Tặng sách - nét đẹp lấp lánh giá trị chân, thiện, mỹ
Du xuân đọc sách và nhận quà sách là một trong những nét đẹp văn hóa của TPHCM dịp tết năm nay.
Bên cạnh những vật phẩm ngày xuân, sách đã trở thành món quà tết ý nghĩa trao nhau
Sự tham gia tận tâm của các đơn vị làm sách cũng như tinh thần truyền cảm hứng, tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc của các nhà làm sách, các đại sứ văn hóa đọc đã có tác động tích cực đến cộng đồng. Bên cạnh những vật phẩm ngày xuân, sách đã trở thành món quà tết ý nghĩa trao nhau.
Nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ trên trang Facebook của mình rằng, cùng với nhiều tựa sách, bộ sách khác, anh chọn mua bộ sách Hiền tài là nguyên khí quốc gia để lì xì trong dịp tết. Tiến sĩ giáo dục, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ, ngoài quà tết, chị cũng mang theo nhiều tựa sách văn học thiếu nhi tặng cho các em nhỏ khi đi thăm gia đình các chiến sĩ hải quân. Nhà thơ, nhà báo Hồ Huy Sơn hồ hởi cho biết, nhiều phụ huynh đã mua tập truyện ngắn Con diều ngược gió vừa được tái bản (có bổ sung) của anh để tặng cho con trước thềm xuân mới.
Rất nhiều tựa sách, bộ sách có giá trị được các đơn vị làm sách trang trọng thắt nơ hoa, làm thành giỏ quà tết hết sức bắt mắt. Tinh thần “lì xì sách tết” và đọc sách ngày xuân rộn ràng trước, trong và cả sau tết Giáp Thìn. Một năm mới được mở ra với rất nhiều niềm hân hoan và kỳ vọng về sự lan tỏa tích cực, sâu rộng trong cộng đồng với văn hóa đọc.
Từ mùa xuân Giáp Thân 1944, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã viết: “Ngày xuân mà được đọc sách thì may mắn biết chừng nào. Có lẽ nhờ vậy mà ra Giêng bắt đầu làm việc lại, tinh thần thêm mạnh mẽ, tâm trí như thanh xuân, với một tâm hồn vừa thanh cao, vừa thơ bé, vừa ẩn nhẫn từ bi, vừa nồng nàn ái quốc” (trích Đọc sách ngày xuân, đăng trên Nam Kỳ Tuần Báo năm 1944). Khuyến học và khuyến đọc đã được các trí thức, văn nhân khuyến khích, truyền cảm hứng qua hàng thập kỷ.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, khai trí và khai tâm là 2 giá trị quan trọng nhất của việc đọc sách. Hành trang tri thức là một phần giá trị đặc biệt quan trọng trong hành trình đời người. Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TPHCM, nguyên Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - từng nói rằng, một đứa trẻ có niềm yêu thích đọc sách từ bé thì chắc chắn khi trưởng thành sẽ có những hành vi ứng xử văn hóa rất khác với người không đọc sách.
Thế hệ “rường cột” của nước nhà rất cần được lớn lên với những giá trị tri thức nhận từ trang sách. Nguồn ánh sáng tri thức vô hình mà kỳ vĩ, có sức mạnh dìu dắt, nâng đỡ, khai mở để mỗi người bước đến chân trời của đời mình. Đó cũng là lý do mà bao năm qua, những nhà làm sách, những chuyên gia tâm huyết với văn hóa đọc luôn nỗ lực, nhiệt thành, tận tụy đưa sách về vùng sâu, vùng xa. Trao tặng sách cho trẻ thơ chính là trao tặng tri thức và góp phần vun bồi giá trị cho những thế hệ kế tiếp.
Quà sách đầu xuân không chỉ là phong trào mà còn là niềm kỳ vọng về một thói quen văn hóa trong thời đại mới. Xưa, từng có những mùa xuân mà “chủ khách quây quần ở khay trà dĩa bánh, cùng nói những câu chuyện văn chương hay cùng nghe những bài đờn thanh nhã”; “vô số bạn trẻ lui tới thư viện một cách siêng năng, ham đọc sách, ham viết văn, chịu để linh hồn mình vào những vấn đề có liên hệ đến văn học và văn hóa” (theo Thiếu Sơn, Nam Kỳ Tuần Báo số 77, ngày 30/3/1944). Thì nay, văn hóa đọc sách hiện diện trong mùa xuân, lan tỏa bao mùa trong tâm hồn và tinh thần của những người
yêu sách.
Vẻ đẹp ấy tĩnh lặng, âm thầm nhưng lấp lánh giá trị của chân, thiện, mỹ.
Nguồn: Phụ Nữ Online