cart.general.title

Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ ngày 22-12

Sáng 22-12, Đường sách thành phố Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đường sách thành phố Thủ Đức nằm tại đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú.

Mô hình Đường sách thành phố Thủ Đức

Để chào mừng sự kiện này, sẽ có một tuần với nhiều sự kiện diễn ra tại Đường sách Thủ Đức từ ngày 22-12 đến ngày 1-1-2024.

Đường sách với biểu tượng hoa hướng dương 

UBND thành phố Thủ Đức quyết tâm thực hiện Đường sách Thủ Đức, với mong muốn tạo dựng không gian lâu dài phát triển văn hóa đọc, gắn kết người làm sách và người đọc, các hoạt động văn hóa, du lịch…

Đường sách thành phố Thủ Đức có chiều dài 190,6m, tổng diện tích 3.508m2, nằm ở đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú.

Đây được xem là vị trí thuận lợi, có nhiều trường học.

Đường sách được thiết kế với nhiều không gian như: không gian văn hóa Hồ Chí Minh, không gian văn hóa đọc, không gian sách cũ, không gian trải nghiệm trò chơi trí tuệ dành cho trẻ em và gia đình, không gian cà phê sách, sân khấu chính và công trình phụ trợ…

Thời gian hoạt động của đường sách từ 9h-22h hằng ngày.

Đường sách thành phố Thủ Đức có biểu tượng nhận diện là mascot hoa hướng dương mang ý nghĩa thân thiện.

Ngoài ra còn có hai phiến đá khắc tiểu sử Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tư và câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa đọc.

Đây là công trình hưởng ứng đợt hoạt động cao điểm 500 ngày thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chào mừng thành phố Thủ Đức bước sang năm thứ tư hình thành và phát triển.

Một tuần nhiều hoạt động 

Để chào mừng sự kiện này sẽ có một tuần hoạt động sôi nổi tại Đường sách thành phố Thủ Đức.

Buổi sáng 22-12 sẽ diễn ra lễ khánh thành đường sách, ra mắt không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tiếp đó là các hoạt động Chuyến xe công nghệ; Khuyến đọc-hành trình lan tỏa.

Ngày 23-12 có giao lưu Thay đổi giữa văn hóa đọc và nghe của độc giả trẻ trong xu hướng chuyển đổi số; giao lưu với nhà văn Nhật Chiêu và dịch giả Quế Sơn chủ đề Những thể nghiệm nhân sinh trong tác phẩm của Kawabata Yasunari…

Ngày 24-12 có chương trình kể chuyện âm nhạc Giáng sinh cổ tích; giao lưu cùng nhà văn Gia Bảo cùng câu chuyện tình bạn trong Soái ca Mèo Mái NgóiNông trại Hoa Đậu Biếc, những gợi mở về sáng tác văn học thiếu nhi…

Ngày 25-12 giao lưu với nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải với tác phẩm Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời.

Ngày 26-12 giao lưu mang tên Bác Hồ, một tình yêu bao la, trò chuyện cùng tác giả Trần Đình Việt, tác giả quyển sách Lòng nhân ái của bác Hồ.

Ngày 27 và 28-12 là các hoạt động dành cho trường học. 

Ngày 29-12, giao lưu với dịch giả quyển sách Học tập suốt đời.

Ngày 30-12 có thuyết trình Thơ tình lục bát và Haiku ba nước Đông Á (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản), có biểu diễn minh họa đàn cổ tranh Trung Quốc, đàn tranh Việt Nam và hát dân ca Nhật Bản.

31-12 giao lưu âm nhạc acoustic chủ đề Chào năm mới.

Nguồn: Tuổi Trẻ