cart.general.title

Văn học thiếu nhi: Luồng gió mới từ những cây viết trẻ

Trong buổi tọa đàm về Văn học thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức mới đây, ba nhà văn trẻ là Thủy Nguyên, Phát Dương và Kim Hòa đều chung quan điểm rằng, bất kỳ đề tài nào cũng có sức hấp dẫn độc giả nhí. Tuy nhiên, thể hiện sao cho độc đáo và thu hút các em thì không phải tác phẩm nào cũng làm được.

Các tác giả chia sẻ tại buổi tọa đàm

Đề tài từ chính “hơi thở” cuộc sống

Tại buổi tọa đàm, cây bút đồng bằng Phát Dương, được biết đến từ cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI, vừa cho ra mắt tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tay 100 cửa sổ, đã mở ra câu chuyện hành trình từ ý tưởng đến tác phẩm cho trẻ nhỏ khai thác đề tài dịch bệnh Covid-19. “Khi đọc những tác phẩm nước ngoài, mình có chút bức bối và có một chút ganh tị khi nghĩ rằng tại sao họ có thể viết những câu chuyện huyền ảo cho trẻ em như vậy mà Việt Nam mình lại không? Từ đó, mình bắt đầu “mon men” bước chân vào thế giới giả tưởng”, nhà văn trẻ chia sẻ. Nói về đề tài mới lạ mà gần gũi này, Phát Dương cho biết, chính những cánh cửa im ắng đóng suốt những ngày căng thẳng giới nghiêm đã thôi thúc bản thân đặt bút viết. “Tác phẩm 100 cửa sổ ra đời với những câu chuyện được lấy cảm hứng từ tin tức hằng ngày, các nhân vật chính là hình tượng của bạn bè và cả những gì tuổi thơ mình từng trải qua. Mình chọn kể câu chuyện một cách huyền ảo để thể hiện khát khao của các nhân vật”, Phát Dương cho biết.

Độc giả nhí có lẽ không xa lạ với cái tên Kim Hòa, khi nhà văn trẻ đã có trong tay một “kho tàng” đồ sộ sách dành cho lứa tuổi thần tiên. Kim Hòa chia sẻ: “Mình không gặp nhiều khó khăn khi viết cho các em, bởi bản thân đã có sẵn một “tập đoàn thiếu nhi” ở bên cạnh, nên chỉ cần ghi chép, viết lại. Để các em thấu cảm, yêu thích thì việc của mình là mang đến những câu chuyện phản ánh đúng hơi thở cuộc sống của các em, từ ngôn ngữ, hình ảnh, bối cảnh đến chất liệu…”.

Còn với cây bút trẻ Thủy Nguyên, chị chia sẻ rằng duyên may của mình là được làm việc với trẻ con, giống như nhà văn Kim Hòa. Trong quá trình làm việc, trò chuyện cùng trẻ, chị đã có những chất liệu riêng và thay vì áp đặt, chị để bản thân vào chính vị trí của các em để viết. Cũng vì thế ở những tác phẩm của Thủy Nguyên, các bạn đọc trẻ sẽ dễ dàng nhận thấy hình ảnh của mình.

Rõ ràng, đề tài cho văn học thiếu nhi là vô tận và chưa bao giờ có dấu hiệu cạn kiệt. Mỗi đề tài sẽ có một sức hấp dẫn riêng, ví dụ như các bạn ở thành phố rất thích các cuốn sách văn học viết về đồng quê, truyện dân gian, đồng thoại...; còn với các bạn nhỏ yêu thích phiêu lưu thì sẽ thích những cuốn sách huyền ảo, kỳ bí… Theo nhà văn Kim Hòa: “Không phải đề tài hạn chế với văn học thiếu nhi mà bản thân người viết chưa tìm được thế mạnh thật sự của mình để khai thác. Mỗi cây bút sẽ có một địa hạt riêng và ở trong địa hạt ấy, người viết sẽ tìm được những gì tinh túy nhất để phát huy và sáng tạo nên những tác phẩm mang thương hiệu của bản thân”.

