Văn học thiếu nhi khu vực Tây Nam Bộ: Khởi sắc nhưng chưa có nhiều đột phá
Người miền Tây Nam Bộ hào sảng, cá tính; hương đất tình sông tạo nên những nét độc đáo trong sáng tác văn chương. Noi theo các nhà văn thế hệ trước, có một lớp cây bút miền Tây Nam Bộ mê thích sáng tác văn học cho thiếu nhi, tạo nên sự khởi sắc đáng ghi nhận ở vùng đất này.
Một số nhà văn trẻ nổi bật của miền Tây Nam Bộ giao lưu cùng độc giả thiếu nhi.
Đội ngũ sáng tác hùng hậu
Miền Tây Nam Bộ đang có nhiều tác giả trẻ hăng hái sáng tạo văn học thiếu nhi. Họ không chỉ viết báo mà còn có những tập sách để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Có thể kể đến Nguyễn Chí Ngoan với “Rồi nắng cũng lẻ loi”, “Bến chờ”, “Căn cước U Minh”; Lê Quang Trạng với “Cá linh đi học”, “Thủ lĩnh vịt đồng”; Phát Dương với "100 cửa sổ", “Mở mắt và mơ”, “Bộ móng tay màu đỏ”; Trương Chí Hùng với "Sống cùng nước"…
Khi đời sống đang ngày một bị xâm lấn bởi mạng xã hội, những đứa trẻ lớn lên trong thế giới của máy tính bảng, của bốn bức tường thì việc ra mắt sách, khuyến khích đọc sách và tiếp xúc với nghệ thuật là cách hữu hiệu để nuôi dưỡng tâm hồn các em. Sách thiếu nhi hiện được nhiều nhà xuất bản và các đơn vị tư nhân đầu tư, nhưng trên thị trường chủ yếu vẫn là sách dịch, truyện tranh. Không ít nhà phê bình văn học cho rằng, việc đầu tư sáng tác cho thiếu nhi là vô cùng cần thiết, đó có thể coi là sự dấn thân, bởi viết cho trẻ em chẳng hề đơn giản.
Nhà văn Võ Diệu Thanh (An Giang), người có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, như “Mười bảy cây số đường ma”, “Siêu nhân cua”, “Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm”, “Tiền của thần cây”, chia sẻ: “Văn học thiếu nhi không chỉ là phương tiện tốt nhất giúp các em tiếp thu tri thức cần thiết, mà còn là món ăn tinh thần bổ ích nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển toàn diện về nhân cách cho các em. Chính vì vậy, sự thiếu hụt mảng sách thiếu nhi là vấn đề cần được quan tâm".
Thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư và kích thích sáng tác của nhiều đơn vị, tổ chức, văn học thiếu nhi nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đó cũng tác động mạnh mẽ đến việc sáng tác văn học thiếu nhi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với tiềm lực có sẵn của một đội ngũ nhà văn tâm huyết cùng sự nở rộ của nhiều cây bút trẻ có niềm đam mê viết cho thiếu nhi, không khí sáng tác của lực lượng trẻ ở miền Tây Nam Bộ khá sôi động. Hằng năm, khu vực này có nhiều đầu sách văn học thiếu nhi xuất hiện. Đó là điều đáng mừng.
Cần những bà đỡ mát tay
Dù đã có sự khởi sắc, song việc sáng tác văn học thiếu nhi ở Tây Nam Bộ cần tiếp tục được đầu tư để tạo ra sự đột phá. Nhà văn Lê Quang Trạng bày tỏ: “Để văn học thiếu nhi phát triển, cần có sự chung tay đồng bộ của nhiều ngành và nhiều đơn vị. Sự nở rộ các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi ngắn hạn, dài hạn gần đây khiến chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng và tin tưởng rằng những cuộc đãi cát này ắt sẽ tìm được vàng. Bên cạnh đó, việc tạo thói quen đọc sách, hình thành và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi cũng không kém phần quan trọng".
Nhìn nhận vấn đề với tâm thế lạc quan, tác giả Nguyễn Chí Ngoan tâm sự: “Những năm gần đây, văn học thiếu nhi rất được quan tâm. Đó là một tín hiệu vui cho các tác giả viết cho thiếu nhi. Hàng loạt cuộc thi viết cho thiếu nhi được tổ chức, góp phần tạo không khí sáng tác sôi động. Để phát triển văn học thiếu nhi, theo tôi, cần có thêm những trại viết dành cho các tác giả viết cho thiếu nhi. Các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến mảng văn học thiếu nhi của địa phương”.
Mỗi tác phẩm như đứa con mà tác giả sinh hạ, và đứa con đó cần được đến trường, đến với bạn bè và xã hội. Muốn vậy thì cần có những bà đỡ mát tay là các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết. Ở nước ta, từ lâu NXB Kim Đồng đã là một thương hiệu luôn quan tâm tới sự phát triển của văn học thiếu nhi, điều đó được thể hiện qua cách “đặt hàng”, khuyến khích tác giả, tiếp cận bản thảo, biên tập, nỗ lực đưa tác phẩm tới với độc giả. Đó vừa là động lực, vừa là nguồn cổ vũ với đội ngũ tác giả và độc giả, kích thích guồng máy văn học thiếu nhi nóng lên và chuyển động nhanh, nhịp nhàng.
Mới đây, tại tỉnh An Giang, NXB Kim Đồng đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với các nhà văn thiếu nhi khu vực Tây Nam Bộ. Bên cạnh việc phát động Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất, cuộc gặp gỡ còn tạo cơ hội để các nhà văn trẻ có dịp trao đổi về công tác xuất bản sách, khơi gợi tinh thần sáng tác cho trẻ em.
Những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án khuyến khích sáng tạo văn học, trong đó có văn học dành cho thiếu nhi. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Hội Nhà văn Việt Nam đang thực hiện Chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các tác giả viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em, và kêu gọi xã hội cùng mang những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc của đất nước tới cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nguồn: hanoimoi.vn