cart.general.title

Văn học thiếu nhi 'khát' tác phẩm hay

Nhiều năm trở lại đây, có một thực trạng là tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi dường như không có chỗ đứng trên văn đàn Việt Nam. Mặc dù số lượng tác phẩm văn học dành cho lứa tuổi này không ít. Nhưng lại rất hiếm tác phẩm hay có sức hấp dẫn các em nhỏ.

Cần nhiều tác phẩm thiếu nhi hay để tạo sức hút các em nhỏ

Khoảng trống trên văn đàn

Sự lấn át của sách dịch ở mảng văn học thiếu nhi trong những năm qua đang khiến cho văn học dành cho lứa tuổi này ở trong nước bị lép vế. Mặc dù gần đây, đã có không ít các cuộc thi, giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi nhưng sách văn học dành cho thiếu nhi vẫn thưa vắng tác giả mới, chưa có nhiều tác phẩm hay chạm tới tâm hồn các bạn nhỏ.

Việc các nhà sách ồ ạt dịch và phát hành sách thiếu nhi nước ngoài để đáp ứng cho nhu cầu đọc của trẻ em Việt Nam, dẫn đến thị trường sách ngoại lấn át sách nội cho thấy, tình trạng văn học thiếu nhi ngày càng “khát” các tác phẩm hay.

Mặc dù đa phần tác phẩm văn học thiếu nhi dịch của nước ngoài đều có giá trị nghệ thuật và tính giáo dục, hấp dẫn và phù hợp với lứa tuổi của các em, song thực tế, các cuốn sách dịch đó vẫn mang vẻ đẹp tâm hồn của trẻ nước ngoài, từ đó sẽ khiến trẻ em Việt Nam xa rời chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên.

Chia sẻ về vấn đề này, Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, điều kiện dành cho văn học thiếu nhi hiện nay còn tốt hơn trước đây. Ngay như Hội Nhà văn Việt Nam bây giờ có Hội đồng Văn học thiếu nhi. Cùng với đó, nhiều cuộc thi được tổ chức. Tuy nhiên những tác phẩm hay thì rất hiếm. Những nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh chỉ là hiện tượng. Gần đây có một số tác giả viết cho thiếu nhi gây được tiếng vang như Bình Ca, Trung Sĩ... song vẫn chưa đủ với tiềm năng khai thác văn học thiếu nhi.

Cũng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, hiện nay không còn thấy các em thiếu nhi quan tâm sáng tác nữa. Trẻ em hiện nay vẫn có năng khiếu về thơ ca, văn chương nhưng chỉ có điều không có người hướng dẫn.

Theo nhà văn Uông Triều, hiện nay, những người viết cho thiếu nhi không nhiều, chủ yếu các nhà văn khai thác đề tài dành cho người trưởng thành. Đa phần các nhà văn nghĩ rằng viết cho thiếu nhi có gì đó hơi dễ hay có cảm giác không tương xứng. Vì thế họ chưa thực sự coi trọng văn học viết cho thiếu nhi.

“Có những tác giả viết cho thiếu nhi nhưng sự đầu tư thiếu bài bản, chuyên nghiệp như những nhà văn nước ngoài. Mặc dù hiện nay nhiều thế hệ nhà văn viết cho thiếu nhi, bên cạnh đó Nhà nước cũng khuyến khích để phát triển lĩnh vực này nhưng để tạo ra những tác phẩm có sự ảnh hưởng thì lại không nhiều đang như “đãi cát tìm vàng” - nhà văn Uông Triều chia sẻ.

Sách luôn là người bạn đồng hành với tuổi nhỏ

Nâng chất

Các tác phẩm thiếu nhi dịch ở nước ngoài thấm đẫm không gian, ứng xử của xã hội phương Tây chứ không phải ở Việt Nam. Việc thiếu sự đầu tư cho văn học thiếu nhi khiến những thứ quen thuộc, bình dị của thôn quê Việt Nam trở nên xa lạ với ác em nhỏ. Theo nhà văn Uông Triều, điều này sẽ dẫn đến cho thiếu nhi gặp phải nguy cơ thiếu hiểu biết về chính nền tảng văn hóa, thiên nhiên... của người Việt. Ngoài ra còn tạo ra sự xa lạ với chính cuộc sống sau này. Đây là sự thiếu hụt rất nghiêm trọng vì lứa tuổi thiếu nhi rất hồn nhiên và dễ bị ảnh hưởng.

Có thể nhận thấy, gần đây, văn học thiếu nhi đã rất được quan tâm thông qua các giải thưởng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hoặc các tổ chức tài trợ mở ra các cuộc thi lớn để thu hút tác giả, tạo động lực sáng tác cho văn học thiếu nhi.

Vẫn theo nhà văn Uông Triều, để khỏa lấp khoảng trống cả về chất và lượng đối với văn học thiếu nhi, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà xuất bản để thu hút lượng tác giả viết cho thiếu nhi qua các giải thưởng. Cùng với đó, các nhà văn Việt phải thay đổi nhận thức, phải coi văn học thiếu nhi là đề tài quan trọng ảnh hưởng lâu dài đối với các thế hệ trẻ cũng như không hề thua kém các dòng văn học khác. Phải đặt ngang hàng, thậm chí phải vượt trội hơn. Các nhà văn đã viết cho thiếu nhi rồi cần phải tạo ra những tác phẩm hấp dẫn hơn để tạo thành chuỗi, thành bộ tác phẩm có sức ảnh hưởng chứ không đơn thuần là tác phẩm đơn lẻ. Nếu kết hợp được tất cả các điều đó thì văn học thiếu nhi sẽ có sự khởi sắc nhất định.

Xưa nay chúng ta vẫn hay nói về vấn đề văn hóa đọc. Trong đó, vấn đề xây dựng văn hóa đọc cho trẻ là vấn đề rất được quan tâm. Nhưng để làm được điều này, để sách thực sự thu hút được các em thì điều quan trọng là những tác phẩm văn học dành cho lứa tuổi các em phải thực sự chất lượng, gây được tiếng vang.

Nguồn: Đại Đoàn Kết