cart.general.title

Văn học thiếu nhi: Một năm khởi sắc

Nhờ sự ra đời của nhiều sân chơi lẫn sự quan tâm của các tổ chức, đơn vị; đặc biệt là sự quan tâm của phụ huynh và chính các em, đã tạo nên không khí xuất bản và sáng tác văn học thiếu nhi đầy sôi động trong năm qua.

Các nhà văn viết cho thiếu nhi tiêu biểu ở Tây Nam bộ (từ trái qua): Võ Diệu Thanh, Lê Quang Trạng

Lực lượng đông đảo

Năm 2023 ghi dấu sự trở lại của nhà văn Lý Lan với văn học thiếu nhi qua tác phẩm Tự truyện một con heo (NXB Trẻ). Dù đã lâu không xuất hiện, nhưng nhà văn Lý Lan vẫn cho thấy sự hấp dẫn của mình qua giọng văn duyên dáng và đầy dí dỏm. Giống như nhà văn Lý Lan, dù thuộc thế hệ những nhà văn đã có tuổi nhưng tình yêu dành cho những trang viết thiếu nhi vẫn thôi thúc các tác giả: Trần Quốc Toàn (Covid chưa qua cô Vịt đã tới), Ngô Thị Ý Nhi (Cây quất xù gai), Nguyễn Mỹ Nữ (Nhặt, Nào cùng nhón chân), Nguyễn Thái Hải (Thám tử học trò), Ngọc Khương (Muôn lời thiên nhiên)… cầm bút.

Đương nhiên, không thể không nhắc tới những người trẻ, đang được xem là lực lượng chủ lực hiện nay của văn học thiếu nhi. Họ mang đến những tác phẩm với nhiều thể loại, giọng điệu khác nhau, cùng tạo nên một dàn đồng ca đầy màu sắc. Đó là các tác giả: Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng, Trương Chí Hùng, Nguyễn Chí Ngoan, Thụy Anh, Phát Dương, Huỳnh Mai Liên, Võ Diệu Thanh, Gia Bảo, Phạm Anh Xuân, Mộc An, Nguyễn Khắc Cường, Huỳnh Trọng Khang…

Sự cởi mở từ các đơn vị xuất bản cũng giúp các tác giả mới có cơ hội được chào sân, giới thiệu tác phẩm của mình đến đông đảo bạn đọc. Có thể kể đến các tác giả: Lê Thị Thiên Hương, Minh Ngọc, Nguyễn Vân Anh, Hoàng Liên, Lê Ký Thương, Nguyễn Hải Lý, Trung Dũng KQĐ, Huệ Hương Hoàng, Giai Du, Chiều Hoa, Huy Hải, Phi Tân, Nguyệt Cát… Đặc biệt, những ngày cuối năm, văn đàn đón thêm một tân binh vô cùng trẻ. Đó là tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương (sinh năm 2012) với tác phẩm Bố con cà khịa và những bức thư (NXB Kim Đồng). Thụy Phương cũng là một trong 2 tác giả nhận tặng thưởng Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4-2023.

Sách trong nước, sách nước ngoài, mỗi mảng đều có những điểm mạnh riêng. Sách nước ngoài có sự đa dạng về đề tài, thể loại, cập nhật với xu hướng, dòng chảy đời sống, công nghệ. Tuy nhiên, sách trong nước lại có sự gần gũi về bối cảnh, ngôn ngữ, phản ánh cuộc sống, con người và có sự kết nối với độc giả. Tôi nghĩ, các tác giả hãy lấy những ý kiến của độc giả làm động lực để viết và đáp ứng sát hơn nhu cầu đọc của độc giả trẻ trong nước. - Bà VŨ THỊ QUỲNH LIÊN, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng

Nếu trước đây không ít tác giả viết cho thiếu nhi vẫn thường phàn nàn về việc thiếu sân chơi, thiếu những cuộc thi để cọ xát thì năm 2023, rất nhiều sân chơi như vậy đã diễn ra, mang đến những tín hiệu đầy tích cực cho văn học thiếu nhi. Một trong số đó là cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Tính đến ngày 15-6-2023, ban tổ chức đã nhận được 246 tác phẩm của 228 tác giả, đến từ khắp các vùng miền, nhiều nhất là Hà Nội, TPHCM, sau đó là Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung... Tâm điểm của đời sống văn học thiếu nhi trong năm qua có lẽ vẫn thuộc về NXB Kim Đồng khi phát động Giải thưởng Văn học Kim Đồng với giải nhất lên đến 100 triệu đồng. Sau hơn 5 tháng phát động, NXB đã nhận về gần 200 tác phẩm, tập trung chủ yếu ở mảng thơ và truyện ngắn.

