cart.general.title

Tiếp tục nâng cao văn hoá đọc cho thiếu niên, nhi đồng

Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 02-CT/TWĐTN-CTTN ngày 15/01/2024 về việc tiếp tục nâng cao văn hóa đọc cho thiếu niên, nhi đồng.

Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã chủ động tham mưu triển khai hiệu quả, sáng tạo, thiết thực các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa cho thiếu niên, nhi đồng nói chung và các hoạt động hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho thiếu niên, nhi đồng nói riêng. Trong đó, các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trực tiếp là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Nhà Xuất bản Kim Đồng có vai trò quan trọng, đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng cho thiếu niên, nhi đồng; là kênh thông tin phản ánh sinh động công tác Đội và phong trào thiếu nhi ở cơ sở. Các ấn phẩm sách, báo thiếu nhi đã góp phần vào việc hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi; giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước, rèn luyện những kỹ năng bổ ích, những giá trị tốt đẹp của lòng yêu thương, sống tích cực, lành mạnh và biết sẻ chia; giúp các em nâng cao nhận thức, có ước mơ, lý tưởng và khát vọng cống hiến, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Thông qua các ấn phẩm sách, báo thiếu nhi và phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”, các chủ trương của tổ chức Đoàn, Đội đã được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo đội viên, thiếu nhi tham gia, góp phần nâng cao chất lượng công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng của các cấp bộ Đoàn.

Tuy nhiên, thói quen đọc sách và văn hóa đọc hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi quá trình hội nhập, sự bùng nổ thông tin, phát triển của mạng xã hội và các loại hình giải trí đa phương tiện. Bên cạnh những nội dung tích cực, vẫn có nhiều thông tin sai lệch, không phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu tiếp cận của thiếu nhi, ảnh hưởng tới việc định hướng, giáo dục những giá trị tốt đẹp dành cho các em. Việc đầu tư, sáng tác các tác phẩm mới, tác phẩm hay, tạo nên niềm đam mê, yêu thích đọc sách, báo cho thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức, sự quan tâm của một số cấp bộ Đoàn, Đội trong tổ chức các hoạt động tạo môi trường hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi chưa đầy đủ, toàn diện. Bên cạnh đó, sự chênh lệnh về điều kiện tiếp cận thông tin, các ấn phẩm sách, báo giữa các em thiếu nhi thành thị và nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn vẫn còn tồn tại; không gian đọc của thiếu nhi ở một số địa phương chưa được trang bị đã ảnh hưởng đến việc hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi.

Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục thúc đẩy, hình thành thói quen đọc sách và nâng cao văn hóa đọc trong thiếu niên, nhi đồng nói chung, phong trào “Đọc và làm theo báo Đội” nói riêng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục nâng cao văn hóa đọc cho thiếu niên, nhi đồng với một số nội dung sau:

1. Các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn, đặc biệt là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Nhà xuất bản Kim Đồng có nhiệm vụ tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm ngày càng hấp dẫn, phong phú, sinh động, đáp ứng nhu cầu, sở thích và nguyện vọng chính đáng của thiếu nhi một cách có định hướng. Nghiên cứu mở rộng, nâng cao chất lượng các trang báo điện tử, nghiên cứu triển khai các ứng dụng báo chí, truyền thông đa phương tiện hiện đại. Quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về mảng thiếu nhi; hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ “Phóng viên nhỏ” tại các địa phương; tăng cường hoạt động xã hội, hoạt động giao lưu giữa bạn đọc với các tác giả, tác phẩm và các đơn vị báo chí, xuất bản. Đẩy mạnh công tác phát hành thông qua cơ chế phối hợp với ngành giáo dục vào đào tạo; hệ thống Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi và các Liên đội. Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Nhà Xuất bản Kim Đồng hằng năm tổ chức hiệu quả các giải thưởng, hoạt động sáng tác dành cho thiếu nhi; tập trung xây dựng các kế hoạch, dự án hỗ trợ ấn phẩm sách, báo Đội dành cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, thiếu nhi là con thanh niên công nhân…

2. Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan định kỳ tổ chức các chương trình, hoạt động hình thành và phát triển thói quen đọc sách, báo trong thiếu nhi, tiếp tục đẩy mạnh triển khai và thực hiện hiệu quả phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, các gương thiếu nhi tiêu biểu có thành tích xuất sắc và tích cực tham gia phong trào. Đề xuất với cấp ủy và chính quyền đảm bảo nguồn kinh phí trong ngân sách bố trí hàng năm và sử dụng các nguồn thu hợp pháp, các nguồn thu từ phong trào, hoạt động Đội để trang bị các ấn phẩm sách, báo chính thống dành cho thiếu nhi; trong đó, có các ấn phẩm sách, báo giáo dục lịch sử, truyền thống, kỹ năng của Nhà Xuất bản Kim Đồng và Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Hướng dẫn các cấp bộ Đoàn, Đội hỗ trợ Liên Đội xây dựng kế hoạch, huy động kinh phí trang bị tủ sách thiếu nhi; xây dựng không gian đọc sách, tương tác sinh hoạt Đội. Phấn đấu hàng tuần, mỗi Chi đội đều được trang bị Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng; bên cạnh đó, định hướng các em học sinh lựa chọn các ấn phẩm khác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Nhà xuất bản Kim Đồng theo tinh thần tự nguyện.

3. Các cấp bộ Đoàn, Đội tăng cường tổ chức các sân chơi, hoạt động khơi dậy niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi. Tập trung tuyên truyền rộng rãi trong thiếu niên, nhi đồng và các em đội viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, báo và phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”, giúp các em phát huy tinh thần tự học tập, chủ động tìm đọc các ấn phẩm sách, báo dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Hướng dẫn, hỗ trợ thiếu nhi tham gia các nhóm bút, câu lạc bộ phát thanh măng non, câu lạc bộ sáng tác thơ văn của thiếu nhi, viết tin, bài và phấn đấu trở thành phóng viên nhỏ, phóng viên tuổi hồng của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Tổ chức cho đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia sinh hoạt chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, sân chơi “Đọc sách vì tương lai”. Thường xuyên tổ chức, trao đổi các chuyên đề, chuyên mục, bài viết, các cuốn sách, bài báo về truyền thống lịch sử của Đội, các tấm gương anh hùng nhỏ tuổi, các gương thiếu nhi tiêu biểu trong các buổi sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt chi đội, liên đội. Cổ vũ, khuyến khích và hỗ trợ các em thiếu niên, nhi đồng sáng tác các tác phẩm văn học gửi các cơ quan báo chí của Đoàn, Đội, góp phần tuyên truyền phản ánh các hoạt động Đoàn, Đội và phong trào thanh thiếu nhi ở cơ sở.

4. Giao Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn - Thường trực Hội đồng Đội Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đoàn đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị và đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị. 

Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên