nguyên tiêu, giới thiệu, trình diễn và tôn vinh các gương mặt thơ ca tiêu biểu qua các thời kỳ. Ngày thơ Việt Nam “tái xuất” đã đem lại sự phấn khởi, hào hứng cho những người yêu thơ nói riêng, yêu văn chương nói chung.
Niềm vui sướng, hứng khởi của văn học Việt Nam năm qua tiếp tục được nhân lên khi vào dịp sinh nhật Bác (19-5), Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được tổ chức. Nhiều tác giả gạo cội, quen thuộc của văn học nước nhà đã được vinh danh như: Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển, Nguyễn Bảo, Đoàn Tuấn... Lễ trao giải một lần nữa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với văn học nghệ thuật, tạo ra động lực, thôi thúc giới sáng tác nâng tầm để tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật.
Năm nay cũng là năm có nhiều hoạt động chuyên môn, sinh hoạt nghề nghiệp, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Cuối tháng 9, đầu tháng 10, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất tại Hải Phòng. Đến tháng 11, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ”. Sang tháng 12, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo “Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển”; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức gặp mặt các nhà văn lực lượng vũ trang...
Độc giả trò chuyện tại Ngày thơ Việt Nam 2023 tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN QUANG
Các hội nghị, hội thảo, gặp mặt đã nhìn lại thành tựu và kinh nghiệm gần 40 năm đổi mới, thu hút, tập hợp được trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà văn. Với những ý kiến đóng góp chân thành, sâu sắc của các nhà văn, các nhà khoa học, nhà quản lý, hy vọng nền văn học Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ xác lập được sứ mệnh mới, sớm có những tác phẩm vừa “hồng”, vừa “chuyên”, xứng tầm thời đại, đáp ứng sự mong mỏi của công chúng bấy lâu nay.
Một điểm sáng khác của đời sống văn học năm 2023 là ngày càng có nhiều hoạt động, chương trình mới được tổ chức tôn vinh các giá trị văn học. Tiêu biểu là việc tôn vinh một số tác phẩm văn học tại Lễ tôn vinh các gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Bắc Giang.
Sau cùng, việc Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp hội viên với 66 tân hội viên (con số kỷ lục từ trước đến nay) cũng là một tín hiệu đổi mới tích cực. Mặc dầu vẫn còn những “lời ra tiếng vào” về công tác kết nạp, song việc mở rộng cánh cửa kết nạp hội viên sẽ đem lại cho Hội nhiều luồng sinh khí mới, giọng điệu mới, cá tính mới, để từ đây mở ra những niềm hy vọng mới cho nền văn học nước nhà.
Băn khoăn về chất lượng tác phẩm
Năm 2023 là một năm bội thu của các giải thưởng văn học. Đáng chú ý, một số giải thưởng văn học có giá trị vật chất lớn, động viên người viết. Cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn do Báo Lao động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức có số tiền thưởng kỷ lục: 300 triệu đồng với giải nhất thể loại tiểu thuyết, 150 triệu đồng với giải nhất thể loại truyện ngắn.
Đối với hội nhà văn, như thường lệ, Hội Nhà văn Hà Nội vẫn “kiệm giải” nhất khi chỉ trao giải “Thành tựu văn học trọn đời” cho nhà văn Ma Văn Kháng và tác phẩm “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” của tác giả Vũ Bình Lục ở thể loại lý luận phê bình. Các hạng mục quan trọng là thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, dịch thuật hoàn toàn để trống.
Nhìn vào danh sách tác phẩm đoạt giải thưởng, có thể thấy, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh rôm rả hơn khi có nhiều tác giả và tác phẩm đoạt giải, trải đều trên các lĩnh vực khác nhau. Trong số các tác phẩm đoạt giải thưởng, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với công trình đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục lý luận phê bình “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” của Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương. Cuốn chuyên luận này đã giải đáp hàng loạt vấn đề lớn liên quan tới văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20, khi nước ta vẫn chưa được độc lập.
“Cá Linh đi học”-truyện dài giành giải thưởng thể loại văn học thiếu nhi cũng là một bất ngờ thú vị của năm nay. Thông qua câu chuyện về hành trình “vừa là cuộc phiêu lưu, vừa là cuộc đi học để lớn khôn” từ “trường học sông Cửu Long... để trở về quê hương Biển Hồ” của chú cá linh và những người bạn, Lê Quang Trạng đã giúp các em nhỏ có những hình dung về một “thế giới động vật” dưới nước vô cùng sinh động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ở địa hạt tiểu thuyết, giải thưởng được trao cho hai tác phẩm “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một và “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà. Sau hai tiểu thuyết “rời rạc” là “Ngược mặt trời” và “Đất trời vần vũ”, Nguyễn Một lần đầu tiên thử sức với đề tài chiến tranh cách mạng qua "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín". Sự xuất hiện của tiểu thuyết này đã góp thêm một thanh âm mới về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Còn đối với “Tuyệt không dấu vết”, mặc dù đã được khoác lên mình tấm áo mới “tiểu thuyết trinh thám-kiếm hiệp” như tác giả tự nhận, song bạn đọc vẫn nhận ra phong cách quen thuộc của Nguyễn Việt Hà trong “Cơ hội của Chúa”, “Khải huyền muộn”, “Ba ngôi của người” và “Thị dân tiểu thuyết”. Đặt trong tương quan mặt bằng tiểu thuyết năm 2023, hai cuốn tiểu thuyết trên được trao giải chính là sự ghi nhận xứng đáng cho cả quá trình đóng góp cho nền tiểu thuyết nước nhà của hai cây bút.
Dẫu là các tác phẩm văn học nổi trội được xuất bản trong năm 2023, tuy nhiên, chúng ta thấy các tác phẩm đoạt các giải thưởng về cơ bản chưa có nhiều đột phá, đổi mới; sức ảnh hưởng và lan tỏa rất hạn chế, ngay cả trong văn giới, chứ đừng nói đến công chúng rộng rãi.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng giải thưởng văn học quan trọng nhất của nền văn học nước nhà nằm ở... nước ngoài. Sự kiện tác giả trẻ Nguyễn An Lý đoạt giải Dịch thuật quốc gia về văn xuôi của Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ với tiểu thuyết “Chinatown” (Phố Tàu) của Thuận là một điểm nhấn quan trọng của văn học Việt Nam đương đại. Giải thưởng này một mặt khẳng định sự hội nhập ngày càng sâu rộng và thiết thực của văn học Việt Nam vào dòng chảy văn học thế giới, một mặt chứng tỏ đội ngũ tác giả-nhà dịch thuật (nhất là các tác giả trẻ) đương đại của chúng ta đủ trình độ, năng lực để “bơi ra và chiếm lĩnh biển lớn” chứ không chỉ để “cho vui, cho biết” như trước đây. Giải thưởng của Nguyễn An Lý sẽ là một cú hích tinh thần quan trọng giúp việc giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học kinh điển và đương đại ra thế giới được nhiều và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Xuân Giáp Thìn 2024 đang đến gần. “Hữu long tất linh”, mong rằng trong năm con rồng, văn chương sẽ càng thêm cái linh nghiệm, uy nghiêm của loài vật “đứng đầu” các con giáp mà chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa.
Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM
Nguồn: qdnd.vn