“Qua một số hoạt động gặp gỡ, giao lưu với các hội văn nghệ, chúng tôi rất mừng vì các tác giả vẫn rất hào hứng và tâm huyết với công việc viết lách cho thiếu nhi. Chúng tôi thấy được sự trăn trở trong việc tìm hiểu về đề tài, sự nghiêm túc trong việc nhìn nhận rằng viết cho thiếu nhi không dễ. Có thể thấy, nhiều người viết vẫn luôn ấp ủ rất nhiều ý tưởng, nhiều tâm huyết và đôi khi họ chỉ cần một “cú hích nhẹ” để bắt tay vào việc”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, cho biết.

Các tác giả được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4-2023. Ảnh: HUY THÔNG

Vẫn còn những khoảng trống

Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, tính đến hết tháng 10-2023, NXB Kim Đồng đã xuất bản gần 200 đầu sách văn học trong nước, trong đó có khoảng một nửa là các sáng tác mới, còn lại là sách tái bản. “Sách văn học luôn giữ một vai trò quan trọng trong mảng sách của bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là sách văn học Việt Nam. Vì vậy, NXB Kim Đồng luôn đầu tư cho mảng sách này. Mảng sách văn học luôn được chú trọng và chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong tổng số sách xuất bản hàng năm của NXB”, bà Quỳnh Liên chia sẻ.

Ở NXB Trẻ, trong năm 2023, số sách thiếu nhi chiếm hơn 30% số tựa mới được phát hành. “Đối tượng sách thiếu nhi NXB Trẻ hướng đến rất đa dạng, từ mầm non cho đến 12 tuổi và cả nhóm đối tượng thiếu niên. Sách thiếu nhi của NXB Trẻ đa dạng thể loại: thơ, truyện kể, sách tranh, sách chữ, sách kỹ năng, sách trò chơi tương tác...”, đại diện NXB Trẻ cho biết.

Nhìn nhận về bức tranh chung của văn học thiếu nhi trong năm qua, nhà thơ Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) gói gọn trong 2 từ khởi sắc. Chị lý giải: “Sự khởi sắc được thể hiện trong sự phong phú về các mảng đề tài cũng như về độ tuổi người tham gia sáng tác. Ở góc độ cá nhân, điều tôi thấy mừng nhất là sự quan tâm thực sự của đông đảo tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Một số tác giả cũng như tác phẩm đã để lại dấu ấn qua những cách tiếp cận mới lạ từ cả góc nhìn hiện thực lẫn lối viết giả tưởng”.

Việc đặt văn học thiếu nhi Việt Nam và văn học thiếu nhi nước ngoài lên bàn cân, theo TS Nguyễn Thanh Tâm là điều thiếu công bằng cho văn học nước nhà. Tuy nhiên, theo chị, xét ở một vài khía cạnh thì đúng là văn học thiếu nhi của chúng ta đang thua ngay trên sân nhà. “Văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn còn đó rất nhiều khoảng trống. Trẻ khuyết tật, tự kỷ, đồng tính... rất khó tìm được mình trong những trang văn. Bạo lực, di dân, dịch bệnh... vẫn là vùng mờ của văn học thiếu nhi. Chúng ta cũng đang thực sự khan hiếm những hình tượng nghệ thuật có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc các thế hệ. Đấy lại là những điều mà một số tác phẩm văn học nước ngoài đã làm rất thành công”, TS Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ.

Cũng theo TS Nguyễn Thanh Tâm, một thực tế cần phải thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề trong khâu kết nối văn học thiếu nhi với độc giả, mở rộng thị trường cho văn học thiếu nhi. Điều này khiến nhiều tác giả, tác phẩm văn học thiếu nhi hay lại không được lan tỏa, không được hiện diện trong đời sống tiếp nhận văn chương của bạn đọc.

Những ngày đầu năm 2024, rất nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đã được vinh danh như tập thơ Sài Gòn sót mấy con ve của tác giả Trung Dũng KQĐ đoạt giải Hội Nhà văn TPHCM năm 2023, truyện dài Cá linh đi học của Lê Quang Trạng đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Trước đó, tháng 12-2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố 16 tác phẩm được trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021-2023. Trong đó, giải nhất thuộc về tác phẩm Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên; 2 giải nhì là Hạt dẻ ơi, về nhà thôi của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi); bộ thơ Dắt mẹ đi chơi (Đố mẹ, Dế mèn học chữ) của tác giả Mai Quyên cùng 5 giải ba và 8 giải khuyến khích.

Nguồn: SGGP