Cân bằng giải trí và giáo dục

Tại sao văn học thiếu nhi Việt Nam lại thiếu sức cạnh tranh so với văn học thiếu nhi nước ngoài? Là do sự hạn chế về năng lực viết hay thiếu đề tài, thiếu sự sáng tạo? Nhận định về vấn đề này, nhà văn Phát Dương đưa ra ví dụ, khi nhiều người bảo đề tài văn học thiếu nhi viết theo kiểu phiêu lưu, giả tưởng thường không thu hút bằng các đề tài khác do không gần gũi với cuộc sống của các em. Thế nhưng tại sao tập truyện đình đám Harry Potter về thế giới phù thuỷ hoàn toàn không có thật, vẫn làm say mê biết bao thế hệ độc giả Việt Nam? “Cái khó của việc viết cho thiếu nhi không nằm ở đề tài, mà ở việc cân nhắc đưa thông điệp vào tác phẩm. Bởi, nếu quá nhiều thì tác phẩm sẽ khô khan, cứng nhắc và thiếu hấp dẫn. Phải làm sao để tạo ra một tác phẩm có dấu ấn, chứ không phải là một tác phẩm trong thị trường bão hòa, rồi mất hút. Đặc biệt là làm sao để thể hiện tinh thần Việt, chất Việt ở tác phẩm đó”, Phát Dương chia sẻ và cho hay, bản thân đã rất “đau đầu” ngay trong tác phẩm 100 cửa sổ: “Tôi gặp rắc rối trong việc đưa yếu tố dịch bệnh vào tác phẩm, bao nhiêu là vừa đủ, làm sao chỉ gợi chứ không quá mạnh bạo, nên hy vọng hay buồn bã…”.

Đồng quan điểm trên, nhà văn Kim Hòa cho rằng, khó khăn không nằm ở việc đi tìm ý tưởng mà là làm thế nào để giọng điệu của mình được trẻ trung, làm thế nào để đưa ra được thông điệp, những câu chuyện thực tế, có tính thời sự vào và dễ dàng tiếp cận với các em nhất. “Có một câu chuyện gần đây ở lớp học của mình, đó là một bạn nhỏ bị mất bút và tất cả nghi ngờ đổ dồn vào một cậu bé nghịch ngợm. Thế nhưng, sau đó cây bút được tìm thấy ở hộc bàn của một bạn khác và cậu bé ấy đã được minh oan. Một câu nói của bạn ấy khiến mình bị ám ảnh: “Cô ơi, mấy bạn không tin con cũng được, nhưng tại sao cô lại không tin con?”. Điều đó đã làm mình suy nghĩ rất nhiều, nếu đưa vào sách thì phải đưa như thế nào để trẻ có được thông điệp bài học, vì không thể đưa những câu chuyện ấy vào tác phẩm một cách đơn thuần và bắt các em phải tự rút ra bài học, mà chính tác giả phải là người định hướng”, tác giả của cuốn sách Vương quốc ngộ nghĩnh cho hay.

Cũng tại buổi tọa đàm, các nhà văn trẻ đã có những chia sẻ xoay quanh ý kiến ứng dụng Chat GPT đang phát triển mạnh mẽ, có thể khiến giới cầm bút bị thất nghiệp, vì chỉ cần gõ vài từ khóa là đã có thể nhận được ngay đoạn văn dài. Nhà văn Thủy Nguyên nhận định, Chat GPT vẫn chỉ là ứng dụng sao chép, chứ khó có thể xây dựng được những sáng tác riêng về thế giới quan trong cuộc sống hằng ngày. Còn với nhà văn Phát Dương, không thể chối bỏ việc Chat GPT làm tốt về mặt sao chép, nhưng về chất lượng nội dung, văn phong, cảm xúc... giống như các nhà văn thì ứng dụng này không thể đạt được. 

Nguồn: Báo Văn Hóa