cart.general.title

Sáng tác văn học thiếu nhi khó nhất ở cách thể hiện sao cho hấp dẫn, độc đáo

Đó là nhận định chung của 3 nhà văn Thuỷ Nguyên, Phát Dương và Kim Hoà trong buổi giao lưu "Văn học thiếu nhi - Luồng gió mới từ những tác giả trẻ" sáng ngày 22/4, do NXB Kim Đồng tổ chức.

Trong buổi giao lưu, các nhà văn cùng có chung ý kiến rằng bất kì đề tài nào cũng có sức hấp dẫn riêng với các bạn độc giả nhí.

Chẳng hạn các bạn ở thành phố rất thích các cuốn sách văn học viết về đồng quê, truyện dân gian, đồng thoại...; còn các bạn nhỏ yêu thích phiêu lưu sẽ "thả tim" cho những cuốn sách huyền ảo, kì bí...

"Điều đó cho thấy đề tài sáng tác văn học thiếu nhi là không giới hạn, chỉ là người viết phải có cách thể hiện, truyền tải sao cho hấp dẫn, độc đáo" - nhà văn Kim Hoà chia sẻ.

Nhà văn Phát Dương cũng có ý kiến: "Nhiều người bảo đề tài văn học thiếu nhi viết theo kiểu phiêu lưu, giả tưởng thường không thu hút bằng các đề tài khác do không gần gũi với cuộc sống của các em. Nhưng Harry Potter - bộ truyện về thế giới phù thuỷ hoàn toàn không có thật, lấy bối cảnh ở một đất nước xa xôi vẫn làm say mê biết bao thế hệ độc giả Việt Nam đấy thôi".

Từ phải qua trái, nhà văn Kim Hoà, nhà văn Thuỷ Nguyên và nhà văn Phát Dương chia sẻ bí kíp sáng tác văn học thiếu nhi.

Một ý kiến cho rằng ứng dụng Chat GPT đang phát triển mạnh mẽ, có thể khiến các nhà văn bị... thất nghiệp, vì chỉ cần gõ vài từ khoá, câu hỏi là nhận được ngay đoạn văn dài.

Nhà văn Kim Hoà cho biết: "Các học trò của mình cũng rất thích ứng dụng này, vì từ nay không còn phải... chật vật khi làm bài tập làm văn nữa (cười). Nhưng mình tin rằng ứng dụng này khó có thể thay thế được các nhà văn, nhà báo, vì nó không có cảm xúc. Thử hỏi chat GPT làm sao có thể kể được các câu chuyện đầy cảm xúc trong Vương Quốc Ngộ Nghĩnh, Lớp Học Cây Me nếu không phải trải qua 17 năm kinh nghiệm đứng lớp, quan sát học trò mình mỗi ngày".

Nhà văn Thuỷ Nguyên cũng đồng tình với ý kiến này, cho rằng Chat GPT vẫn chỉ là ứng dụng sao chép, chứ khó có thể xây dựng được thế giới sáng tác riêng về thế giới quan trong cuộc sống hằng ngày như con người.

Còn nhà văn Phát Dương thì đặt vấn đề rằng liệu dữ liệu đầu vào là các tác phẩm được Chat GPT sao chép có thật sự đảm bảo chất lượng về nội dung, văn phong... hay không. Nếu không thì sản phẩm cuối cùng của Chat GPT tạo ra cũng chỉ là một sản phẩm đầy lỗi.

Nguồn: Mực Tím