cart.general.title

Sách thiếu nhi: Đa dạng, phong phú, chiều lòng độc giả nhí

Hè đến, nhiều nhà xuất bản (NXB) tổ chức sự kiện giới thiệu, ra mắt ấn phẩm sách, tranh, thơ, truyện... được minh họa với nội dung gần gũi, đậm tính giáo dục hướng tới bạn đọc nhỏ tuổi.

Năm nay, mảng sách văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng nổi bật với nhiều tác phẩm hấp dẫn.

Trong đó, phải kể đến những cuốn về nghề cổ Việt đã lưu danh sử sách, thêm hiểu và trân trọng bề dày lịch sử văn hóa dân tộc như 3 cuốn đầu tiên trong bộ sách “Vang danh nghề cổ” gồm: “Chạm bạc Đồng Xâm - Gìn giữ tinh hoa”, “Làng mộc Chàng Sơn - Nét chạm của thời gian”, “Nước mắm Phú Quốc - Vị ngon đảo ngọc”. 

Nhiều cuốn sách đặc biệt dành cho thiếu nhi dịp hè.

Suốt chiều lịch sử văn hóa, cha ông ta đã cùng nhau gây dựng nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng của từng vùng, miền trên Tổ quốc.

Những nghề cổ ấy vẫn còn được bảo tồn cho tới ngày nay, không chỉ gây dấu ấn tại quê hương mà còn vươn xa tới nhiều quốc gia. 3 tập đầu tiên của bộ sách “Vang danh nghề cổ” sẽ đưa độc giả tới Phú Quốc - nơi khởi nguồn của một trong những nghề có truyền thống lâu đời của nước ta là làm nước mắm; tới Chàng Sơn - nơi có nghề mộc nức tiếng gần xa; Đồng Xâm với nghề chạm bạc có lịch sử gần 600 năm. 

Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách nhằm nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ được tái bản, như “Góc nhỏ yêu thương” của nhà văn Võ Thu Hương. Tác phẩm gồm các truyện ngắn viết cho lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở với thông điệp: Yêu thương có thể đến từ những điều bé nhỏ, chẳng cần đợi tới những điều lớn lao.

Hãy tự tặng cho mình một trái tim nhân ái bằng cách cho đi nhiều hơn nhận lại. Cứ thế, những ngọt ngào sẽ luôn còn mãi. Trái tim của con trẻ với những nét ngây thơ, bình dị là nơi trao đi những tình cảm chân thành. Chúng ta luôn dạy lũ trẻ  phải biết yêu thương người khác để rồi đôi lúc chợt giật mình nhận ra đã nhận được từ con những bài học tuyệt vời của trái tim. 

Ngoài mảng sách sáng tác, nhiều tác phẩm kỹ năng, khoa học, giáo dục cũng ra mắt dịp này. Bộ sách “Chuyện hay sử Việt” (10 cuốn) dẫn dắt bạn đọc đi ngược dòng thời gian với những sự kiện hào hùng, câu chuyện về những nhân vật được ghi trong chính sử và cả các huyền tích, giai thoại lưu truyền trong dân gian.

“Nghệ thuật Việt Nam” - “Vietnamese Art” với 2 ấn bản song ngữ tiếng Việt và Anh, thể hiện sâu sắc giá trị và nét đẹp các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam. Qua những hình ảnh sống động với lời kể chi tiết cùng các chỉ dẫn văn hóa, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc làm quen với các loại hình nghệ thuật của Việt Nam như hội họa, tranh in, điêu khắc, gốm, kiến trúc…

Dịp này, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi thế giới ra mắt ấn tượng được minh họa đẹp, hóm hỉnh nhưng cũng đầy tinh tế, nhân văn.

Được dự báo là “bom tấn” mùa hè năm nay, “Nobita và bản giao hưởng địa cầu” - tiểu thuyết Doraemon đầu tiên đồng hành cùng phim điện ảnh sẽ khiến độc giả bất ngờ bởi trí tưởng tượng phong phú và diễn biến câu chuyện đầy kịch tính của Doraemon và nhóm bạn Nobita trong hành trình giải cứu hành tinh Museaca. 

Điều đặc biệt là trong dịp hè năm nay, nhiều giải thưởng sách cho thiếu nhi đã và đang được tổ chức. Các giải thưởng đã tạo ra không khí sáng tác sôi nổi cho các tác giả, đồng thời mang đến nguồn bản thảo dồi dào.

Sau 3 tác phẩm đầu tiên được ra mắt, NXB Kim Đồng tiếp tục giới thiệu loạt tác phẩm cả văn xuôi và thơ từ Giải thưởng văn học Kim Đồng 2023 - 2025, gồm: “Đại náo nhà ông ngoại”, “Hải Âu đi tìm cha”, “Nết Na và Cù Nhây”, “Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh”, “Hạt bắp vỗ tay”, “Chú dế đêm trăng”...

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm 2024 cũng vừa được công bố. Trong số tác phẩm đoạt giải Khát vọng Dế Mèn có 2 bản thảo là truyện dài “Dưới khung trời ngát xanh” (Lữ Mai) và tranh truyện “Thư viện kỳ bí” (Lê Sinh Hùng, 14 tuổi). Cùng với đó, bản thảo truyện dài “Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò” (Đặng Chương Ngạn) cũng được tặng thưởng.

Hay trong số 16 tác phẩm đoạt giải Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021 - 2023 do Hội Nhà văn Việt Nam phát động, rất nhiều tác phẩm đang ở dạng bản thảo, như: “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp”; “Hạt dẻ ơi, về nhà thôi”... được bạn đọc nhí đón chờ.

Duy Linh
Báo Lao động Xã hội số 69